Bộ Công thương chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính tiếp tục điều hành giá xăng dầu trong nước
Trong bản công bố kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá ngày 13.10.2017 mới được công bố cách đây ít phút, Phó Thủ tướng nhận định, công tác chỉ đạo điều hành giá 9 tháng đầu năm 2017 đã có sự phối hợp điều hành chặt chẽ và chủ động giữa các Bộ, ngành, địa phương dưới sự chỉ đạo quyết liệt và sâu sát của Ban Chỉ đạo điều hành giá, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.
Công tác dự báo đã được các Bộ, ngành tăng cường chú trọng, trên cơ sở đó đã điều hành giá sát với kịch bản dự báo nhằm đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát theo chỉ tiêu Quốc hội đề ra. Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng bình quân được kiểm soát, tạo dư địa thuận lợi cho việc điều hành giá một số mặt hàng nhà nước còn quản lý. Kết quả cụ thể: CPI bình quân 9 tháng đầu năm 2017 tăng 3,79% so với cùng kỳ năm trước. CPI tháng 9 năm 2017 so với tháng 12 năm 2016 chỉ tăng 1,83%. Lạm phát cơ bản bình quân 9 tháng đầu năm 2017 chỉ tăng 1,45%, thấp hơn so với mục tiêu kế hoạch cả năm (trong khoảng 1,6% - 1,8%).
Diễn biến chỉ số giá tiêu dùng 9 tháng đầu năm cho thấy về cơ bản lạm phát năm 2017 có nhiều khả năng đạt chỉ tiêu Quốc hội đề ra ở mức dưới 4%. Tuy nhiên, từ nay tới cuối năm vẫn còn một số yếu tố tác động lên mặt bằng giá như áp lực tăng giá của một số mặt hàng nguyên, nhiên, vật liệu trong thời điểm cuối năm, nhu cầu hàng hóa gia tăng để sản xuất, dự trữ hàng hóa phục vụ các dịp lễ, Tết và tình hình phức tạp của thiên tai, thời tiết.
Từ đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa để đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát.
Tính toán điều hành tăng trưởng tín dụng theo khả năng hấp thụ của nền kinh tế để vừa hỗ trợ tăng trưởng nhưng không tạo lạm phát kỳ vọng cho năm 2018, giữ ổn định lạm phát cơ bản trong khoảng 1,6%. Thực hiện đồng bộ các biện pháp để ổn định tỷ giá và thị trường ngoại tệ.
Căn cứ diễn biến lạm phát để nghiên cứu các giải pháp điều hành lãi suất huy động, nhất là lãi suất cho vay theo hướng bám sát diễn biến thị trường và hỗ trợ cho tăng trưởng, tranh thủ điều kiện thuận lợi để giảm lãi suất nếu có thể.
Trường hợp cần thiết phải tăng giá điện cần cân nhắc điều chỉnh ở mức thấp nhất có thể
Về giá điện, Bộ Công Thương cần khẩn trương hoàn thiện phương án điều chỉnh giá điện trình Chính phủ quyết định. Trường hợp cần thiết phải tăng giá điện cần cân nhắc điều chỉnh ở mức thấp nhất có thể, đồng thời kết hợp đồng bộ với các giải pháp hỗ trợ tăng trưởng khác để bù đắp cho mức giảm tốc độ tăng GDP tương ứng.
Với giá xăng dầu, Bộ Công thương chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính tiếp tục điều hành giá xăng dầu trong nước theo Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3 tháng 9 năm 2014 của Chính phủ, sử dụng Quỹ bình ổn giá với liều lượng thích hợp giúp kiểm soát mặt bằng giá chung, nhất là trong các thời điểm cận lễ, Tết hoặc các thời điểm mà giá xăng dầu đã tăng nhiều kỳ liên tục để tránh ảnh hưởng đến kỳ vọng về lạm phát.
Ngoài ra, Bộ Công Thương tiếp tục tăng cường công tác quản lý giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi theo quy định tại Nghị định số 149/2016/NĐ-CP ngày 11.11.2016 và Thông tư số 08/2017/TT-BCT ngày 26.6.2017 về quản lý giá sữa và thực phẩm chức năng dành cho trẻ em dưới 6 tuổi. Hướng dẫn các Sở, ngành tại địa phương tiếp nhận và giám sát việc kê khai giá sữa, không để xảy ra biến động bất thường trên thị trường nhất là dịp lễ, Tết.
Trong khi đó, Bộ Giao thông vận tải có nhiệm vụ sớm tính toán, phối hợp với Bộ Tài chính để đàm phán, điều chỉnh giảm giá dịch vụ BOT tại các trạm đã quyết toán theo nguyên tắc và chủ trương ưu tiên giảm giá hơn giảm thời gian thu với mục tiêu giảm giá dịch vụ BOT đối với ít nhất 50% số trạm đã quyết toán trong năm 2017.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.