Nền kinh tế Trung Quốc thoát khỏi cuộc khủng hoảng sẽ rất chậm chạp mà đau đớn

Chủ nhật, ngày 08/10/2023 07:00 AM (GMT+7)
Cuộc khủng hoảng bất động sản đã đẩy nền kinh tế Trung Quốc lâm vào khỏng hoảng. Cách duy nhất để kinh tế Trung Quốc thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng hiện tại là điều chỉnh chậm chạp mà đau đớn. Quá trình điều chỉnh mới chỉ bắt đầu và sẽ còn phải mất nhiều năm mới có thể kết thúc.
Bình luận 0

Xét trong nhóm các nền kinh tế lớn của thế giới, kinh tế Trung Quốc từng có khoảng thời gian tăng trưởng mạnh và dài chưa từng thấy trong lịch sử. Kinh tế Trung Quốc được hỗ trợ quan trọng bởi thị trường nhà đất tăng trưởng mạnh, dân số tăng cao và quá trình đô thị hóa.

Tuy nhiên, thị trường bất động sản, ngành nghề đóng góp đến 30% vào kinh tế Trung Quốc, rơi vào khủng hoảng từ hơn 2 năm trước sau khi chính phủ chính thức siết chặt tín dụng với ngành này.

Trong năm ngoái, đầu tư vào lĩnh vực bất động sản giảm lần đầu tiên trong hơn một thập kỷ, chính quyền Bắc Kinh tuy nhiên không đưa ra gói hỗ trợ nào. Sự suy giảm trên thị trường bất động sản nhiều khả năng sẽ kéo dài tiềm ẩn thách thức lớn với triển vọng tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc trong vòng từ 3 đến 5 năm tới.

Nền kinh tế Trung Quốc thoát khỏi cuộc khủng hoảng sẽ rất chậm chạp mà đau đớn  - Ảnh 1.

Khủng hoảng bất động sản thách thức lớn với triển vọng tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc trong vòng từ 3 đến 5 năm tới.

"Đối với nền kinh tế Trung Quốc, cách duy nhất thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng hiện tại chính là cách điều chỉnh chậm chạp mà đau đớn. Quá trình điều chỉnh mới chỉ bắt đầu và sẽ còn phải mất nhiều năm mới có thể kết thúc", chuyên gia kinh tế trưởng phụ trách khu vực châu Á – Thái Bình Dương tại quỹ Natixis – bà Alicia Garcia-Herrero phân tích.

Trung Quốc cần cân đối được nguồn cung nhà ở với nhu cầu thấp hơn, nhu cầu nhà tại Trung Quốc vốn đã giảm từ trước đó bởi dân số già. Nhiệm vụ này không hề dễ dàng. 

Vào tháng trước, cựu Cục phó Cục Thống kê Trung Quốc đã phát biểu với truyền thông rằng kể cả 1,4 tỷ người Trung Quốc cũng là không đủ để ở hết những căn hộ trống rải rác khắp đất nước.

Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra chính sách bù nguồn cung trên khắp cả nước nhằm giảm đi tình trạng thừa cung nhà, trong đó có việc hãm tốc độ bán đất tại các thành phố đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp bất động sản hạ giá nhà nhằm kích thích nhu cầu.

Việc hấp thụ nguồn cung nhà thừa trong lĩnh vực bất động sản chắc chắn sẽ gây tổn hại đến tăng trưởng kinh tế Trung Quốc, theo bà Garcia-Herrero.

Bà Garcia-Herrero cho rằng kinh tế Trung Quốc sẽ mất khoảng 1,5 điểm phần trăm tăng trưởng mỗi năm ít nhất cho đến năm 2026.

Ngân hàng Thế giới (WB) hạ dự báo tăng trưởng GDP Trung Quốc năm 2024 xuống 4,4% từ mức 4,8% trước đó bởi viện dẫn đến những khó khăn nội địa ví như nợ tăng cao, sự suy yếu trên thị trường bất động sản và dân số già.

Trước đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong trung hạn sẽ có thể chững lại chỉ còn 3,5% từ mức khoảng 5% trong năm nay do nhiều thách thức liên quan đến vấn đề nhân khẩu học và tăng trưởng năng suất chững lại.

Lần gần nhất kinh tế Trung Quốc tăng trưởng quanh ngưỡng đó là vào giai đoạn từ năm 1989 đến năm 1990 khi mà tăng trưởng chững lại chỉ còn 4,2% và 3,9%, thấp hơn rất nhiều so với mức 11,3% của năm liền trước đó.

IMF cho rằng tăng trưởng kinh tế trong tương lai sẽ có thể vượt mức 3,5% nếu Bắc Kinh đưa ra thêm các biện pháp kích cầu và cải tổ kinh tế.

Đã nhiều năm nay, nhiều doanh nghiệp bất động sản tại Trung Quốc có mô hình kinh doanh đơn giản: bán căn hộ trước khi dự án hoàn thành. Giới chức quản lý ngành bất động sản đã giới thiệu mô hình này vào năm 1994 nhằm đáp ứng cho nhu cầu tăng cao khi mà Trung Quốc rơi vào quá trình đô thị hóa nhanh chóng sau khi áp dụng các biện pháp cải tổ hướng đến thị trường.

Nhu cầu bất động sản tăng quá nhanh đã tạo ra nhiều tỷ phú bất động sản Trung Quốc.

Chiến lược này phát huy tác dụng cho đến khoảng ba năm trước khi mà chính phủ Trung Quốc siết chặt hoạt động tín dụng trong ngành bất động sản bởi lo lắng về tình hình bất ổn trong ngành tài chính. Đồng thời giới chức Trung Quốc cũng muốn kiềm chế giá bất động sản tăng nóng và hạn chế rủi ro liên quan đến nợ xấu tăng vọt.

Quyết định của giới chức Trung Quốc đã làm trầm trọng hơn tình trạng tại nhiều doanh nghiệp bất động sản vốn đã thiếu tiền từ trước đó như Evergrande. Evergrande từng không thực hiện được nghĩa vụ với các chủ nợ vào tháng 12/2021 và trực tiếp tạo ra cuộc khủng hoảng trong ngành bất động sản.

Chủ tịch của Evergrande đã bị tạm giữ, doanh nghiệp sẽ chật vật phục hồi.

Nền kinh tế Trung Quốc thoát khỏi cuộc khủng hoảng sẽ rất chậm chạp mà đau đớn  - Ảnh 2.

Ông lớn bất động sản Evergrande phá sản ôm khoản nợ 300 tỷ USD

Evergrande đã từng được tái cấu trúc và được cho phép độc lập hoạt động trở lại, tuy nhiên những vấn đề mà tập đoàn đối mặt dường như chỉ tệ hại hơn. Trong tuần trước, nhà sáng lập kiêm chủ tịch Hứa Gia Ấn đã bị tạm giữ, thông tin này không khỏi khiến nhiều nhà đầu tư từng kỳ vọng Evergrande sẽ hoàn thành được nghĩa vụ với chủ nợ trong tháng này không khỏi cảm thấy lo lắng.

Gần đây, ngày một nhiều người lo lắng về số phận của Evergrande, hiện tại Evergrande đang có tổng khoản nợ chưa trả được ước tính khoảng 300 tỷ USD, ngoài ra là hàng trăm nghìn căn hộ chưa hoàn thành trên khắp đất nước.

Việc Evergrande mất khả năng trả nợ có thể sẽ ảnh hưởng đến các hộ gia đình và niềm tin vào lĩnh vực bất động sản, cản trở những nỗ lực của Bắc Kinh trong việc khôi phục lại tăng trưởng trong ngành bất động sản và ngăn những vấn đề kinh tế lớn hơn.

Hiện tại thị trường đang có chút hy vọng vào tình hình của Sunac, một doanh nghiệp bất động sản lớn bởi doanh nghiệp này mới đây đã được được tòa án Hồng Kông phán quyết chấp thuận cho kế hoạch tái cấu trúc nợ quy mô hàng tỷ USD.

Tuy nhiên, nhìn chung, lĩnh vực bất động sản suy giảm mạnh bởi điều chỉnh với việc nhu cầu sụp đổ. Trong năm 2020, 2021 và 2022, hoạt động xây dựng mới tính theo mét sàn giảm lần lượt 2%, 11% và 39% so với cùng kỳ năm trước, theo các số liệu thống kê chính thức.

Tiêu dùng tuy nhiên không thể là giải pháp bù đắp cho tăng trưởng kinh tế suy giảm khi lĩnh vực bất động sản đi xuống.

Đã nhiều thập kỷ qua, sự bùng nổ của lĩnh vực bất động sản Trung Quốc có được chủ yếu nhờ tầng lớp trung lưu đang giàu lên. Họ trữ tiền trong bất động sản và không khỏi cảm thấy vui vẻ khi mà giá nhà tăng lên.

Giờ đây, hiệu ứng tài sản suy giảm đã làm giảm nguyện vọng chi tiêu của họ, nhiều người đang đẩy mạnh trữ tiền mặt.

Thống kê của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) cho thấy tổng tiền gửi các hộ gia đình của Trung Quốc đạt kỷ lục 132 nghìn tỷ nhân dân tệ, tức khoảng 18 nghìn tỷ USD, cao hơn cả tổng quy mô GDP của nước này.

Tiết kiệm của các hộ gia đình tăng 17,84 nghìn tỷ nhân dân tệ tức khoảng 2,6 nghìn tỷ USD trong năm 2022, tăng 80% so với năm 2021. Tỷ lệ tiết kiệm của người dân như vậy bằng khoảng hơn 30% tổng thu nhập của họ. Trước đại dịch COVID-19, người dân tiết kiệm ước tính khoảng 20% thu nhập.

Capital Economics ước tính tài sản ròng của các hộ gia đình Trung Quốc giảm ước tính 4,3% trong năm 2022 do giá nhà giảm và thị trường chứng khoán đi xuống, đây là lần đầu tiên trong hai thập kỷ tài sản của các hộ gia đình giảm.

"Cũng giống như Nhật trong thập niên 1990, việc người tiêu dùng và nhà đầu tư mất niềm tin trong giai đoạn hậu tăng trưởng bong bóng đang gây ra những ảnh hưởng. Người ta từng kỳ vọng vào tiêu dùng người dân tăng trưởng, tuy nhiên điều này cần đến những thay đổi cấu trúc", chuyên gia phân tích tại Capital Economics nhấn mạnh trong báo cáo nghiên cứu.

Ngọc Diệp (CNN)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem