Đây là thông tin được Tổng cục Thống kê công bố ngày 24.6.
Giảm phát hiện hữu
Theo tổng cục Thống kê, trong số 11 nhóm hàng tính chỉ số giá, có 5 nhóm hàng có chỉ số giá giảm trong đó nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống có mức giảm 0,23%. Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng có mức chỉ số giá giảm mạnh 1,21%. Tuy nhiên, nếu xét bình quân 6 tháng đầu năm 2012 so với cùng kỳ năm ngoái thì chỉ số của nhóm này vẫn tăng 13,61%.
|
Sức mua tại các siêu thị hiện đã giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2011. |
Vụ trưởng Vụ Giá (Tổng cục Thống kê) Nguyễn Đức Thắng cho biết, CPI tháng 6 lần đầu tiên giảm phát sau 40 tháng tăng liên tục là do ba nhóm hàng hóa chiếm tỷ trọng lớn nhất theo thứ tự trong rổ hàng hóa chung gồm hàng ăn dịch vụ ăn uống (chiếm gần 40%) có mức giảm 0,23%; nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng (chiếm trên 10%) giảm 1,21%, giao thông (gần 9%) cũng có mức giảm rõ rệt.
Thêm vào đó, chiếm tỷ trọng khoảng 30% trong CPI chung, việc giảm phát tại cả hai thành phố đầu tàu kinh tế là Hà Nội (âm 0,17%) và TP.Hồ Chí Minh (âm 0,43%) đã tạo ra lực kéo mạnh khiến CPI cả nước giảm.
“Đặc biệt, việc CPI tháng 6 cả nước đánh dấu mốc giảm phát sau nhiều tháng tăng với mức độ cực thấp chính là hệ quả của sức tiêu dùng bị suy giảm nghiêm trọng khi chính sách thắt chặt tiền tệ nhằm kiềm chế lạm phát đã bắt đầu nảy sinh các "tác dụng phụ" không mong muốn - ông Thắng nhấn mạnh.
Ông Thắng cũng cho biết với diễn biến giá cả như hiện nay cộng với tình hình kinh tế tiếp tục khó khăn, CPI tháng 7 sẽ tiếp tục xu hướng giảm giá.
Lo ảnh hưởng đến dân
Không phải chỉ đến khi những số liệu cụ thể khẳng định nền kinh tế đang giảm phát xuất hiện thông qua chỉ số CPI tháng 6.2012 thì mới có nhiều ý kiến bày tỏ sự lo ngại. Trước đó tại nhiều diễn đàn, các chuyên gia kinh tế đã "nhắc nhở" về sự "nguy hiểm” nếu để xảy ra tình trạng này.
Theo TS Lê Đăng Doanh, Chính phủ cần nhìn nhận thẳng thắn về sự giảm phát và cần phải có biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn. Ngoài việc giảm lãi suất, cần khơi thông bế tắc để DN được tiếp cận nguồn vốn. Cần tạo sức mua để giải quyết hàng tồn kho của doanh nghiệp...
TS Trần Du Lịch cho rằng: "Nếu giảm phát xảy ra sẽ gây sốc cho nền kinh tế; tác động trực tiếp đến giải quyết việc làm, xoá đói giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội". Theo ông Lịch, trong trường hợp CPI năm nay không tăng 7 - 8%, tốc độ tăng GDP khó có thể đạt 5,5 - 6%.
Điều này có nghĩa là, thay vì việc đối phó với lạm phát, nền kinh tế phải đối phó với tình trạng kỳ lạm (lạm phát không diễn biến theo kỳ vọng). Kịch bản này xảy ra sẽ tác động tới hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, tới giải quyết công ăn việc làm và an sinh xã hội.
"Mỗi năm Việt Nam có thêm 1 triệu người bổ sung vào thị trường lao động và 500.000 người chuyển từ lĩnh vực nông nghiệp sang lĩnh vực phi nông nghiệp. Nếu không bảo đảm tốc độ tăng trưởng GDP 5,5-6% và chỉ số CPI xoay quanh mức 7,5% thì không thể giải quyết được 1,6 triệu chỗ việc làm mới trong năm nay.
Phương Hà
Vui lòng nhập nội dung bình luận.