Nên đưa quy chế từ chức vào luật

Ngọc Lương Thứ bảy, ngày 08/11/2014 16:52 PM (GMT+7)
Ngày 7.11, Quốc hội làm việc ở tổ để cho ý kiến về 2 dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Bình luận 0

Theo đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM) thì dự thảo luật cần phân định rõ cái gì thuộc chính quyền địa phương, cái gì thuộc T.Ư. Định nghĩa rõ sự phân cấp có phải là phân quyền không, làm rõ phân quyền và ủy quyền. "Một công vụ chỉ một cấp chính quyền làm, tránh chồng chéo, xã làm thì huyện không làm, huyện làm thì tỉnh thôi, tỉnh làm thì T.Ư không làm, còn cấp trên chỉ giám sát cấp dưới" - đại biểu Lịch góp ý. Theo đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM), hiện nay có tình trạng HĐND hỏi ý kiến của cả Chính phủ và Quốc hội, cần làm rõ cơ quan nhà nước nào hướng dẫn hoạt động của HĐND, hướng dẫn việc gì, Luật Tổ chức Quốc hội và Luật Tổ chức Chính phủ phải làm rõ.

Góp ý thêm cho dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), đại biểu Quyết Tâm đề nghị cần quy định thẩm quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ đối với vấn đề cán bộ, để không thấy bị vướng, bị khó, rồi đổ cho cơ chế. Nếu thấy bộ ngành nào làm không được, Thủ tướng có thể đề nghị đình chỉ chức vụ của người đứng đầu, để thay thế người làm tốt hơn.

Đề cập tới một thực trạng hiện nay, đại biểu Trần Du Lịch cho rằng chúng ta quá nhiều cấp phó. Theo quan điểm của đại biểu Lịch, địa phương cấp tỉnh chỉ nên có 2 cấp phó là tối đa, địa phương cấp T.Ư 2 phó, để không phải tự nhiên “đẻ ra” thêm cấp hành chính. Cũng đề cập đến vấn đề này, đại biểu Chu Sơn Hà (Hà Nội) đề nghị trong luật cần quy định rõ mỗi bộ chỉ nên giới hạn từ 4 - 5 thứ trưởng chứ không để “lạm phát”, có bộ lên tới gần 10 thứ trưởng như hiện nay. Cùng quan tâm đến vấn đề này, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) băn khoăn: “Tôi không hiểu mỗi bộ có bao nhiêu thứ trưởng cho vừa. Nếu trong luật không quy định cụ thể rồi để các bộ bổ nhiệm quá nhiều thứ trưởng, rồi đến lúc muốn giảm bớt cũng không biết giảm ai như thời gian vừa qua” - đại biểu Trần Thị Quốc Khánh nói.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa (TP. HCM) nêu ý kiến rằng có nên đưa quy chế từ chức vào trong luật không. Bên cạnh đó luật cũng cần làm rõ hơn về cơ chế chịu trách nhiệm của các thành viên Chính phủ để khi có vấn đề phát sinh thì quy được trách nhiệm, tránh việc xảy ra không rõ trách nhiệm thuộc về ai.

Trao đổi với NTNN về ý kiến đại biểu Hòa, đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) bày tỏ: Tuy chúng ta chưa xây dựng cơ chế từ chức nhưng ngay trong điều luật liên quan đến quyền của Thủ tướng có nói sẽ trình lên Quốc hội về việc miễn nhiệm, cách chức, kể cả từ chức. Khi thảo luận ở tổ nhiều đại biểu nói điều đó là đáng ghi nhận nhưng đi cùng với nó cần phải có một quy trình. Nhất là với nhân sự cấp cao thì còn có nhiều yếu tố, ngoài yếu tố thuần túy của cơ quan công quyền, hoặc của Quốc hội thì còn có yếu tố về bên Đảng, do đó phải làm sao tạo hệ thống hành lang pháp lý thuận lợi thì vấn đề trên sẽ đi vào đời sống.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem