"Nếu dùng từ 500 kWh - 1.000 KWh, phải áp giá điện thật đắt"

Phi Long Thứ ba, ngày 14/11/2017 13:10 PM (GMT+7)
Đây là góp ý của GS Trần Đình Long Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam đối với Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, đang được Bộ Công Thương soạn thảo và lấy ý kiến.
Bình luận 0

img

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, biểu giá điện mới cần điều tiết mạnh hơn. (Ảnh: IT)

Cần điều tiết mạnh hơn

Chị Nguyễn Thị Bình ở phương Đại Kim quận (Hoàng Mai – Hà Nội) chia sẻ: “Nhà mình ở chung cư cho người thu nhập thấp nhưng thấy đa phần các hộ cũng đã sử dụng các thiết bị sinh họa bằng điện, không còn dùng gas như trước đây. Trung bình hộ nào ít cũng dùng khoảng 250kWh/tháng. Nếu vẫn đề biểu mức này thì người ở nhà thu nhập thấp tại các thành phố cũng chẳng được hưởng ưu đãi theo như biểu giá điện là bao nhiêu”.

Trao đổi với Dân Việt, GS Trần Đình Long - Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam cho rằng, với dự thảo này có thể thấy Bộ Công Thương không tiếp tục đẩy mạnh việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, người càng dùng nhiều điện sẽ càng phải trả phí cao. Ngược lại, người nghèo và người sử dụng ít điện sẽ được hỗ trợ.

"Biểu giá có 5 mức, từ 0 – 50 KWh sẽ được hỗ trợ giá thấp hơn trung bình nhưng cũng cần có quy định cụ thể là giá thấp hơn trung bình bao nhiêu? Nếu các bậc sau từ 300 kWh trở lên mà để giá cao thì sẽ khuyến khích cho người sử dụng tiết kiệm điện hơn và vẫn trong nguyên tắc tổng doanh thu điện năng dùng cho điện sinh hoạt mà EVN thu về không thay đổi”, ông Long phân tích.

Cũng theo ông Long, việc đưa ra các biểu giá bán lẻ điện ở mức độ nào là do quyết định của nhà quản lý, nhưng nếu muốn khuyến khích người tiêu dùng sử dụng tiết kiệm điện nhiều hơn thì cần điều chỉnh biểu mức “mạnh” hơn nữa, tức là từ sau 500 kWh cho tới 1.000 KWh thì người dùng sẽ phải trả giá điện cực cao.

“Nguyên tắc điều tiết là giá chênh lệch càng nhiều thì điều tiết càng mạnh và có tác dụng tiết kiệm điện càng cao, từ đó việc giúp đỡ cho hộ nghèo càng nhiều hơn”, ông Long nhấn mạnh.

Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, nếu biểu giá chỉ giữ giá thấp đối với những người cực nghèo, tiêu dùng dưới 50 KWh thì sẽ có rất ít người được hưởng các mức ưu đãi, nhất là khi xã hội ngày càng phát triển, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng được nâng cao. Người dân bây giờ đâu chỉ còn dùng mấy bóng điện, tối thiểu họ cũng có nồi cơm điện, ti vi, tủ lạnh, quạt điện...cả rồi. 

TS. Lê Đăng Doanh cho rằng, mức độ lũy tiến trong biểu giá điện của dự thảo mà Bộ Công Thương đang xây dựng cần phải xem xét lại.

Hỗ trợ hộ nghèo tương đương 30 kWh

“Nguyên tắc điều tiết là giá chênh lệch càng nhiều thì điều tiết càng mạnh và có tác dụng tiết kiệm điện càng cao, từ đó việc giúp đỡ cho hộ nghèo càng nhiều hơn”, GS Trần Đình Long - Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam nói.

Trước đó, Bộ Công Thương cho biết đang dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện. Theo dự thảo này, so sánh với Quyết định số 28 ngày 7.4. 2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định về Cơ cấu biểu giá bán lẻ điện  cho thấy, điểm mới là biểu giá điện quy định giá điện mỗi bậc thang tính theo tỷ lệ % so với giá điện bán lẻ bình quân. Tuy nhiên,  khoảng cách giá điện giữa các bậc thang vẫn giữ nguyên như cũ.

Cụ thể, biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt vẫn chia làm 6 bậc như Quyết định 28: Từ 0-50kWh có mức giá bằng 92% giá bán lẻ điện bình quân; từ 51-100kWh giá bằng 95% giá bán lẻ điện bình quân; từ 101-200kWh giá bằng 110% giá bán lẻ điện bình quân; từ 201-300kWh giá bằng 138% giá bán lẻ điện bình quân; từ 301-400kWh giá bằng 154% giá bán lẻ điện bình quân; và từ 401kWh trở lên có giá bằng 159% giá bán lẻ điện bình quân.

Hiện nay, giá điện bán lẻ bình quân là 1.622,01 đồng/kWh, có thể thấy mức giá bán lẻ điện sinh hoạt thuộc mỗi bậc thang gần như không có điều chỉnh là mấy.

Dự thảo cũng nêu rõ, đối với hộ nghèo do Thủ tướng Chính phủ quy định được hỗ trợ tiền điện cho mục đích sinh hoạt từ nguồn ngan sách nhà nước, mức hỗ trợ hằng tháng tương đương tiền điện sử dụng 30kWh tính theo mức giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc 1 hiện hành.

Còn với hộ chính sách xã hội theo tiêu chí do Thủ tướng Chính phủ quy định (không thuộc diện hộ nghèo được hỗ trợ tiền điện theo quy định tại khoản 6 Điều này) và có lượng điện sử dụng cho mục đích sinh hoạt trong tháng không quá 50 kWh được hỗ trợ tiền điện tương đương tiền điện sử dụng 30 kWh tính theo mức giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc 1 hiện hành.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem