Nếu cạnh tranh sòng phẳng, không lo giá điện cao!

Thứ bảy, ngày 07/07/2012 11:19 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Từ 1.7, giá điện tăng 5% đồng thời với thực hiện thị trường phát điện cạnh tranh nhưng điểm mấu chốt của hai vấn đề này là sự sòng phẳng, minh bạch thì vẫn còn là ẩn số.
Bình luận 0
img
 Ông Trần Đình Long

Trao đổi với phóng viên NTNN, ông Trần Đình Long - Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam cho rằng thực hiện việc này vẫn chưa tạo ra sự thay đổi gì lớn. Vì muốn có sự cạnh tranh ý nghĩa và minh bạch thì các nhà máy điện tham gia cạnh tranh phải tách ra khỏi đơn vị quản lý hệ thống điện truyền tải.

Hiện nay, các công ty phát điện mới được thành lập và các công ty truyền tải thì vẫn phụ thuộc vào một đơn vị quản lý. Cho nên những nhà máy điện không thuộc EVN hiện nay thì họ cũng không có quyền thoải mái trong cạnh tranh với các đơn vị khác.

Nhiều người cho rằng sẽ không có sự cạnh tranh vì "trăm người bán một người mua”?

- Không hẳn như vậy. Bởi vì nếu trăm người bán mà phải cạnh tranh bình đẳng với nhau thì “một người mua” cũng không lo. Nhưng hiện nay thì chưa như vậy được. Giữa những người bán hiện nay vẫn chưa thực sự bình đẳng và cân bằng với nhau. Phần lớn những nhà máy bán điện vẫn còn phụ thuộc vào EVN. Do đó, muốn có cạnh tranh thật bình đẳng thì phải sớm tách công ty phát điện ra khỏi sự quản lý của EVN.

Việc tăng giá điện vừa rồi được cho là không công khai, minh bạch và lý do chưa thuyết phục. Quan điểm của ông?

- Cũng khó để khẳng định việc tăng giá vừa rồi là minh bạch hay là không. Nhưng muốn minh bạch thì việc tính giá, công thức tính như thế nào, hệ số ra sao cần phải công khai và có sự giám sát.

EVN giải thích rằng giá điện hiện nay vẫn thấp hơn giá thành, chính vì vậy các công ty chào bán cạnh tranh khó để có giá thấp hơn giá điện bán ra của EVN?

- Đúng là hiện nay so với các nước trong khu vực và trên thế giới thì giá bán điện của ta còn thấp hơn. Chính vì vậy, chúng ta vẫn phải chấp nhận một thực tế là cho dù có thực hiện thị trường chào giá điện cạnh tranh thì giá chào bán của các nhà máy điện vẫn khó để có thể hạ thấp hơn so với giá bán của EVN. Tuy nhiên, nếu các nhà máy điện được cạnh tranh sòng phẳng thì dư luận và người tiêu dùng hoàn toàn có thể yên tâm và tin tưởng rằng giá đó là giá hợp lý trên cơ sở đã có sự cạnh tranh và thiết lập trên cơ sở giá thị trường.

Phân tích các báo cáo gần đây của EVN, nhiều ý kiến kết luận ngành điện lãi lớn từ thủy điện, ông có đồng tình như vậy?

- Muốn biết lỗ lãi từ kinh doanh thủy điện của EVN thì các số liệu phải được công khai, như thuế tài nguyên nước nộp cho Nhà nước là bao nhiêu, khấu hao của mỗi nhà máy, tiền lương… thì lúc đó mới có thể tính được mỗi kWh điện được sản xuất ra giá bao nhiêu. Sau đó, phải có sự cân đối xem nguồn điện từ thủy điện chiếm bao nhiêu phần trăm trong cơ cấu nguồn điện nói chung. Lúc đó mới có thể biết cái nào lãi, cái nào lỗ, lỗ - lãi bao nhiêu.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem