“Ngã ngửa” vì mức giảm thấp kỷ lục của giá xăng

Mai Hương (thực hiện) Thứ năm, ngày 11/09/2014 06:50 AM (GMT+7)
Ngành xăng dầu vừa lập một kỷ lục mới là giảm giá xăng dầu với mức thấp kỷ lục, chưa từng nước nào làm được, giảm 30 đồng/lít xăng. Kẹt nỗi kỷ lục này, không mang lại niềm vui cho người dân mà có thể còn làm mất đi nhiều thứ, trong đó có niềm tin vào sự điều hành kinh tế, mà cụ thể ở đây là điều hành giá mặt hàng còn độc quyền như xăng dầu. 
Bình luận 0

Xung quanh câu chuyện này, phóng viên NTNN đã phỏng vấn TS Phạm Ngọc Long - chuyên gia kinh tế-Viện trưởng Viện Khoa học quản trị doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.

Thưa ông, giá xăng dầu vừa được điều chỉnh giảm 30 đồng/lít, ông có bình luận gì không?

- Đứng ở góc độ người tiêu dùng bản thân tôi cũng thấy “ngã ngửa” với điều hành giảm giá xăng dầu 30 đồng/lít của liên Bộ Tài chính-Công Thương vừa qua vì tưởng mình đang sống ở thời kỳ mới đổi tiền.

Mức giảm 30 đồng/lít xăng dầu có thể nói thấp tới mức người tiêu dùng chẳng quan tâm. Tuy nhiên, đứng về góc độ kinh tế, người làm chính sách, tôi cho rằng, cách điều hành này có lẽ các cơ quan quản lý muốn cho người dân thấy họ đã điều hành bám sát với thị trường thế giới hơn, giảm được là họ giảm ngay.

Tuy nhiên, với cách điều hành xăng dầu như vậy, tôi cho chúng ta vẫn chưa giải quyết được vấn đề còn gây nhiều tranh cãi, bức xúc trong lĩnh vực xăng dầu, đó là việc giá xăng dầu tăng nhanh giảm chậm, rồi tần suất tăng-giảm, quy mô tăng-giảm. Với điều hành giảm giá xăng dầu lần này tôi cho rằng, nó vẫn chỉ mang tính hình thức nhiều hơn.


 Nghị định 83 mới về kinh doanh xăng dầu cũng quy định giảm giá xăng dầu sẽ không có giới hạn nào cả để phù hợp với diễn biến thị trường thế giới. Vậy giảm 30 đồng/lít như vừa qua đã đạt được mục tiêu này, thưa ông?

- Giá xăng dầu của ta có bám được giá thế giới không tôi cho vẫn còn phải bàn nhiều lắm. Nghị định 83 thực chất vẫn chưa “lột xác” nhiều so với nghị định cũ. Tăng-giảm giá xăng dầu vẫn còn bị tác động bởi nhiều lợi ích trong đó. Thế nên buộc họ phải tăng thế nọ, giảm thế kia với giá xăng dầu với cơ chế hiện nay xem ra là không dễ. Vậy nên chúng ta chỉ có thể chờ xem cơ quan quản lý và doanh nghiệp xăng dầu muốn sẽ tăng-giảm giá như thế nào mà thôi.

Dù gì thì người tiêu dùng cũng đã quen với việc giảm giá xăng dầu nhỏ giọt, nhưng giảm giá 30 đồng/lít thì quả là “sốc”, trong khi thuế thì vẫn được giữ cao tới 18%, ông nghĩ sao?

- Thuế xăng dầu của chúng ta hiếm khi thấp. Đã có tài liệu chính thức liên quan đến các khoản thu thuế trong lĩnh vực xăng dầu được công bố trên báo chí. Các khoản thuế phí thường ở mức 30%, có lúc lên tới 50%. Chính vì mức thuế lớn như thế nên Bộ Tài chính mới “khó” điều hành giá và trả cho Bộ Công Thương cái quyền điều hành giá xăng dầu.

Mỗi năm Bộ Tài chính thu thuế xăng dầu lớn như vậy, lợi ích to như thế, nếu quản giá xăng dầu nữa thì e “gạt” không hết phản ứng của dư luận. Với nghị định xăng dầu mới, Bộ Công Thương cực chẳng đã nhận quản giá song cũng chả giải quyết được gì vì Bộ Công Thương cũng chả can thiệp được vào thuế phí mà Bộ Tài chính quy định. Vậy chỉ còn giá thôi, nếu cứ điều hành giảm giá sâu thì Bộ này cũng chả có lợi ích gì nữa hay sao?!

Vậy quỹ xăng dầu tiếp tục được duy trì ở đây có vai trò như thế nào trong việc quyết định mức tăng-giảm giá xăng dầu, thưa ông?

-Nhiều chuyên gia đã từng kiến nghị bỏ Quỹ Bình ổn xăng dầu vì thực chất nó không có nhiều tác dụng. Thực ra, Quỹ Bình ổn này đang làm phức tạp thêm vấn đề trong điều hành quản lý giá xăng dầu.

 

 

Nếu không phải trích Quỹ Bình ổn thì liệu các doanh nghiệp có thể giảm giá xăng dầu nhiều hơn 30 đồng/lít như hiện nay không?! Rõ ràng, đáng ra giá xăng dầu có thể giảm nhiều hơn nhưng chúng ta đã điều hành giảm ít vì lý do còn phải “thu Quỹ Bình ổn”…, nếu bỏ đi họ biết “vin” vào đâu?

Nguồn thu từ thuế xăng dầu là rất lớn nên không chỉ chúng ta mà nhiều nước họ cũng tận thu thuế này. Vấn đề ở đây tôi cho rằng, thu thuế phí xăng dầu phải phù hợp với tổng thể nền kinh tế hiện nay. Nhà nước phải thực sự quan tâm tới việc hài hòa lợi ích của người dân, doanh nghiệp với lợi ích của mình thì mới hy vọng có sự điều hành giá cả xăng dầu phù hợp, hợp lý được.

Nói như vậy thì việc điều hành giá xăng dầu minh bạch, phù hợp và vì lợi ích người tiêu dùng sẽ khó có thể sớm đạt được, thưa ông?

- Tôi xin nói là không chỉ điều hành giá xăng dầu, mà điều hành giá nhiều mặt hàng còn độc quyền của chúng ta vẫn còn đang đầy nghịch lý. Bởi nó đang tồn tại cái gọi là “nhóm lợi ích” không ai động đến được, rất gay.

Người dân, doanh nghiệp thì đang rất khốn khó song giá điện nước, xăng dầu, y tế, giáo dục gần như “bỏ ngoài tai” chỉ biết đến lợi ích của mình. Họ đều có lý lẽ hết, nào là CPI thấp nên có dư địa để tăng giá, rồi vin vào thuế cao, họ không có lợi nhuận thì chỉ có thể giảm giá thế thôi…

Người dân bức xúc thì kêu, kêu chán thì thôi. Họ có lợi ích thì họ cứ làm, dân thì cứ è cổ hứng chịu. Nếu các cơ quan Nhà nước cũng điều hành theo cách của các ông độc quyền này thì sẽ khó có một lợi ích cân bằng hiện nay.

Xin cảm ơn ông!

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Quang A: Lung lay niềm tin

Giảm giá 30 đồng/lít xăng đừng tưởng là người tiêu dùng sẽ sướng. Các cơ quan quản lý đang không tính đến tác động tâm lý, lòng tin của người dân nên mới tăng nhiều giảm ít, giảm một cách nực cười như thế. Cách điều hành này đã làm lung lay lòng tin của người dân vào cơ quan giá và thực tế nó cũng đang phản ánh đúng tình trạng như thế của ta hiện nay.

Cơ quan giá tồn tại để làm gì? Giá trạm xăng nào họ tự giảm giá như vậy thì rất đáng hoan nghênh, chắc chắn sẽ ảnh hưởng tốt tới nền kinh tế nhưng đây là cơ quan nhà nước “trát” xuống thì người dân còn biết làm sao, ngoài việc cho rằng, ông đang làm một việc “rỗi hơi”…

Lâm Anh (ghi)

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long: Như một trò hề

Tôi cho rằng việc doanh nghiệp  xăng dầu tăng nhiều, giảm ít như thời gian vừa qua  là biểu hiện của bệnh hình thức. Việc giảm giá dù nhiều hay ít đều tốt cả, tuy nhiên giảm 30 đồng/lít trong bối cảnh đồng tiền giá trị không lớn thì như một trò hề. Chính vì vậy việc giảm giá này vẫn phán ánh bản chất của  doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, luôn muốn tăng giá nhiều nhưng giảm nhỏ giọt.

 Phương Hà (ghi)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem