Thông tin được đưa ra trong bối cảnh Điện Kremlin ngày càng cảnh giác với nước ngoài sau chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, 5 tháng kể từ khi xung đột bắt đầu. Dự án được cho là khởi động vào năm 2011, với bằng chứng mới cho thấy công việc đang được tiến hành và Kalina sẽ bổ sung thêm hiệu ứng chói laser di động, một khả năng từng được áp dụng vào cuối năm 2019 với một dự án khác tên là Peresvet.
Các báo cáo của thespacereview.com và bgr.com cho thấy vũ khí chống vệ tinh là một thành phần của hệ thống giám sát không gian Krona do Bộ Quốc phòng Nga vận hành.
Vị trí của khu phức hợp cách Zelenchukskaya vài dặm về phía tây, cách Moscow 18 giờ lái xe và gần biên giới Gruzia. Vũ khí này cũng cách đài quan sát vật lý thiên văn của Viện Hàn lâm Khoa học Nga không xa.
Theo báo cáo, các hệ thống chống vệ tinh này sử dụng cả công nghệ radar và lidar.
Lidar, viết tắt của Light Detection and Ranging, là một phương pháp viễn thám sử dụng ánh sáng ở dạng tia laser xung để đo phạm vi (khoảng cách thay đổi) tới Trái đất.
Ý tưởng được đưa ra vào những năm 1970 khi chính phủ Liên Xô công bố hệ thống ban đầu. Tuy nhiên, cơ sở vật chất và công nghệ không thể đáp ứng được cho đến đầu những năm 2000.
Nhiều người nghĩ Kalina có mục đích hoạt động tương tự như một vũ khí chống vệ tinh có thể tấn công các hình ảnh vệ tinh nước ngoài. Tuy nhiên do vẫn còn nhiều yếu tố chưa rõ ràng, nên các chuyên gia chưa chắc chắn hệ thống hoạt động hiệu quả như thế nào.
Với việc dự án vẫn đang trong giai đoạn tương đối sơ khai, nhiều khả năng thiết bị này sẽ được sử dụng trong các kế hoạch tương lai của Nga.
Nga vẫn giữ bí mật về các hoạt động không gian gần đây của mình.
Căng thẳng giữa Nga và Mỹ liên quan đến hợp tác không gian vẫn tiếp diễn do hậu quả của cuộc chiến ở Ukraine.
Vào tháng 4, Moscow tuyên bố sẽ ngừng hợp tác với Mỹ về Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS).
Giám đốc không gian của Nga, ông Dmitry Rogozin cho biết việc khôi phục quan hệ bình thường giữa các đối tác tại ISS và các dự án không gian chung khác sẽ chỉ có thể thành công khi các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Moscow được dỡ bỏ.
Ông Rogozin tuyên bố trong một bài đăng trên mạng xã hội rằng mục đích của các biện pháp trừng phạt là "giết chết nền kinh tế Nga và đẩy người dân nước này vào tuyệt vọng và đói kém". Ông nói thêm rằng phương Tây "sẽ không thành công trong việc đó, mặc dù ý định rất rõ ràng".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.