Nắng nóng kỷ lục, cá hồi Sa Pa lăn ra chết, mất hàng tỷ đồng

Thứ tư, ngày 24/04/2019 15:10 PM (GMT+7)
Do nắng nóng, hạn hán kéo dài nhiều ngày qua tại địa bàn huyện Sa Pa (Lào Cai) khiến nhiều ao, bể nuôi cá hồi xuất hiện tình trạng cá chết, nhất là cá loại nhỏ và cá bắt đầu đến kỳ thu hoạch, thiệt hại hàng tỷ đồng. Hiện, các doanh nghiệp, đơn vị và người dân nuôi cá hồi Sa Pa đang phải dùng nhiều biện pháp để chăm sóc và cứu cá.
Bình luận 0

Như đã thông tin, từ sau Tết Nguyên đán 2019, thời tiết tại Sa Pa có nhiều biến động dị thường, nắng nóng kéo dài, mưa rất ít và đặc biệt nền nhiệt độ luôn ở mức cao, khiến tình trạng hạn hán xảy ra gay gắt. Các khu vực đầu nguồn không có mưa nên hầu hết các khe, suối đều cạn kiệt nguồn nước...

img

Nhiều cơ sở nuôi cá hồi bị thiếu nước nghiêm trọng (bể cá của một cơ sở ở khu vực thác Bạc Sa Pa thiếu một nửa nước theo yêu cầu).

Vì thế, nhiều bể nuôi cá nước lạnh ở Sa Pa thiếu nước trầm trọng, bắt buộc các hộ nuôi phải tái sử dụng nước theo kiểu quay vòng, nên chất lượng nước không đảm bảo dẫn đến tình trạng cá hồi bị chết.

Ông Trần Chung Hưng, chủ trang trại nuôi cá hồi ở khu vực Thác Bạc Sa Pa cho biết: Từ đầu tháng 4 đến nay, do thiếu nước, trời lại hanh nóng đã làm chết trên 33.000 con cá hồi giống và hơn 200 kg cá thương phẩm của cơ sở.

Theo ông Hưng thì thông tin từ các hộ và doanh nghiệp trong Hội Cá nước lạnh Sa Pa, trong mấy ngày nắng nóng, nhiều bể cá xuất hiện cá thương phẩm chết, có hộ nuôi ở xã Bản Khoang, Tả Giàng Phình, Tả Phìn, San Sả Hồ… đã xuất hiện tình trạng cá hồi chết.

Cũng nằm ở khu vực Thác Bạc Sa Pa, trại cá của Trung tâm Nghiên cứu cá nước lạnh Sa Pa đã bị thiệt hại rất nhiều do nguồn nước cạn kiệt và bể nuôi bị ô nhiễm, cộng với nhiệt độ tăng cao khiến cá chết hàng loạt.

Ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Chủ tịch Hội Cá nước lạnh tỉnh Lào Cai, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu cá nước lạnh Sa Pa, cho biết: Từ đầu năm đến nay, các ao nuôi của Trung tâm đã bị chết trên 20.000 con cá hồi giống đang chuẩn bị xuất bán và trên 300 kg cá hồi thương phẩm, thiệt hại ước tính gần 1 tỷ đồng.

img

Cá hồi giống chết hàng loạt do thiếu nước và nhiệt độ tăng cao.

Từ khi nuôi cá hồi ở Sa Pa, chưa năm nào tình trạng hạn hán và nắng nóng lại gay gắt như năm nay, gây nhiều thiệt hại cho người nuôi cá. Nếu nắng nóng và hạn hán cứ tiếp tục tiếp diễn dài ngày thì nguy cơ nhiều trại nuôi cá hồi sẽ không có nước và tình trạng cá chết sẽ diễn ra trầm trọng hơn.

Mọi năm, đến tháng 4, Trung tâm Nghiên cứu cá nước lạnh Sa Pa xuất bán cá giống cho trên 50 hộ nuôi với sản lượng gần 40.000 con; năm nay cá chết quá 2/3 nên có thể sẽ thiếu nguồn cá giống phục vụ người nuôi.

Để cầm cự chờ mưa, trại nuôi đang tăng cường tiết kiệm và vệ sinh nguồn nước, kết hợp với tăng cường sục ô xi cho ao nuôi để đảm bảo sức khỏe cho cá, nhất là cá mới ươm và cá đang vào kỳ thu hoạch.

img

Các hộ nuôi cá hồi ở Sa Pa đang dùng mọi biện pháp để cứu cá.

Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sa Pa: Hiện toàn huyện có hơn 60 cơ sở nuôi, với trên 30.000 m3 bể, ao nuôi cá hồi. Trao đổi với phóng viên, đại diện Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sa Pa, cho biết: Tình hình cá hồi bị chết xảy ra ở một số xã, hiện chưa có thống kê đầy đủ số liệu thiệt hại.

Tuy nhiên, ngay khi xuất hiện tình trạng cá hồi chết, ngành nông nghiệp Sa Pa đã có văn bản hướng dẫn biện pháp phòng, chống nắng nóng và bệnh cho cá hồi, như tăng cường sử dụng các thiết bị phụ trợ và các chế phẩm sinh học như: Máy sục khí, viên nén oxy hòa tan trong nước; san thưa mật độ ương nuôi và giảm 50% khẩu phần cho cá ăn…

Thực tế, sau nhiều năm phát triển, nghề nuôi cá nước lạnh ở Sa Pa đã bộc lộ nhiều tồn tại. Điển hình như việc các hộ dân tổ chức nuôi tự phát, không tuân thủ theo quy hoạch. Nhiều cơ sở chung một nguồn nước gây khó khăn trong công tác quản lý chất lượng nguồn nước, ảnh hưởng đến việc quản lý dịch bệnh và vệ sinh an toàn thực phẩm...

img

Nhiều khe, suối ở Sa Pa đang cạn trơ đáy vì hạn hán.

Thời gian tới, để đảm bảo nghề nuôi cá hồi được ổn định, huyện Sa Pa cần có giải pháp quy hoạch vùng nuôi cá nước lạnh hợp lý hơn, đưa khoa học công nghệ vào để nuôi, tăng sản lượng nhưng không mở rộng về quy mô và diện tích, tăng cường phương án chủ động nguồn nước để tránh tình trạng thiếu nước xảy ra như hiện nay.

Phạm Sơn (Báo Lào Cai)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem