Nên có nghị quyết về giải quyết khiếu nại, tố cáo

Lương Kết Thứ tư, ngày 08/10/2014 06:36 AM (GMT+7)
“Đơn tồn đọng không thấy phân biệt bao nhiêu phần trăm đúng, bao nhiêu sai, cái sai mà vẫn để đó làm sao giải quyết được” - ông Đỗ Văn Đương - Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội góp ý vào Báo cáo giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC) của công dân.
Bình luận 0

Chiều 7.10, tiếp tục phiên họp lần thứ 32, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe và cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ, TAND Tối cao, Viện KSND Tối cao báo cáo về giải quyết KNTC của công dân năm 2014.

Gia tăng khiếu nại hành vi tố tụng

Theo đánh giá của ngành Tòa án, trong thời gian qua, tình hình khiếu nại về tư pháp nhìn chung vẫn còn diễn biến phức tạp; đơn KNTC thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án gia tăng hơn so với cùng kỳ năm 2013. Điều đặc biệt là nhiều đơn đề nghị xem xét lại bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm (tăng hơn 650 đơn/vụ).

Cùng với số đơn cũ còn lại của kỳ trước chuyển sang, số đơn đề nghị mà TAND Tối cao và Tòa các tỉnh phải giải quyết là trên 10.600 vụ. Chiếm phần lớn trong số đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm nêu trên liên quan đến lĩnh vực dân sự, hình sự (khoảng 66%) và hầu hết tập trung ở TAND Tối cao (87%). TAND Tối cao và các Tòa cấp tỉnh đã giải quyết được hơn 5.000 đơn/vụ (bằng 47%), trong đó TAND Tối cao giải quyết 3.800 vụ.

Các khiếu nại về quyết định tố tụng, hành vi tố tụng của Chánh án, Phó Chánh án, Thẩm phán cũng tăng hơn cùng kỳ năm trước là hơn 1.200 đơn. Về giải quyết khiếu nại này, trong 10 tháng vừa qua, các Tòa án đã giải quyết 5.900/6.481 đơn khiếu nại, đạt 91%.

Trong báo cáo của Chính phủ do Tổng thanh tra Chính phủ (TTCP) Huỳnh Phong Tranh trình bày có nhấn mạnh: Trong năm 2014, số lượt công dân đến các cơ quan hành chính nhà nước để KNTC giảm 1,8% so với năm 2013 nhưng số đoàn đông người tăng 12,1%; số đơn thư KNTC giảm 3,39%; số vụ việc KNTC thuộc thẩm quyền giảm 9,54%. Có 39/63 địa phương có số lượng các đơn KNTC giảm. Đã giải quyết được gần 38.000 vụ việc, đạt tỷ lệ 84,9%; kiến nghị thu hồi cho nhà nước 24,8 tỷ đồng, 106ha đất; trả lại cho tập thể, công dân 86,1 tỷ đồng, 202ha đất; bảo vệ quyền lợi chính đáng cho 2.131 người; kiến nghị xử lý hành chính 594 (đã xử lý 446 người), chuyển cơ quan điều tra 83 vụ, 39 người.

Giảm số lượt khiếu nại nhưng tăng số đoàn

Theo báo cáo thẩm tra do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày thì lượt đoàn KNTC đông người vẫn tăng hơn 12% so với năm trước và tổng số lượt người tuy có giảm nhưng không đáng kể (giảm 1,8%). Cùng với dó là tình trạng khiếu nại vượt cấp có chiều hướng gia tăng, chứng tỏ công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo ở nhiều nơi vẫn còn bất cập; về chất lượng, hiệu quả công tác tiếp dân chưa cao. “Báo cáo chưa phản ánh đầy đủ thực trạng của công tác giải quyết KNTC như tỷ lệ giải quyết đúng, sai là bao nhiêu, việc giải quyết có bảo đảm thời hạn theo luật định không và trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền. Khiếu kiện vượt cấp tăng ở những địa phương nào, về những lĩnh vực gì? Chưa nêu rõ kết quả thực hiện các kiến nghị trong quá trình giải quyết KNTC như các vụ việc chuyển cơ quan điều tra xem xét trách nhiệm hình sự đã được giải quyết như thế nào; việc thu hồi đất đai, tiền bạc cho Nhà nước và cá nhân đã được thực hiện ra sao...” - ông Phan Trung Lý nêu.

Góp ý vào các báo cáo, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội K’sor Phước cho rằng: “Số người KNTC giảm nhưng số đoàn tăng, đây thể hiện có sự liên kết thống nhất nên chúng ta cần phải chú ý”. Ông Phan Xuân Dũng - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường góp ý, báo cáo nên phân ra những việc tồn đọng và việc mới trong năm nay để thấy bức tranh chung về tình hình giải quyết KNTC. Ông Nguyễn Hạnh Phúc - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, báo cáo cần có đánh giá trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan trong việc tiếp công dân để giải quyết KNTC. Bên cạnh đó cần đề cập thêm vai trò của Mặt trận Tổ quốc trong việc giải quyết khiếu nại của người dân.

Sau khi phân tích những bất cập đang tồn tại của KNTC, ông Đỗ Văn Đương nêu quan điểm: “Về cơ chế pháp lý để giải quyết KNTC có lẽ cần bàn sâu để sửa. Trong năm tới, nhất là bối cảnh sắp Đại hội Đảng, bầu Quốc hội, Quốc hội nên ra Nghị quyết về vấn đề giải quyết KNTC”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem