Nâng tầm nghề làm tranh đá quý

Chủ nhật, ngày 07/08/2011 07:50 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Từ lâu nay, huyện Lục Yên (Yên Bái) được biết đến như một “thủ phủ” của đá quý. Không chỉ khai thác đá tự nhiên, người dân đất ngọc còn sáng tạo ra nghề làm tranh đá quý, tạo việc làm cho nhiều lao động nông thôn.
Bình luận 0

Nghề làm tranh từ đá quý không mới bởi đã xuất hiện ở Lục Yên hơn chục năm nay. Thế nhưng, ngày lại ngày, các nghệ nhân và thợ tranh nơi đây vẫn sáng tạo ra nhiều sản phẩm, mẫu mã mới để nâng tầm làng nghề và nâng cao chất lượng sản phẩm.

img
Dạy nghề làm tranh đá quý tại cơ sở Hồng Ngọc.

Nghề lớn cùng năm tháng

Cơ sở chế tác đá quý Hồng Ngọc (thị trấn Yên Thế) là một trong những điểm thu hút nhiều khách hàng đến tham quan và mua sắm bởi sản phẩm đẹp và đa dạng. Hoạt động từ hơn 10 năm nay, cơ sở đang tạo việc làm ổn định cho trên 30 lao động. Chị Nguyễn Thị Hằng - chủ cơ sở chế tác tranh đá quý Hồng Ngọc cho biết: “Là cơ sở chuyên chế tác đá quý, trong đó có làm tranh đá, chúng tôi đào tạo thợ từ việc nhỏ tới việc lớn. Khi đã thành thạo, mức lương của thợ đạt 2 - 4 triệu đồng/tháng”.

Kỹ thuật làm tranh đá quý hết sức công phu, từ việc sơ chế đá, chuốt đá, nghiền đá, chọn đá màu đến vẽ tranh, ghép đá… đều thể hiện sự tài hoa, khéo léo của người thợ. Một bức tranh đá quý khổ nhỏ, trung bình 2-3 ngày mới hoàn thành. Còn với những bức tranh cỡ lớn, nhiều hoạ tiết thì có khi phải mất cả tuần. Mỗi bức tranh thành công là sự kết hợp hài hoà giữa ý tưởng phối cảnh của hoạ sĩ với đôi bàn tay khéo léo của thợ ghép đá, chăm chút công phu từng hoạ tiết.

Hầu hết lao động của các cơ sở chế tác tranh đá quý đều là đội ngũ thanh niên trẻ đến từ các xã miền núi ở Lục Yên, có đầu óc sáng tạo, ham học hỏi. Chị Vương Thị Hằng ở xã Minh Xuân cho biết: “Tôi làm nghề chế tác tranh đá quý được hơn 7 năm. Bước đầu học nghề cũng vất vả. Nghề này phải chịu khó, tỉ mỉ, ham học hỏi và sáng tạo thì tay nghề sẽ được nâng lên. Tay nghề cao thì sẽ có thu nhập ổn định”.

Hình thành làng nghề

Đến thăm các cơ sở chế tác tranh đá quý trên địa bàn huyện Lục Yên, chúng tôi thực sự bất ngờ bởi những bức tranh cỡ lớn được làm từ nguyên liệu đá bạch ngọc, thạch anh… với nhiều chủng loại, đa dạng về đề tài và màu sắc, từ bộ tranh tứ mùa, tứ bình bát mã đến tranh phong cảnh, tranh mãnh thú...

Tranh đá quý được được vẽ lên tấm mica hoặc gỗ. Để đính đá và bột đá lên mặt tranh, thợ tranh dùng keo đặc biệt nhỏ xuống, chỉ sau vài phút là keo khô, bột đá cũng dính chắc mà không làm mất sắc màu của đá. Trước khi ghép đá màu tạo đường nét, khối hình, thợ phải rải một lớp đá trắng (bột cẩm thạch) khắp mặt tranh để lót nền cho đẹp. Bởi vậy, bức tranh đá thường rất dày và nặng.

Hiện nay, tại Lục Yên đã hình thành một làng nghề với gần 30 cơ sở sản xuất tranh, tập trung chủ yếu ở thị trấn Yên Thế. Dù mới thành lập vài năm nhưng làng tranh đá quý này không ngừng phát triển. Ông Nguyễn Ngọc Sơn- Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Lục Yên cho biết: “Mỗi hộ làm nghề hiện có từ 5 - 30 lao động, tính riêng nghề làm tranh đá đã giải quyết việc làm cho 250 lao động địa phương. Doanh thu từ nghề năm 2010 đạt hơn 10 tỷ đồng”.

Tổng doanh thu từ nghề chế tác, làm tranh đá quý ở Lục Yên cho thấy đây là nghề đang có nhiều triển vọng trong phát triển kinh tế. Lục Yên hiện đang có nhiều cơ sở lớn như: Công ty Việt Phương, Công ty TNHH Đức Tín – Ngọc Đại Phát, Cơ sở Tích Tuyết, Ngọc Sơn Lâm, Dung Mến… đều kinh doanh cả mặt đá trang sức, tranh và đá gốc. Có thể nói các cơ sở sản xuất, kinh doanh tranh, đá quý đã và đang góp phần không nhỏ trong việc tạo công ăn việc làm ổn định cho những lao động ở nông thôn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem