Đó là ý kiến của kiến trúc sư Lê Thành Vinh khi trao đổi với Dân Việt.
Thưa ông, vụ việc làm mới một phần chùa Trăm Gian (Hà Nội) có lẽ là một câu chuyện đáng buồn nhất trong ngành di sản văn hóa năm 2012 này, bởi vụ việc đã bộc lộ một lỗ hổng lớn trong phân cấp quản lý di sản từ trên xuống dưới. Nhiều người nói cũng may mà lần này chỉ có nhà Tổ và gác Khánh bị “xóa sổ”, còn nói dại, nếu tòa Thượng điện và gác Chuông cũng rơi vào tình trạng ấy thì hậu quả sẽ còn nguy hại đến đâu...
- Thực ra, việc phân cấp quản lý di tích ở nước ta đã rõ ràng và chặt chẽ, nhưng theo tôi, kiểu quản lý hành chính như hiện nay cần cụ thể và hữu hiệu hơn, cần có sự tham gia của cộng đồng một cách thực sự. Một vài cán bộ xã, huyện thì có thể không biết nhưng cộng đồng địa phương thì không thể không biết.
|
Đình Chu Quyến - công trình trùng tu di tích đoạt giải thưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương. |
Tôi muốn nói rằng từ việc “biết” đến việc tham gia bảo vệ thì còn là một khoảng cách cần can thiệp. Lấy một ví dụ cụ thể như ở phố cổ Hội An (Quảng Nam), tất cả người dân ở đây có ý thức bảo vệ di tích, bảo tồn di sản rất cao, trong khi có những vùng thì người dân rất hồ hởi và hồn nhiên trong việc tham gia phá di tích đi để xây mới. Cho nên, tôi nghĩ vấn đề cần quan tâm rất nhiều là ý thức người dân, bởi chính họ là những người đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ di tích.
Mặc dù chúng ta có Luật Di sản, có những văn bản pháp luật cụ thể về việc trùng tu di tích, quy định rõ ai, người có chuyên môn trình độ đến đâu mới được tham gia công việc này, thế nhưng khắp nơi, các di tích vẫn bị phá bỏ bởi những người hoàn toàn “ngoại đạo” với công tác trùng tu mà không hề bị xử lý?
- Để việc trùng tu đúng theo Luật Di sản văn hóa và Luật Xây dựng cần có đủ các thành phần: Chủ đầu tư, đơn vị tư vấn thiết kế, đơn vị thi công, đơn vị giám sát... Nhưng các đơn vị đó có đủ năng lực chuyên môn về trùng tu di tích để thực hiện tốt các chức năng ấy không thì các văn bản pháp lý hiện nay không đưa ra yêu cầu cụ thể, và cũng không ai kiểm tra. Có những đơn vị không có một cán bộ nào có chuyên môn về trùng tu di tích vẫn đảm nhận thi công trùng tu di tích xếp hạng quốc gia một cách “đúng luật”.
Luật yêu cầu phải có thỏa thuận của Bộ VHTTDL nhưng trên thực tế sự thỏa thuận đó chỉ là văn bản trên dưới 1 trang giấy, thể hiện những chủ trương lớn, chứ không thể đi vào từng vấn đề kỹ thuật cụ thể. Nhưng sau khi có văn bản thỏa thuận thì việc trùng tu coi như đã được cơ quan quản lý cao nhất về văn hóa “bật đèn xanh” rồi. Rất nhiều chi tiết bị trùng tu sai mà người thực hiện không hề sai luật.
Trong Luật Di sản quy định muốn tham gia trùng tu phải có giấy phép hành nghề, nhưng hình như giấy phép đó cho đến nay vẫn chưa hề có?
- Hiện tại, theo Luật Di sản sửa đổi bổ sung có hiệu lực từ ngày 1.1.2010, tổ chức, cá nhân muốn tham gia trùng tu phải có giấy phép hành nghề trùng tu di tích. Nhưng đến nay, với nhiều lý do khác nhau, việc đó chưa được thực hiện. Trên toàn lãnh thổ, chưa có ai được cấp giấy phép hành nghề cả, kể cả các chuyên gia của Viện Bảo tồn di tích chúng tôi cũng như nhiều cơ quan chuyên ngành khác. Đây cũng là một nguyên nhân khiến nhiều người không có nghề vẫn có thể can thiệp vào di tích.
Kiến trúc sư Lê Thành Vinh cho biết, cách đây vài năm, chùa Trăm Gian đã có đợt sơn mới những bức họa tuyệt tác, dịch chuyển không gian bệ thờ, lát gạch tráng men hiện đại... Hồi đó, Bộ VHTTDL đã vào cuộc, nhưng vì sự đã rồi nên không thể cứu vãn, sự việc trôi vào lãng quên. Lần này, việc làm mới chùa Trăm Gian đã được tính toán kỹ và thực hiện có lộ trình.
Thưa ông, Viện Bảo tồn di tích đã từng nhận được giải thưởng lớn về bảo tồn di sản năm 2010 tại Hội nghị của Hiệp hội Kiến trúc sư quốc tế (UIA) khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho công trình trùng tu đình Chu Quyến (Ba Vì, Hà Nội)- ngôi đình dựng từ thế kỷ XVII. Điều đó chứng tỏ chúng ta hoàn toàn có thể làm được việc này một cách rất có nghề. Vậy tại sao tình trạng trùng tu theo kiểu “phá” di tích vẫn xảy ra hàng loạt?
- Đình Chu Quyến là báu vật quý hiếm của hệ thống kiến trúc gỗ truyền thống VN. Việc can thiệp vào di tích phải được ứng xử như đối với một hiện vật, khi can thiệp phải rất chi ly.
Chúng tôi không chỉ bảo tồn dấu tích vật chất của công trình, mà đồng thời còn phải bảo tồn, duy trì được những tín hiệu của công trình gây cảm xúc lịch sử, cảm xúc thẩm mỹ đã tích tụ trong suốt quá trình tồn tại của di tích cho đến thời điểm hiện nay.
Thế nhưng không phải công trình nào cũng có thể làm một cách tỉ mẩn, cẩn trọng như cách chúng tôi đã tiến hành với đình Chu Quyến. Chỉ riêng quá trình khảo sát toàn diện di tích đã mất tới 1 năm rưỡi, như một quá trình “khám bệnh” tổng thể cho di tích, trong khi với các công trình khác thì công đoạn này gần như bị bỏ qua, bởi dự án trùng tu được ứng xử như một dự án xây dựng. Tức là người ta bắt tay trùng tu di tích mà chưa thật sự hiểu về di tích.
Có một thực tế hiện nay là người dân sẵn sàng góp tiền góp của góp công cho việc trùng tu di tích nhưng thường đi đôi với yêu cầu “phải làm cho mới, cho to, cho hoành tráng”. Không thể phủ nhận nhiều di sản đã bị xâm hại bởi tinh thần này. Vậy chúng ta phải ứng xử thế nào với thái độ này của cộng đồng?
- Điều chỉnh, nâng cao ý thức của cộng đồng trong bất cứ lĩnh vực nào thì đều không phải là việc dễ dàng, nhưng chúng ta có thể làm dần để tổ chức việc này tốt hơn. Nhiều di tích hiện nay đang là điểm đến của cộng đồng, là nơi diễn ra sinh hoạt cộng đồng, chúng ta nên coi đó là diễn đàn để đối thoại với cộng đồng, nói với cộng đồng ở khu vực đó mà họ chính là chủ nhân của di sản để họ nhận thức tốt hơn. Khi nhận thức tốt hơn, họ không trực tiếp làm việc trùng tu, tôn tạo nhưng vai trò giám sát rất tốt.
Như lần bảo tồn thực nghiệm đình Chu Quyến để xây dựng chuẩn mực của ngành, trước khi tiến hành trùng tu chúng tôi đã mời tất cả những người dân ở vùng đó đến nghe các chuyên gia nói về giá trị của di sản, của đình Chu Quyến. Nên trong quá trình thực hiện thì người dân đã hiểu rất rõ, thậm chí họ tham gia giám sát trở lại cùng chúng tôi rất tốt, tham gia lựa chọn vật liệu, chọn cấu kiện nào còn dùng được... Nếu các chuyên gia không giảng giải, cứ để cho cộng đồng tự ý làm, thì điều gì sẽ xảy ra tất cả đều đã thấy.
Theo cá nhân ông, chúng ta có cách nào để ngăn chặn làn sóng trùng tu theo kiểu “phá” di tích như hiện nay hay không?
- Với số di tích và nhu cầu trùng tu nhiều như hiện nay thì nhân lực của chúng ta còn quá thiếu và yếu. Nhưng theo tôi, thà rằng chúng ta có thể giảm đi một chút cường độ, giảm đi một chút khối lượng chúng ta đang nỗ lực tiến hành trùng tu, để tập trung vào những việc, những công trình trọng điểm. Song song với đó là xây dựng đội ngũ chuyên nghiệp về công tác bảo tồn, trùng tu, còn hơn là chúng ta cố gắng đạt được những mức độ nào đó như mong muốn nhưng thực tế hiệu quả không tốt.
Theo tôi nên “phanh” lại quá trình trùng tu di tích ồ ạt để chuẩn bị một quy trình chuẩn, tổ chức đào tạo từ cán bộ kỹ thuật đến thợ thi công. So với lịch sử mấy trăm năm của di tích thì dừng vài năm không phải là chuyện không thể, còn hơn cứ sửa theo kiểu “phá” giá trị di tích như hiện nay.
Xin cảm ơn ông!
Xuân Lan (thực hiện)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.