Các cuộc không kích của Nga vào căn cứ At-Tanf, nằm phía đông nam Syria được tiến hành vào hôm 12.6, chỉ 24h sau khi 20 lính đặc nhiệm Anh đã rời đi và giết chết 4 phần tử đối lập ôn hòa do Mỹ hậu thuẫn. Theo tờ Wall Street Journal, đây có thể là cách được Nga dùng để buộc Mỹ phải chia sẻ thông tin tình báo và hợp tác sâu hơn tại Syria.
Ban đầu Moscow giải thích rằng, họ nghĩ căn cứ này được sử dụng bởi IS và Bộ Chỉ huy trung tâm (CENTCOM) của Mỹ không hề cung cấp thông tin cho Nga về việc lực lượng phe đối lập ôn hòa và đặc nhiệm Mỹ đang hoạt động tại đây.
Nga đã ném bom vào 2 căn cứ được đặc nhiệm Mỹ và Anh sử dụng
Gần một tháng sau vụ việc thứ nhất, Nga tiếp tục thả bom chùm xuống một căn cứ khác của Mỹ gần biên giới với Jordan, nơi đang có các chiến binh phe đối lập ôn hòa và gia đình của họ.
Việc Mỹ không muốn hợp tác với Nga tại Syria đến từ việc Moscow thường xuyên không kích vào phe đối lập ôn hòa do Mỹ hậu thuận dưới tuyên bố là để chống khủng bố. Hiện nay chính quyền Tổng thống Obama vẫn đang chia rẽ sâu sắc về việc có nên hợp tác với Nga hay không và hợp tác ở mức độ thế nào.
Sau khi Tổng thống Putin và Obama có cuộc điện đàm vào đầu tháng 7, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã đến Moscow vào hôm 13.7 với nhiệm vụ được cho là để đưa ra đề xuất hợp tác với Nga tại Syria.
Theo Wall Street Journal, Mỹ đã đề nghị Nga ngừng không kích nhằm vào các phiến quân đối lập ôn hòa để đổi lại việc nới lỏng các biện pháp cô lập Moscow trên thế giới.
Hiện vẫn có những bất đồng về các khu vực mà Nga có thể tấn công mà không cần sự chấp thuận từ Mỹ. Ngoài ra, Mỹ cũng được cho là đặt điều kiện bên trong thỏa thuận rằng, nếu Moscow vi phạm cam kết, Washington có quyền đơn phương ngừng hợp tác.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.