Nếp thời gian trên bầu ngực mẹ

Chủ nhật, ngày 22/04/2012 11:39 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Xem ảnh của Nguyễn Ngọc Thạch thấy anh thật trăn trở với hình ảnh của bà mẹ Tây Nguyên. Đó là những phụ nữ có nước da nâu rắn rỏi. Và trên khuôn ngực đã chắt chiu nhựa ngọt cho con, nếp thời gian nạm vào đó những vết hằn ánh lên vẻ đẹp vô song của cuộc sống.
Bình luận 0

Tốt nghiệp tiến sĩ luật tại Đức - một trong những tiến sĩ luật hiếm hoi thời những năm 1980, nhưng Nguyễn Ngọc Thạch không ham hố con đường công danh, anh chọn một công việc có thể cho mình những khoảng không tự do để nuôi dưỡng niềm đam mê với nhiếp ảnh. Từ khi cầm máy đến nay, anh đặt ra một nguyên tắc cho mình, đó là mỗi năm dành ra nửa tháng để đi chụp, và Tây Nguyên luôn là vùng đất níu chân anh lâu nhất.

img
Tác phẩm “Hạnh phúc” của Nguyễn Ngọc Thạch.

Trong ống kính của Ngọc Thạch, Tây Nguyên hiện ra hiền hòa như đất nâu lành và cũng dữ dội cuộn trào trong ào ào thác đổ. Trên cái phông ấy, con người được đặt vào đúng vị trí của họ, có khi thật nhỏ nhoi giữa đất trời hùng vĩ, có khi lại sừng sững như thế núi vững chãi trước thiên nhiên.

Triển lãm “Tháng Ba Tây Nguyên” của Nguyễn Ngọc Thạch sẽ khai mạc vào 17 giờ ngày 25.4 tại 29 Hàng Bài, Hà Nội.

Trên khắp dải đất hình chữ S, có lẽ không đâu có những người già đẹp như ở Tây Nguyên, bởi làn da nâu, bởi nếp thời gian chảy trên cơ thể họ không khiến người ta thấy xót xa, thấy mủi lòng mà chỉ thấy ngưỡng mộ, tự hào và mê hoặc. Bởi phải đã từng mạnh mẽ thế nào, tràn căng sinh lực thế nào khi trẻ trung thì đến lúc về già mới có được những đường nét ấy.

Trên bầu ngực, trên cơ thể người mẹ Tây Nguyên trong ảnh Nguyễn Ngọc Thạch, thời gian nạm vào những nét vòng, những nét thoai thoải xếp gối vào nhau như dấu vết của những con sóng ngàn đời xô vào bờ cát. Mẹ đã rút hết nhựa ngọt cho con, nên trên cơ thể mẹ, chỉ còn lại những nếp hằn sâu như trên vỏ cây cổ thụ. Và rồi từ đó, người xem cảm thấy vĩnh cửu biết bao vòng quay sinh tử của đời người.

Trong góc Tây Nguyên của Ngọc Thạch, anh dành một phần riêng để ngưỡng mộ, để trân quý những con thác, không phải cái kiểu chụp thấy đẹp thì lưu lại chút chơi mà người chụp dường như đã ký thân mình vào thác.

Thác cao nguyên trong ảnh Thạch mang dáng dấp của một nhân thần, bởi có khi nó như là giấc mơ từ trời cao trút xuống trong “Thác 50”, có khi nó trữ tình trong “Đùa với gió”, khi lại như một luồng sáng từ trên cao xanh chiếu rọi xuống trong bức “Thác Gốc Đỏ”. 18 bức ảnh về thác anh lựa chọn giới thiệu trong triển lãm lần này có thể khiến người xem mơ mơ tỉnh tỉnh, bởi liệu có hay chăng những khoảnh khắc đẹp như thế trong đời?

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem