“Năn nỉ” người thu mua cà chua lạ
Có mặt tại xã Tu Tra (huyện Đơn Dương, Lâm Đồng) khi hỏi về cây cà chua thân gỗ, PV Báo NTNN chỉ nhận được cái thở dài, ngao ngán của những người dân đang trực tiếp trồng, chăm sóc loại cây từng được “quảng cáo” giá lên đến 1 triệu đồng/kg trái.
Ông Trần Thanh Sơn buồn bã khi nói về cây MagicS trong vườn của mình. Ảnh: Văn Long
Dẫn PV đi thăm vườn cây MagicS của mình, ông Nguyễn Bá Tôn, xã Tu Tra chua xót kể lại: “Tháng 6.2017, gia đình tôi đánh liều bán 26 con bò sữa rồi cùng ông Nguyễn Mạnh Hà mượn tiền của người quen mua 1.100 cây Magic S giống để trồng. Lúc đó, giống cây này được quảng cáo có giá trị kinh tế cao nên cây giống cũng rất đắt đỏ, từ 100.000 – 500.000 đồng/cây”.
Vì hợp khí hậu và được chăm sóc cẩn thận nên những cây cà chua thân gỗ của ông Tôn phát triển rất nhanh. Thời điểm đó, đã có nhiều đoàn khách và lãnh đạo các tỉnh phía Bắc đến tham quan, học hỏi mô hình của ông Tôn và ông Hà.
Tham khảo nhiều thông tin về trái cây MagicS, thấy đều nói có giá trị cao, nghĩ rằng sẽ có nhiều đơn vị thu mua, giá cả sẽ ổn định, vì vậy đầu năm 2018 ông Nguyễn Mạnh Hà đã tiến hành thành lập HTX MagicS Rạng Đông để phát triển cây cà chua thân gỗ. Tuy nhiên, kì vọng vào Magic S càng nhiều thì mọi người trong HTX càng thất vọng bấy nhiêu.
Ông Hà cho biết, từ tháng 6 – 10.2018, toàn HTX mới chỉ bán được khoảng 2,8 tấn quả MagicS cho Công ty TNHH sản xuất thực phẩm Đà Lạt. Thế nhưng giá họ mua vào chỉ từ 50.000 -150.000 đồng/kg thùy thuộc vào mẫu mã của mặt hàng. Đối với hàng loại 1 sẽ được mua với giá 150.000 đồng/kg, loại 2 chỉ có giá 50.000 đồng/kg.
“Hiện nay HTX của chúng tôi mới có 7 thành viên, tuy còn nhiều hộ đang muốn tham gia vào HTX để xuất bán được quả MagicS, nhưng chúng tôi vẫn chưa đồng ý. Bởi hiện tại, chính sản phẩm của các xã viên làm ra cũng không có nơi tiêu thụ thì chúng tôi chưa thể giúp đỡ được bà con trong thời gian này”- ông Nguyễn Mạnh Hà – Giám đốc HTX MagicS Rạng Đông cho biết.
Nông dân phải đưa những quả cà chua thân gỗ vào cấp tủ đông vì chưa tiêu thụ được. Ảnh: Văn Long
Trong khi đó, tại xã Mê Linh (huyện Lâm Hà, Lâm Đồng), nhiều hộ gia đình đã phải chặt bỏ những cây MagicS do không bán được quả. Tiêu biểu như gia đình ông Trần Thanh Sơn đã phải phá bỏ hơn 200 cây MagicS do không còn khả năng chăm sóc.
Tháng 4.2017, gia đình ông Sơn cũng vì nghe những lời giới thiệu của các cơ sở bán giống tại địa phương nên đã đầu tư 60 triệu đồng mua cây giống về trồng xen trong vườn tiêu của mình. Đến nay, qua hơn một năm đầu tư chăm sóc với số vốn lên trên 100 triệu đồng nhưng ông Sơn chỉ bán được khoảng 200kg quả, với giá từ 50.000 – 140.000 đồng/kg.
Đặc biệt, ông Sơn đã nhiều lần đến các HTX, đơn vị thu mua nông sản “năn nỉ” nhưng cũng không ai muốn thu mua. Từ khi có quả bói, chủ yếu ông Sơn bán cho mọi người xung quanh với số lượng nhỏ lẻ, hoặc giao bán cho các khách hàng thông qua mạng xã hội.
“Dù thất bại hoàn toàn nhưng tôi cũng xem đó như một bài học trong việc thử nghiệm trồng một loại cây mới được cho là có giá trị kinh tế cao. Giờ vợ tôi xót ruột nên cằn nhằn suốt, gia đình tôi quyết định bỏ, không chăm sóc và thu hoạch từ 2 tháng nay. Bởi nếu có hái về mà không bán được thì cũng hư hỏng, lại còn tốn công, mất thời gian”- ông Sơn buồn bã nói.
Thời điểm mới xuất hiện ở Việt Nam, trái cà chua thân gỗ từng có giá 1 triệu đồng/kg, nhưng hiện nay sản lượng nhiều hơn, cộng với trái cây này có vị chua, chỉ thích hợp “ăn cho vui”, hầu như không dùng chế biến thực phẩm trong gia đình nên giá giảm chỉ còn 1/5.
|
Không bán được là do thụ động?
Trong khi người dân trồng cây MagicS than khó, kêu khổ vì sản phẩm làm ra không có người mua, không có nơi tiêu thụ thì ông Phạm S – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho rằng: “Việc phát triển loại cây này đang trong lúc giao thời nên còn gặp nhiều khó khăn".
MagicS hay còn gọi là cà chua thân gỗ chính là loại cây được ông Phạm S nghiên cứu trong khoảng 2 năm từ 2014 - 2016 và đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng bảo hộ sở hữu trí tuệ. Đây là loại cây rất dễ trồng, có thời gian thu hoạch dài, có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu nên dự kiến sẽ được tỉnh Lâm Đồng đưa vào chương trình chuyển đổi giống cây trồng trên địa bàn.
Trao đổi với PV NTNN, ông Phạm S cho rằng, việc hiện tại các hộ dân trên địa bàn trồng có quả nhưng không bán được là do sự thụ động, không chịu khó giới thiệu sản phẩm, lại trồng mang tính tự phát. Hiện trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có 3 công ty thu mua quả MagicS, gồm Công ty TNHH Nông sản Langbiang, Công ty TNHH Thảo Nguyên Xanh, Công ty TNHH sản xuất thực phẩm Đà Lạt. Tuy nhiên theo ông S, sản lượng quả MagicS tại địa phương không đủ cung cấp cho 3 công ty này tiêu thụ.
Nhiều quả cà chua thân gỗ đã chín đỏ nhưng người dân không buồn thu hái. Ảnh: Văn Long
Ông S cho biết thêm, các công ty này hiện đang thu mua quả MagicS để sản xuất nước giải khát và bột MagicS. Trong đó, Công ty TNHH Sản xuất thực phẩm Đà Lạt đang tiến hành xây dựng và mở rộng hệ thống kho lạnh để tiếp tục thu mua số lượng lớn trái cà chua thân gỗ giúp người dân.
“Hiện tại, chúng tôi đang định hướng cho người dân bán tươi cho khách du lịch, các điểm du lịch canh nông… Nhiều người đưa trái cà chua này xuống Cần Thơ hay các tỉnh miền Tây khác vẫn bán được giá vài trăm ngàn đồng/kg”- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng thông tin.
Trao đổi thêm với ông Lại Thế Hưng – Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV (Sở NNPTNT) tỉnh Lâm Đồng, ông Hưng cho biết trước đó, tỉnh chưa hề có đề án nào cụ thể về việc đưa cây MagicS vào trồng đại trà. Những hộ dân trồng là do tự phát, không tính toán được đầu ra, thị trường nên rơi vào tình trạng thua lỗ.
“Hiện tại, Chi cục đang phối hợp với các phòng nông nghiệp trong tỉnh thống kê diện tích, sản lượng, các loại dịch bệnh đối với loại cây này để có những tư vấn và hỗ trợ kịp thời cho người dân. Tuy nhiên, chúng tôi khuyên người dân nên cân nhắc kỹ trước khi trồng một loại cây nào đó, phải tính toán kỹ về thị trường tiêu thụ để không mắc phải tình trạng như hiện nay”- ông Hưng nhấn mạnh.
Một doanh nghiệp khá nổi tiếng chuyên kinh doanh, cung cấp rau củ quả Đà Lạt cũng đầu tư trồng gần 1ha cây MagicS tại huyện Lạc Dương cho biết, ban đầu ngoài việc đầu tư trồng trực tiếp, họ còn tính tới thu mua, bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân, nhưng nay thật sự bế tắc. Sản phẩm của công ty cũng không tiêu thụ được. Số diện tích đã lỡ trồng, công ty vẫn duy trì nhưng hướng tới khai thác du lịch canh nông.
Còn theo giới buôn trái cây, sở dĩ loại cà chua thân gỗ hạ giá là vì nhiều nơi trồng nhân giống. Sản phẩm chủ yếu được khách mua ăn chơi chứ không sử dụng thường xuyên như cà chua thông thường nên lượng tiêu thụ thấp.
Ông Lê Trọng Hưng – Giám đốc Công ty TNHH sản xuất thực phẩm Đà Lạt:
Sản phẩm của người dân còn thiếu tiêu chuẩn
“Hiện nay người dân trồng đa số diện tích còn nhỏ, chưa có sự quy hoạch, tập trung, vì vậy việc thu mua nhỏ lẻ rất khó khăn cho công ty. Chúng tôi cũng đang xúc tiến xây dựng kho lạnh khoảng 15 khối để có cơ sở thu gom tối đa sản phẩm của người dân. Ngoài ra, để dùng loại quả này thì công ty phải tiến hành nghiên cứu nhằm sản xuất ra các sản phẩm mới chính vì vậy cần có thời gian và kinh phí… Hiện nay thì công ty đang sử dụng quả MagicS để sản xuất rượu vang nếu sản phẩm đủ tiêu chuẩn sẽ được công ty thu mua toàn bộ.
Tuy nhiên, sản phẩm của người dân hiện nay còn thiếu tiêu chuẩn như quả quá bé từ 25 - 30 quả/kg, chưa đủ chất dinh dưỡng theo yêu cầu nhưng tiêu chuẩn của công ty là 18 quả/kg. Sắp tới, những quả nhỏ, chưa chuẩn thì công ty sẽ sử dụng để làm nước ép và bột để tiêu thụ, giúp đỡ người nông dân”.
Bà Lê Thị Bé - Trưởng phòng NNPTNT huyện Đơn Dương:
Đua nhau trồng tự phát
Đơn vị hiện cũng đã nắm được tình hình và cũng đã cố gắng liên hệ, làm cầu nối giữa doanh nghiệp và HTX nhưng vẫn chưa có đơn vị nào thu mua quả Magic S. Hiện nay huyện Đơn Dương cũng chưa có đề án phát triển cây Magic S mà chủ yếu các hộ nông dân rủ nhau trồng tự phát sau khi nghe tin đồn quả của loài cây này có thể bán được 1 triệu đồng/kg.
Trước mắt, huyện đang vận động những người trồng đem quả này đi giới thiệu, chào hàng ở những điểm nhỏ lẻ nhằm giải quyết đầu ra, vớt vát phần nào…
Long Văn (ghi)
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.