Nắng nóng, tự ý điều trị, con mệt nặng

Thứ năm, ngày 16/05/2013 15:34 PM (GMT+7)
Dân Việt - Ngày 16.5, bác sĩ Cấn Phú Nhuận – Trưởng Khoa Khám bệnh (Bệnh viện Nhi T.Ư) cho biết, bệnh nhi trong những ngày nắng nóng không gia tăng đột biến, nhưng nhiều trường hợp bị bệnh nặng.
Bình luận 0

Mùa nóng, trẻ em là đối tượng hay mắc bệnh nhất, cha mẹ cần chú ý phòng bệnh cho con.

Tự ý điều trị, con mệt nặng

Bế đứa con bé xíu, mệt lả trên tay, chầu chực ngòai phòng khám ngột ngạt của Bệnh viện Nhi, chị Nguyễn Thị Lan (Thuận Thành, Bắc Ninh) cho biết, con chị là Nguyễn Gia Bảo (mới được 5 tháng tuổi) đã bị sốt và tiêu chảy 9 ngày nay.

img
Một trẻ con, 2-3 người lớn đi kèm nên Bệnh viện Nhi càng đông đúc, ngột ngạt.

Lúc đầu, cháu chỉ bị sốt, gia đình chỉ đưa cháu đi khám phòng mạch tư gần nhà thì được bác sĩ chẩn đóan cháu bị viêm tai mũi họng, kê đơn kháng sinh cho uống. Nhưng khi uống kháng sinh thì cháu bé lại bị đi ngòai, gia đình tự điều trị bằng men tiêu hóa và thuốc lá. Cháu không đỡ mà bệnh ngày càng nặng, có ngày đi ngòai tới 10 lần, bú ít, mệt nhiều. Vì vậy, gia đình đưa con lên viện Nhi khám.

Còn chị Dương Kiều Tam (Văn Lâm, Hưng Yên) có con trai Nguyễn Thanh Phong (5 tháng tuổi) cũng bị đi ngòai đã 5 ngày, mỗi ngày đi 6-7 lần. Cháu không sốt, vẫn chơi, bú. Lúc đầu, gia đình tự cho cháu uống men tiêu hóa nhưng không đỡ nên đưa lên viện Nhi khám.

“Việc sử dụng quạt, điều hòa không hợp lý, khiến nhiệt độ giữa trong nhà và bên ngòai quá lớn, hoặc thời gian sử dụng kéo dài sẽ khiến trẻ mắc các bệnh viêm đường hô hấp cấp như viêm phổi, viêm phế quán, viêm mũi. Do đó, các bậc cha mẹ cần để ý đến liều lượng nhiệt độ trong phòng, không cho trẻ ra đường lúc nắng nóng, không cho con uống đồ quá lạnh. Việc chế biến thức ăn cho trẻ cũng phải bảo quản đúng cách và dùng trong ngày” – PGS-TS Nguyễn Tiến Dũng.

Còn chị Lương Bích Thuận (Kinh Môn, Hải Dương), có con gái 6 tháng tuổi đang bị nổi ban đỏ tòan thân đã được 4 ngày. Chị đã cho con đi bệnh viện ở địa phương, được chẩn đóan là dị ứng không rõ nguyên nhân. Tuy nhiên, đã điều trị 3 ngày vẫn không hết phát ban, con càng ngày càng khó chịu, quấy khóc nên chị đưa đi bệnh viện.

Giữa cái nóng 38-39 độ C ở phòng khám, mùi người, tiếng trẻ quấy khóc khiến không khí ngột ngạt. Người lớn khỏe mạnh đứng trong phòng một lúc cũng mướt mồ hôi, chuếnh choáng, khó thở. Theo ghi nhận của phóng viên, có khá nhiều trường hợp bệnh nhi nhỏ tuổi, chỉ chừng 5-7 tháng, cá biệt có những trường hợp chỉ 2-3 tháng tuổi nhưng cũng phải đi khám vì sốt, thở khò khè, có khả năng bị viêm phổi. Tuy trẻ bị sốt cao nhưng nhiều bà mẹ vẫn ủ con kín mít trong khăn bông, mặc quần áo dày, đi tất chân. Đây là sai lầm khiến trẻ em bị sốt cao hơn.

Bệnh nặng do cha mẹ sai lầm

Theo thống kê, trong vài ngày nắng nóng gần đây, mỗi ngày Bệnh viện Nhi đón tiếp khoảng 2.500-3.000 bệnh nhi tới khám, cũng “thường thường” như mọi khi. Bác sĩ Nhuận cho biết, thông thường trời nắng nóng, nhiều người cho rằng bệnh nhi sẽ gia tăng. Thực tế, chỉ khi thời tiết giao mùa, chuyển từ lạnh sang nóng hoặc lúc lạnh, lúc nóng bất chợt thì bệnh nhi mới gia tăng.

Còn khi trời đã “định hình” nóng hẳn, thì số lượng bệnh nhi đi khám và nhập viện lại ổn định. Hai bệnh căn bản mà trẻ em hay mắc phải vẫn là bệnh viêm đường hô hấp (từ viêm phế quản phối, viêm tai mũi họng, viêm xoang, viêm phổi… ) và bệnh đường tiêu hóa. Nếu mắc bệnh hô hấp thì các em khò khè, khó thở, sốt cao. Còn bệnh đường tiêu hóa thường mệt lả, mất nước, đi ngòai từ 5-10 lần/ngày, tòan nước. Có nhiều em do nhiễm trùng đường tiêu hóa nên vừa đi ngòai vừa sốt cao.

Còn PGS-TS Nguyễn Tiến Dũng – Trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai) cho biết, số ca khám mỗi ngày qua cũng chỉ khoảng 200 trẻ mỗi ngày, chưa gia tăng nhiều. Tuy nhiên, trong mấy hôm qua lại xuất hiện nhiều chùm ca bệnh sốt virus trong gia đình, nhiều trẻ lây bệnh từ người lớn.

Bác sĩ Nhuận cho biết, xuất hiện nhiều bệnh nặng phải nhập viện hoặc điều trị kháng sinh liều cao. “Có thể các trường hợp bệnh nhẹ thì phụ huynh cho các cháu đi khám ở phòng khám tư, bệnh nặng mới vào đây. Tuy nhiên, nhiều trường hợp bệnh nặng là do bố mẹ tự ý điều trị tại nhà khi con mới bị ốm, dẫn đến hậu quả con không đỡ mà bệnh nặng hơn, đến lúc đó mới cuồng cuồng đưa con đi khám” – bác sĩ Nhuận cho biết.

Chị Nguyễn Xuân Thu (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, con chị được 17 tháng tuổi, đã ho, sốt 10 ngày. Tuy nhiên, chị chỉ tự điều trị bằng kháng sinh cho con ở nhà theo đơn trước đây bác sĩ đã kê, tuy nhiên, cháu không khỏi mà mệt nặng hơn. Đến khám thì bác sĩ chẩn đóan viêm phổi nặng, phải tiêm kháng sinh liều cao. “Đơn thuốc trước của cháu là điều trị viêm họng, khi cháu ho sốt- biểu hiện như lần trước nên em cứ theo đơn thuốc trước đây cho cháu uống. Nào ngờ…” – chị Thu cho biết.

Theo bác sĩ Nhuận, việc bố mẹ tự điều trị cho con là rất nguy hiểm, có khả năng dẫn đến việc kháng thuốc, nhờn thuốc kháng sinh. Trong khi việc điều trị phải căn cứ cụ thể vào bệnh, vào cân nặng của trẻ, chứ không chỉ “táng kháng sinh bừa bãi là khỏi bệnh”.

Ngòai ra, nhiều bà mẹ trẻ vẫn không biết pha Orezon đúng cách để bù nước cho con khi con bị sốt cao, đi ngoài. Có người pha quá ít hoặc quá nhiều nước, có người lại dè sẻn pha chút một khiến các em tuy được uống Orezon nhưng vẫn không bù đủ nước, dẫn đến việc mất nước, mệt lả.

Còn theo TS Dũng, bệnh viêm đường hô hấp cấp ở trẻ tiến triển rất nhanh, có thể chuyển từ ho sốt sang viêm phổi chỉ trong một ngày. Vì thế, các bậc cha mẹ nên theo dõi sát biến chuyển sức khỏe của con để đưa con đi bệnh viện, điều trị sớm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem