Nếp Quýt Đạ Tẻh đồ xôi để cả ngày vẫn dẻo thơm làm khách Mỹ mê tít

Chủ nhật, ngày 18/02/2018 06:25 AM (GMT+7)
Mai này, hàng triệu người Việt trên khắp thế giới có thể thưởng thức và tự hào giới thiệu với bạn bè quốc tế về một loại gạo đặc sản được sản xuất từ một huyện miền núi phía Nam của mảnh đất Nam Tây Nguyên đầy nắng gió mang tên “Nếp Quýt Ðạ Tẻh”.
Bình luận 0

Sau gần 20 năm sinh sống trên miền đất mới, ngày mùa ngồi bên nhau, người dân xã An Nhơn nói riêng và cả huyện Đạ Tẻh (tỉnh Lâm Đồng) nói chung vẫn truyền tai nhau câu chuyện: Có một loại lúa nếp từ phía Bắc, giống cây thanh mảnh, cao ngồng, bông nặng trĩu, hạt lúa bầu tròn, căng mẩy đến độ nứt cả vỏ... đã đến với An Nhơn.

Từ hạt lúa dựng nên mái nhà…

Vào vụ thu hoạch, con đường dẫn qua các cánh đồng  tấp nập kẻ mua, người bán, xe cộ qua lại cùng với những giọt mồ hôi lăn dài trên những gương mặt rạng rỡ, rộn ràng  tiếng nói cười. 

img

“Mê tít“ nếp Quýt Đạ Tẻh, đồ xôi để cả ngày vẫn dẻo, thơm. Ảnh: I.T

Theo lời kể của ông Bùi Văn Hùng, Chủ tịch UBND huyện Đạ Tẻh, nếu các giống lúa khác trồng chỉ khoảng 4 - 5 năm là thoái hóa, năng suất giảm đi nhiều thì với riêng cây Nếp Quýt, qua 20 năm, hạt gạo vẫn tròn đầy, chất lượng thơm ngon chẳng hề thay đổi.

Ngày đó, vào năm 1997, thầy giáo Ma Ngọc Thanh sau một lần về thăm quê ở Hòa An, Cao Bằng đã mang vào Thôn 3, xã An Nhơn 15 kg lúa giống. Người dân ở An Nhơn thấy loại Nếp Quýt dễ trồng, năng suất cao lại cho chất lượng hạt gạo dẻo, thơm không loại nào sánh bằng nên đã “làm quen” với loại nếp này. Rồi người sau nhìn người trước, cả xã chẳng ai bảo ai, nhà nào cũng trồng. Đến nay, cả xã An Nhơn có khoảng 600 ha đất sản xuất nông nghiệp, chủ yếu trồng lúa, trong đó có 1/2 diện tích trồng Nếp Quýt. 

Năm 2015, UBND huyện Đạ Tẻh đã tiến hành truy tìm nguồn gốc xuất xứ, lập hồ sơ để đăng ký nhãn hiệu chứng nhận “gạo Nếp Quýt Đạ Tẻh” và được UBND tỉnh chấp thuận vào tháng 4/2016. Đến ngày 15/11/2016, Cục Sở hữu Trí tuệ - Bộ Khoa học Công nghệ đã cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu lúa gạo nếp quýt Đạ Tẻh theo Quyết định số 73743/QĐ-SHTT. 

img

Cánh đồng nếp Quýt đang được nhân rộng ở Đạ Tẻh. 

Hằng năm, kết thúc vụ mùa, bắt đầu vụ đông - xuân cũng là thời điểm cận Tết Nguyên đán cổ truyền của người Việt. Riêng năm nay, với người trồng lúa ở An Nhơn, tết dường như đến sớm hơn, niềm vui như được nhân đôi khi họ có thể tự hào mình là những người tiên phong trong mô hình sản xuất hạt lúa sạch theo tiêu chuẩn quốc tế GlobalGAP.

Đang cắt đầu bông để chọn giống giữa cánh đồng dưới chân đập Đạ Hàm, ông Tô Đức Viện (Thôn 4B, xã An Nhơn) khoe: “Cô chú cứ nhìn kia, biết bao mái nhà xây không chỉ trong thôn mà của cả xã này đều là nhờ cây Nếp Quýt cả đấy”.

Theo hướng chỉ tay của ông Viện, chúng tôi nhanh chóng nhận ra hàng chục mái nhà xây nối dài từ đầu thôn đến tận chân đập. Ngày ấy, “Nhờ trời mưa gió thuận hòa” mà “Lúa vàng đầy ruộng, lời ca vang đồng”. Ông Viện kể, có gia đình chỉ sau 7 vụ trồng Nếp Quýt để dành được vài trăm triệu đồng, cất được căn nhà khang trang. Chiếc xe máy mới, ti vi, tủ lạnh... lần lượt được bà con trong thôn “tậu” về sau mỗi mùa bội thu.

Người dân An Nhơn vẫn tự hào về mảnh đất mà chỉ nơi đây cây Nếp Quýt mới trổ bông và đạt chất lượng hạt tốt nhất. Thế nên giờ đây dẫu cuộc sống đã đủ đầy, ấm no, vẫn chẳng có ai có ý nghĩ sẽ “phụ” loài cây đã gắn bó với mình 1/3 đời người. 

Khát vọng vươn xa

Có một thực tế phải thừa nhận rằng Việt Nam là đất nước của nền văn minh lúa nước, và cây lúa đã trở thành “tri kỷ” của biết bao thế hệ nông dân Việt. Nước ta cũng thuộc top đầu thế giới về sản lượng và xuất khẩu lúa, gạo. Thế nhưng, nếu như gạo Thái Lan, Campuchia đã khẳng định được chỗ đứng của mình thì trái lại, lúa gạo Việt Nam lại vô cùng mờ nhạt trên bản đồ lúa gạo thế giới.

img

Niềm vui của nông dân khi lúa được mùa. Ảnh: H.T

Đầu năm 2017, UBND huyện Đạ Tẻh đã kêu gọi các doanh nghiệp liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm với bà con nông dân. HTX Nếp Quýt Quyết Tâm đã đại diện 15 hộ nông dân ký thỏa thuận hợp tác với Công ty CP ĐT Phát triển xanh (GREEN.D), triển khai sản xuất thí điểm 5 ha Nếp Quýt theo tiêu chuẩn GlobalGAP (tiêu chuẩn quốc tế về sản phẩm nông nghiệp sạch) trên địa bàn xã An Nhơn.

Theo chân kỹ sư của Trung tâm Nông nghiệp huyện xuống thăm cánh đồng của Tổ sản xuất Nếp Quýt theo tiêu chuẩn GlobalGAP một ngày trước khi thu hoạch, chúng tôi bắt gặp nụ cười và ánh mắt đầy hy vọng của những người nông dân: Năng suất lúa khi cấy liệu có cao hơn gieo sạ thông thường; hy vọng bao tâm huyết của mình đặt vào hạt lúa sẽ vượt qua và đạt các chỉ tiêu nghiêm ngặt về dư lượng chất hóa học, thuốc bảo vệ thực vật... Tất cả vỡ òa vui sướng khi nghe thông báo: Nếp Quýt Đạ Tẻh đã đạt mọi tiêu chuẩn; hồ sơ, dữ liệu đã hoàn chỉnh để được chứng nhận GlobalGAP.

Vậy là với những gì đã làm được, Nếp Quýt Đạ Tẻh đang đứng trước cơ hội “bước” ra thị trường thế giới mà đầu tiên là nước Mỹ - nơi cách chúng ta nửa vòng trái đất. Chỉ một thời gian ngắn nữa thôi, hàng ngàn túi mẫu Nếp Quýt Đạ Tẻh sẽ vượt đại dương, đến được với 3 triệu người Việt ở Mỹ Quốc xa xôi, rồi sau đó có thể là Nhật Bản, Australia...

“Chưa thể nói cụ thể về giá trị của hạt Nếp Quýt ở thị trường thế giới, nhưng một khi được thị trường chấp nhận thì không chỉ đưa tên tuổi cây Nếp Quýt đi xa mà quay trở lại, chính bản thân người nông dân trồng lúa cũng sẽ được hưởng lợi rất nhiều”, bà Nguyễn Thị Tuyết Anh (đại diện Công ty GREEN.D) nhận định.

Việc tham gia và thành công trong quá trình sản xuất sạch theo tiêu chuẩn quốc tế cho thấy ý thức làm nông nghiệp theo hướng sạch và bền vững của bà con đã bắt đầu được hình thành. Không chỉ làm ra sản phẩm thân thiện với môi trường mà sức khỏe của người sản xuất cũng như người tiêu dùng sẽ được đảm bảo.

Vụ mùa tới, không chỉ là 5 ha, mà con số đã nâng lên gấp đôi, tức là 10 ha lúa, tương đương với hơn 50 tấn Nếp Quýt Đạ Tẻh tiêu chuẩn GlobalGAP sẽ đến với người tiêu dùng trong và ngoài nước. 

“Điều chúng ta cần là từ từ giải quyết những vướng mắc, thay đổi và nâng cao ý thức của người nông dân. Phần đầu khó khăn đã xuôi, phần đuôi chắc chắn sẽ lọt. Hệt như vết dầu loang, qua thời gian sẽ lan tỏa rộng hơn”, Chủ tịch UBND huyện tin tưởng.

Từ một huyện vùng núi, Nếp Quýt Đạ Tẻh đã làm được việc mà không phải nơi đâu cũng có thể làm được. Như một cô gái đẹp đã khẳng định được tên, tuổi, chỗ đứng, Nếp Quýt Đạ Tẻh từ nay sẽ tự tin vươn mình trước sự cạnh tranh của lúa, gạo ngoại nhập. Vào ngày tết cổ truyền của dân tộc, trên bàn thờ tổ tiên sẽ xuất hiện bánh chưng, bánh tét làm từ hạt Nếp Quýt dẻo thơm, không chỉ ở Tây Nguyên mà còn ở nhiều nơi khác nữa...

Hồng Thắm (Báo Lâm Đồng)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem