Nâng tầm thương hiệu trái cây Việt Nam

Thứ hai, ngày 30/05/2011 15:59 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Như đã thông tin, tại Hội nghị Cây ăn trái vừa tổ chức tại Tiền Giang, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Bùi Bá Bổng đã đề nghị các ban, ngành và địa phương trên cả nước, đặc biệt là khu vực Nam Bộ triển khai mô hình "Vườn mẫu lớn" cho cây ăn trái. Mục đích là quy hoạch ngành cây ăn quả cả nước theo hướng phát triển tập trung chứ không để manh mún như hiện nay.
Bình luận 0

"Các vườn cây ăn trái ở Nam Bộ trồng rất manh mún, mỗi vườn trồng tới 8-10 loại trái cây khác nhau, rất khó cho xuất khẩu. Công nghệ sau thu hoạch thì yếu kém, chủ yếu là thủ công, trái cây qua chế biến chỉ mới chiếm khoảng 11-12%" - ông Phạm Văn Dư - Cục phó Cục Trồng trọt nêu thực trạng. Vì thế, theo Thứ trưởng Bùi Bá Bổng, các địa phương phải chọn lựa lại vài cây chủ lực của tỉnh mình để tập trung phát triển thành vùng chuyên canh lớn. Đây là nhiệm vụ cấp bách mà các tỉnh, dưới sự chủ trì của Cục Trồng trọt phải làm cho xong trong 2-3 tháng tới.

“Sau khi ngành đã có quy hoạch vùng cây ăn quả tập trung, dựa trên cơ sở đề án phát triển VietGAP và dự án tài trợ của Ngân hàng Thế giới, chúng ta sẽ phát triển các vùng cây ăn trái lớn, kiểu như cánh đồng mẫu bên cây lúa, với quy mô từ 200 - 500ha/mô hình cho các địa phương" - Thứ trưởng Bùi Bá Bổng nhận định.

Để xây dựng những vùng chuyên canh theo hướng VietGAP, cần có những giải pháp đồng bộ như: Rà soát quy hoạch và đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng dựa vào điều kiện sinh thái từng vùng, mỗi địa phương chọn 1 - 3 loại cây ăn trái đặc sản có lợi thế cạnh tranh để áp dụng các biện pháp kỹ thuật, nâng cao năng suất chất lượng; đầu tư cho công tác nghiên cứu chọn tạo và nhập nội giống có năng suất, chất lượng cao, thích hợp với điều kiện sinh thái từng vùng; xây dựng vùng chuyên canh xuất khẩu với nhiều tiêu chí: Diện tích, hình thức đầu tư, liên kết, tổ chức sản xuất, hỗ trợ thu mua, hỗ trợ thông tin, kỹ thuật cho người sản xuất và doanh nghiệp...

Về mô hình này, mấy năm qua ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Viện Nghiên cứu cây ăn quả Miền Nam đã thành công trong việc hỗ trợ các mô hình VietGAP và GlobalGAP như vùng bưởi da xanh Bến Tre, dứa Queen Tiền Giang đạt được chứng chỉ VietGAP. Theo GS-TS Nguyễn Minh Châu (Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam), cần thực hiện một số mô hình trồng các giống cây cụ thể ở từng vùng, từng địa phương để phát triển sản xuất chuyên canh.

Được biết, hiện giá trị xuất khẩu hàng năm của ngành trái cây cả nước khoảng hơn 400 triệu USD, đạt chưa tới… 1% giá trị xuất khẩu của toàn ngành nông nghiệp.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem