“Nếu tôi không còn nữa thì con tôi biết làm sao”

Mai Bùi Thứ ba, ngày 20/08/2024 06:06 AM (GMT+7)
Ở tuổi 75, bà Loan vẫn chưa có được một giờ thong thả, một phút yên lòng khi nghĩ về đứa con trai khuyết tật bẩm sinh. Bà chỉ sợ nếu một ngày bà nhắm mắt xuôi tay, con trai bà không biết tiếp tục sống như thế nào.
Bình luận 0

Số phận nghiệt ngã

Một đời oằn mình nuôi con, bà Trương Thị Loan (SN 1949, thôn Khe Cỏ, xã An Thịnh, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái) cái nghèo luôn đeo bám gia đình. Hiện tại, bà cùng con trai út vẫn đang sống tạm bợ trong căn nhà cũ nát đã dựng cách đây 20 năm.

Căn nhà rộng chừng 18 mét vuông, những bức tường nứt toác, bong tróc từng mảng lớn, mái cọ cũ nát thủng lỗ chỗ, các thanh xà đã mục gãy. Mỗi khi trời mưa to, gió giật mạnh, căn nhà lại rung lên, lắc lư như muốn đổ. Những lúc như vậy, hai mẹ con bà lại vội vã chui xuống gầm giường phòng khi nhà bất chợt sập xuống.

“Nếu tôi không còn nữa thì con tôi biết làm sao” - Ảnh 1.
“Nếu tôi không còn nữa thì con tôi biết làm sao” - Ảnh 2.

Bao năm nay, nhà bà Loan chỉ được che chắn bằng mấy miếng bạt rách, vài ba tấm lá xác xơ.

Con trai út của bà là anh Bàn Văn Đọc (SN 1991). Không may mắn như bao người, ngay từ thuở lọt lòng, anh Đọc đã bị khuyết tật. Tay chân anh không thể co duỗi cũng chẳng thể cầm nắm bất cứ vật dụng gì. Tất cả mọi việc từ đi lại, ăn uống, tắm giặt, anh đều phải trông chờ vào sự giúp đỡ của người mẹ già.

“Nếu tôi không còn nữa thì con tôi biết làm sao” - Ảnh 3.
“Nếu tôi không còn nữa thì con tôi biết làm sao” - Ảnh 4.

Bà Loan luôn tận tụy chăm sóc con trai từ miếng ăn đến giấc ngủ.

Những tưởng tay chân không lành lặn đã là sự bất hạnh lớn nhất mà anh phải gánh chịu, nào ngờ đến tuổi tập nói, anh Đọc lại chẳng thể bi bô gọi mẹ như bao đứa trẻ khác. Thấy con nói không thành tiếng mà chỉ toàn là những tiếng ú ớ vô nghĩa, bà Loan hớt hải ôm con đi thăm khám khắp nơi. Thậm chí, bà còn phải chạy vạy để có tiền đưa con xuống Hà Nội chữa trị, nhưng cũng vô vọng.

Trong khoảnh khắc, bà Loan chỉ biết khóc thương con rồi oán trách ông trời. Số phận nghiệt ngã đã lấy đi của con trai bà quá nhiều thứ. “Lúc nhìn thấy con chào đời tay chân khoèo, lòng tôi thắt lại. Khi con lớn hơn, cái lưỡi cứ dài ra, nói không ai nghe được, không ai hiểu được. Cuộc đời thật trớ trêu, cướp đi tất cả của nó, chẳng để lại gì”, vừa nói bà vừa khóc nấc lên.

Biết con trai thiệt thòi đủ thứ, nên dù tuổi cao sức yếu, bà Loan vẫn cố gồng gánh đi làm kiếm tiền nuôi con. Mấy năm nay, sức khỏe của bà kém đi, bà bị cao huyết áp, mắt cũng mờ, chân tay lại hay nhức mỏi nên chẳng thể làm được việc nặng. Cuộc sống của hai mẹ con cũng vì thế mà ngày càng khó khăn.

Bây giờ bà còn sống, anh Đọc vẫn còn chỗ dựa, nhưng nếu bà mất, không biết cuộc sống của anh rồi sẽ như thế nào. “Sống ngần ấy năm nhưng tôi lại khóc nhiều hơn cười. Giờ cũng đã gần đất xa trời, nếu một mai tôi không còn nữa thì con tôi biết làm sao. Ai sẽ thay tôi chăm lo cho thằng Đọc”.

Quyết tâm sống cuộc đời “tàn nhưng không phế”

Anh Đọc dù không biết chữ nhưng được trời phú cho khả năng học hỏi rất nhanh. Vô tình anh biết đến mạng xã hội TikTok nên đã nhờ người thân lập giúp mình kênh TikTok cá nhân. Từ đó, anh dùng đôi chân khoèo để bấm điện thoại livestream. Ngồi cạnh giường với màn hình điện thoại đặt trước mặt thông qua một giá đỡ, anh Đọc tìm thấy niềm vui khi được kết nối với thế giới bên ngoài qua mạng xã hội TikTok.

“Nếu tôi không còn nữa thì con tôi biết làm sao” - Ảnh 5.

Thân hình không lành lặn nhưng anh Đọc luôn nỗ lực vượt lên số phận.

Ngày ngày, anh vào kênh bật nhạc, ngân nga những giai điệu quen thuộc, tương tác với người xem. Dường như khát vọng được sống, được hòa nhập với cộng đồng của chàng trai “tàn nhưng không phế” ấy đã chạm đến trái tim của hàng triệu người. Thương cảm và nể phục trước nghị lực phi thường của anh Đọc, nhiều người xem livestream đã gửi tặng anh những lời khích lệ, động viên.

33 năm chứng kiến con trai phải chống chọi với những ngày tháng khó khăn, giờ đây, thấy con có thể dần hòa nhập với xã hội, bà Loan như được an ủi phần nào. Gương mặt đầy tự hào và hãnh diện về cậu con trai, bà Loan chia sẻ: “Thằng Đọc nó giỏi lắm. Ngày xưa nhà nghèo đâu có tiền đưa nó đi học lớp dành cho người khuyết tật đâu. Nó không biết chữ, thế mà lại học người ta livestream để hòa nhập hơn, lần đầu tiên sau từng ấy năm thấy nó vui như vậy, tôi thấy mừng và hạnh phúc lắm”.

“Nếu tôi không còn nữa thì con tôi biết làm sao” - Ảnh 6.

Bà Loan hạnh phúc vô bờ khi chứng kiến con trai ngày càng được nhiều người biết đến và yêu mến.

Cứ ngỡ cuộc đời đã được định sẵn, người đàn ông ấy chỉ có thể an phận sống kiếp “tầm gửi” hết đời này. Nhưng chính nghị lực phi thường đã giúp anh Đọc vượt lên sự nghiệt ngã của số phận. Anh đã dùng đôi chân khoèo để vẽ lên những gam màu tươi sáng cho cuộc đời mình. Không chỉ vượt qua nghịch cảnh, chiến thắng số phận mà anh còn là người truyền cảm hứng, lan tỏa sự lạc quan và niềm tin vào cuộc sống cho bao người khác.

Chia sẻ về hoàn cảnh gia đình bà Trương Thị Loan, ông Nguyễn Văn Chi - Phó Chủ tịch UBND xã An Thịnh cho biết: “Gia đình bà Loan thuộc hộ nghèo của địa phương. Bà Loan tuổi cao sức yếu nên chẳng làm lụng được gì. Anh Đọc - con trai bà dù tật nguyền nhưng đã vượt lên số phận, trở thành người truyền lửa trong xã hội. Thông qua Báo Dân Việt, tôi rất mong các nhà hảo tâm sẽ chung tay tiếp thêm sức mạnh cho chàng trai kém may mắn ấy để anh và mẹ già có được cuộc sống tốt đẹp hơn”.

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về

Bà Trương Thị Loan (SN 1949) ở thôn Khe Cỏ, xã An Thịnh, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái).

Hoặc gửi về Báo Nông Thôn Ngày Nay, Tòa nhà Báo Nông Thôn Ngày Nay – Lô E2, đường Dương Đình Nghệ, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Số tài khoản: 2120524887, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV chi nhánh Tây Hồ, Hà Nội.

Chủ tài khoản: Báo Nông Thôn Ngày Nay.

Vui lòng ghi rõ: Ủng hộ MS 20824

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem