Vừa nhận tiền từ ngân hàng ra, chị Hồng vui mừng vì sau hơn 1 năm chờ đợi, số tiền đó đã thuộc về chị.
Tối 3.5, con hẻm trên đường Trần Văn Quang (phường 10, quận Tân Bình, TP.HCM), nơi chị Huỳnh Thị Ánh Hồng (36 tuổi, quê Quảng Ngãi) thuê trọ nhộn nhịp hẳn lên, khi nhiều người hay tin chị Hồng đã nhận được tiền đến chúc mừng.
Cả con hẻm chật kín xe của người thân và đông đảo phóng viên của các báo, đài.
Chị Hồng cho biết: “Đêm nay, chắc vợ chồng tôi không ngủ được, vì nhận được tiền mừng quá. Đến giờ, tôi cảm giác khi cầm tiền trên tay vẫn còn lâng lâng, vừa run, vừa hồi hộp và mừng”.
Sau khi nhận được tiền ở ngân hàng, chị Hồng cùng luật sư Hà Hải (người hỗ trợ pháp lý miễn phí cho chị) đã đến một ngân hàng trên đường Phan Xích Long (quận Bình Thạnh) để đổi sang tiền Việt Nam đồng và gửi tiền.
Chị ve chai cười nói: “Tôi đổi 400 tờ mệnh giá 10.000 yen ra tiền Việt Nam được 691 triệu đồng. Tôi giữ 8 tờ làm kỷ niệm, còn 116 tờ mục nát ngân hàng sẽ gửi sang Nhật đổi”. Do tỉ giá đồng yen giảm nên chị Hồng bị mất khoảng 150 triệu đồng so với thời điểm nhặt được.
Chị Hồng cho biết sẽ trích một phần tiền nhận được mua gạo tặng cho trẻ em nghèo và các cụ già ở chùa; tặng quà ở Hội Người mù, những gia đình có hoàn cảnh khó khăn giống chị.
“Mình nhận được lộc trời ban thì phải chia sẻ niềm vui ấy với mọi người chứ”, chị ve chai cười nói.
Niềm vui của chị Hồng cùng những "đồng nghiệp" mua ve chai trong căn nhà trọ.
Khi được hỏi "nếu vô tình nhặt được món tiền như lần này thì chị có trình báo hay lẳng lặng sử dụng một mình?", không một phút chần chừ, chị Hồng nói ngay “sẽ trả lại chứ!”.
Trước đó, vào trưa 2.5, khi chị Hồng đang đẩy xe đi mua ve chai ở con hẻm gần nhà thì nhận được điện thoại của Công an quận Tân Bình thông báo đến trụ sở công an nhận lại tiền. Mừng quá, chị Hồng đón xe ôm tức tốc đến trụ sở công an cùng luật sư của mình.
Sau khi nhận quyết định bàn giao tiền, chị Hồng cùng đại diện công an và luật sư đến Chi nhánh Ngân hàng Vietcombank trên đại lộ Võ Văn Kiệt (quận 1) để nhận lại toàn bố số giao nộp trước đó - gồm 524 tờ mệnh giá 10.000 yen.
Khi bước ra khỏi phòng nhận tiền, đứng trước hàng chục ống kính phóng viên, chị Hồng ôm chặt bọc tiền trước ngực, run run nói: “Rất cảm ơn báo chí đã vận động và ủng hộ cho tôi từ đầu đến cuối. Tôi cũng rất biết ơn luật sư Hà Hải đã đồng hành và lo liệu hết cho tôi. Nếu chỉ có một mình tôi, chữ nghĩa không có, cũng không hiểu biết gì về pháp luật thì không biết sẽ ra sao. Giờ nhận được số tiền này, tôi vui mừng lắm”.
Chị Hồng cho biết, sau khi có được số tiền này, cuộc sống của chị vẫn bình thường và chị vẫn tiếp tục rong ruổi khắp con phố, ngõ hẻm của TP.HCM để thu mua ve chai. “Có tiền tôi mừng lắm, nhưng phải làm. Không làm, tiền chất núi cũng hết”, chị ve chai tâm sự.
Chị Hồng cho biết, sau khi có được số tiền này, cuộc sống của chị vẫn bình thường và chị vẫn tiếp tục rong ruổi khắp con phố, ngõ hẻm của TP.HCM để thu mua ve chai.
Luật sư Hà Hải cho biết: “Tôi rất mừng vì thân chủ mình đã nhận được 5 triệu yen. Việc chị Hồng nhận được tiền là kết quả từ sự tham gia và ủng hộ của truyền thông và công luận. Bản thân chúng tôi chỉ đóng góp một phần rất nhỏ”.
Cũng theo luật sư Hải, do sự việc chưa có tiền lệ từ trước đến nay nên cơ quan chức năng xử lý còn chậm, nhưng vẫn chấp nhận được. Cơ quan chức năng cũng đã nhận thức được việc áp dụng pháp luật như thế nào để vừa hợp lý, vừa hợp tình.
Vào tháng 3.2014, vợ chồng chị Hồng mang loa thùng ra trước nhà trọ ở đường Trần Văn Quang đập lấy đồng, sắt thì phát hiện bên trong có 5 triệu yen. Tin về vợ chồng ve chai trúng “kho báu” lan nhanh nên nhiều người mặt mày bặm trợn, xăm trổ tìm đến nhà chị Hồng đòi chia tiền. Hoảng sợ, chị Hồng mang toàn bộ số tiền giao nộp cho công an xử lý.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.