Trò chuyện với PV Dân Việt mới đây, ông Nguyễn Thanh Chấn (thôn Me, xã Nghĩa Chung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) tâm sự, ông Toản là một trong số những người bạn đặc biệt nhất ông có trong những ngày bị giam tại Trại giam Vĩnh Quang (xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc)
Ông Chấn kể, ông Toản quê ở huyện Lập Thạch (Vĩnh Phúc) và cùng sinh năm 1961 như ông. Ông Toản vào tù vì rất nhiều tội, với tổng hình phạt lên tới 21 năm 6 tháng tù. Dù gặp nhau giữa chốn lao tù, nhưng ông Toản và ông Chấn dường như là “tri kỷ”, cảm thấy rất tâm đầu ý hợp và có thể chia sẻ với nhau mọi điều.
Ông Nguyễn Thanh Chấn từng tự tử vì kêu oan bất thành, nhưng may mắn thoát chết vì bạn tù phát hiện, can ngăn kịp thời.
Qua những câu chuyện về cuộc đời và về vụ án khiến ông Chấn bị đẩy vào vòng lao lý, ông Toản dần dần tin rằng ông Chấn thực sự là một trường hợp oan sai, và tin tưởng rằng công lý sẽ đứng về ông Chấn, sẽ có ngày ông Chấn được minh oan, đoàn viên cùng gia đình.
“Tôi luôn kêu oan, nhưng không phải anh em nào trong trại cũng tin vào điều đó, tôi không trách họ. Nhưng dần dần mọi việc cũng qua đi. Rất may những tháng ngày trong trại, tôi nhận được sự tin tưởng và chia sẻ từ người bạn tù cùng phòng là ông Toản”, ông Chấn tâm sự.
Ông Chấn kể lại, vào những đêm khuya, ông Toản vẫn to nhỏ động viên người bạn tù của mình hãy vững tâm. Cũng có những thời gian ông Toản còn khuyên ông Chấn nên viết đơn trình bày vấn đề một cách cụ thể, rõ ràng, súc tích để cơ quan có thẩm quyền hiểu và xem xét. Những lúc vợ con lên thăm, báo tin đơn kêu oan gửi đi nhưng chưa có kết quả gì, ông Chấn rất buồn. Rồi cả lúc ông Chấn chán nản bởi những tiếng kêu oan trong vô vọng nên đã định nghĩ đến cái chết, những ngày ấy, ông Toản luôn phải “để ý” đến ông Chấn vì sợ bạn làm liều. Rồi những sự sẻ chia, động viên của những người bạn tù với nhau khiến ông Chấn vững tâm hơn và có niềm tin vào công lý.
“Kêu oan nhiều lần nhưng không được, tôi tuyệt vọng định tự tử, nhưng may ông Toản phát hiện can ngăn kịp thời không thì không có ngày trở về và bây giờ ngồi đây”, ông Chấn tâm sự.
Tiếp tục câu chuyện về bạn tù Đỗ Văn Toản, ông Chấn kể, vào năm 2006, ông Chấn biết tin vợ ông Toản ốm nặng qua đời. Ông Toản vì thế mà suy sụp, ốm nặng. “Sau khi nhận được tin vợ qua đời vì bệnh, Toản như chết lặng. Ôm những món quà mà vợ mới gửi vào trong tay mà ông ấy cứ nước mắt ngắn dài, trông đau khổ lắm”, ông Chấn nhớ lại.
Giống như những gì ông Toản làm với mình khi rơi vào cùng cực, ông Chấn tìm cách an ủi, động viên để ông Toản thêm động lực cải tạo tốt, sớm trở về với cộng đồng.
Tuy nhiên, xúc động nhất là ngày VKSND Tối cao đến Trại giam Vĩnh Quang thông báo ông Chấn sẽ được trả tự do, cả trại giam ai cũng vui mừng, từ phạm nhân cho đến cán bộ trại giam. Khi chào mọi người và cảm ơn để về nhà, ông Chấn nhận được cái ôm siết chặt của ông Đỗ Văn Toản và một lá thư được viết vội trên hai mặt giấy với những dòng chữ nguệch ngoạc nhưng nhòe nước mắt của người bạn tù “tri kỷ”.
Lá thư ông Toản gửi ông Chấn trong ngày được trả tự do.
“Ông có biết không, hôm nay là ngày công dân thứ 90 triệu của Việt Nam chào đời. Thực ra tôi không muốn nói đến câu chuyện dân số, nhưng tôi muốn nói rằng, ông như được sinh ra lần nữa. Thật mừng cho ông, vui cùng gia đình ông, ngày mai là cuộc đoàn tụ không tưởng của gia đình ông. Có lẽ vong linh của bố ông – một anh hùng liệt sĩ đã thấu hiểu điều đó”, ông Toản viết trong thư tiễn bạn rời trại giam.
Lá thư xúc động của ông Toản giờ đây vẫn được được ông Chấn mang ra đọc mỗi khi nhớ về những kỷ niệm sau song sắt nhà tù. Và mỗi khi lấy lá thư đó ra đọc, ông Chấn vẫn không cầm được nước mắt.
Ông Chấn tâm sự, ông thấy nhớ và rất muốn trở lại Trại giam Vĩnh Quang để thăm hỏi và động viên ông Toản tiếp tục cải tạo tốt để sớm về với gia đình.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.