Quân đội Nga cuối tuần trước ký hợp đồng xử lý hai tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) R-36M2 đang niêm cất tại một căn cứ quân sự ở vùng Ural. Moskva cũng gửi thông báo cho Washington về kế hoạch phá dỡ tên lửa này theo Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược Mới (New START) giữa hai nước.
Quá trình phá hủy hai tên lửa dự kiến được thực hiện vào tháng 11, trong đó mỗi tên lửa có khối lượng 52 tấn sẽ được tháo rời để thu hồi các kim loại quý. Các linh kiện trong mỗi quả R-36M2 chứa khoảng 1,2 kg vàng, 19 kg bạc, vài gram bạch kim, 6 tấn kim loại đen và 20 tấn kim loại màu. Những vật liệu như sợi thủy tinh và cao su sẽ được tái chế hoặc loại bỏ.
Một quả R-36 được trưng bày tại Nga. Ảnh: Wikimedia Commons.
Đợt tháo dỡ đáp ứng điều khoản New START, thỏa thuận kiểm soát vũ khí duy nhất còn hiệu lực giữa Nga và Mỹ. New START được ký năm 2010 và sẽ hết hạn vào tháng 2/2021, cho phép mỗi nước triển khai không quá 1.550 đầu đạn hạt nhân, mức thấp nhất trong hàng chục năm qua. Hai nước cũng bị giới hạn về số tên lửa đạn đạo phóng từ mặt đất và tàu ngầm, cũng như oanh tạc cơ mang bom và tên lửa hành trình hạt nhân.
R-36M2 là mẫu ICBM lớn nhất và có tầm bắn xa nhất thế giới, được NATO đặt biệt danh là "Quỷ Satan". Mỗi quả đạn dài 32 m, có đường kính 3 m, đạt tầm bắn tối đa 16.000 km, mang được 10 đầu đạn hồi quyển độc lập mạnh tương đương 7,5 triệu tấn thuốc nổ TNT cùng hàng chục mồi bẫy để đánh lừa lá chắn phòng thủ đối phương.
Biến thể R-36 đầu tiên ra đời năm 1974, phiên bản nâng cấp R-36M2 vẫn còn trong biên chế lực lượng tên lửa chiến lược Nga. Chúng đang dần bị loại biên và thay thế bởi mẫu RS-28 Sarmat hiện đại hơn.
Vũ Anh (VNE)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.