“Ngắc ngoải” dệt thổ cẩm

Quốc Dinh Thứ tư, ngày 08/10/2014 16:04 PM (GMT+7)
Tại Gia Lai, những năm qua hàng loạt hợp tác xã (HTX) dệt thổ cẩm, làng nghề truyền thống ra đời, trụ sở xây dựng hoành tráng từ nguồn kinh phí “khuyến công” với mong muốn tạo việc làm, tăng thu nhập, giữ gìn bản sắc văn hóa cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Thế nhưng, thực trạng thì không như mong muốn.
Bình luận 0

Chỉ là… cái vỏ

Trên địa bàn tỉnh Gia Lai hiện có 123 HTX hoạt động, đủ các loại hình. Trong đó gần chục HTX có sản xuất các mặt hàng dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào Jrai, Ba Na như: HTX Công - nông nghiệp Đăk Kơ Ning (huyện Kông Chro), HTX Sản xuất kinh doanh và Dịch vụ Kon Dơng (Mang Yang), HTX Gla (Đăk Đoa), HTX Ia Tom (Đức Cơ), HTX Ia Phìn, HTX Ia Lâu (Chư Prông)… Một tình trạng chung là các HTX này đều đang trong tình trạng “sống dở, chết dở” phải dừng sản xuất bởi thiếu vốn, thiếu đầu ra; thậm chỉ một số đã giải thể…

HTX Công - nông nghiệp Đăk Kơ Ning được đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất vào năm 2010 với kinh phí lên đến gần 1 tỷ đồng. Đây không những là cơ hội tốt để gìn giữ và phát huy nghề truyền thống mà còn giúp người dân nơi đây tăng thêm thu nhập. Chính vì vậy, đã có hơn 50 xã viên là đồng bào địa phương được lựa chọn để đào tạo nghề, từ đó sẽ có hàng trăm hộ dân được hưởng lợi khi HTX đi vào hoạt động. Thế nhưng, đó cũng chỉ mới là những dự tính...

Có mặt tại cơ sở, chúng tôi chẳng thấy một sản phẩm nào mà chỉ thấy bày bán các mặt hàng như phân bón, thuốc trừ sâu, hạt giống và một số đồ nghề sửa chữa máy cày, máy nổ… Bà Lê Thị Nữ - Chủ nhiệm HTX cho biết: Dù đã trải qua 2 đời chủ nhiệm nhưng đến nay HTX vẫn chưa ra đời được một sản phẩm nào. “Xã viên thì không tha thiết với nghề, đầu ra không có, tôi cũng lực bất tòng tâm” - bà Nữ nói.

Nghe nói HTX Gla vẫn sản xuất hàng dệt truyền thống và là HTX khá nhất, chúng tôi tìm đến để tìm hiểu. Trụ sở HTX cửa đóng kín mít, đành phải tìm đến nhà chủ nhiệm. Chủ nhiệm HTX - bà Mlop cũng là một nghệ nhân nghề dệt thổ cẩm có tiếng. Bà Mlóp thường được mời đi dạy nghề ở các nơi. Nhưng bà Mlop đi vắng, tại nhà chỉ có một mình em H’ngai đang làm việc. H’ngai kể: Em biết nghề dệt truyền thống đã 7 năm dù chỉ mới 22 tuổi. H’ngai tự xe chỉ, dệt, hoàn thiện sản phẩm… Hỏi xã viên sao không đến làm việc, H’ngai cho biết, khi nào có đơn đặt hàng nhiều, chủ nhiệm mới gọi họ tới làm và trả tiền theo sản phẩm. Chỉ duy nhất H’ngai được bà Mlóp nuôi ăn cơm tại nhà, trả lương hơn 2 triệu đồng/tháng. “Những chị em khác đều theo chồng đi làm rẫy rồi”- H’ngai buồn bã nói. Rồi cô kể: Để bán được hàng, chính chị Mlóp phải tự đi chào hàng và bán sản phẩm, có khi lên đến cả Kon Tum. Thế nhưng doanh thu cũng chẳng đáng là bao. Năm 2013 được 350 triệu đồng. Những năm trước chỉ được 100-200 triệu đồng…

Loay hoay để tồn tại

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Tiệp - Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Gia Lai cho biết: Các HTX có đăng ký hoạt động sản xuất nghề dệt thổ cẩm truyền thống trên địa bàn tỉnh Gia Lai hiện còn rất ít. Nhiều HTX đã giải thể, hoặc chỉ hoạt động cầm chừng vì không bán được hàng. Lâu lâu, có ai đặt hàng thì làm. Mục đích chính của các HTX dạng này là tạo việc làm, tận dụng thời gian rỗi nhằm tăng thêm thu nhập cho người dân địa phương cũng như giữ gìn nghề truyền thống…

Khó khăn lớn nhất của các HTX nói chung và HTX dệt thổ cẩm nói riêng theo ông Tiệp vẫn là tiêu thụ sản phẩm. Nguyên nhân là giá thành sản phẩm dệt của các HTX cao từ gấp 1,5 - 2 lần so với sản phẩm cùng loại trên thị trường. Các HTX đều khó khăn về vốn nhưng không có tài sản thế chấp, phải dùng tài sản riêng của ban chủ nhiệm HTX thế chấp cho ngân hàng nên nguồn vay hạn hẹp. Sản phẩm không tiêu thụ được, không tạo được thu nhập ổn định cho xã viên nên ít người thiết tha. Một ngày công lao động mùa vụ làm cà phê, hái tiêu hiện nay được trả từ 150-200 nghìn đồng; trong khi đó, tiền công dệt thổ cẩm lúc có đơn đặt hàng cũng chỉ vài chục nghìn đồng/ngày thì khó thu hút được lao động cũng là điều dễ hiểu…

  Để các HTX nghề dệt thổ cẩm truyền thống sống được, theo ông Tiệp, ngoài việc các HTX phải tự thân vận động thì cần có cơ chế để họ tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi; cần có nơi lo đầu ra cho các sản phẩm. Bên cạnh đó cần có sự đầu tư hợp lý về cơ sở vật chất, tổ chức đào tạo nâng cao tay nghề…  
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem