Ngân hàng nhà nước hạ lãi suất: Cơ hội tốt giải quyết vốn dư thừa

Chủ nhật, ngày 30/06/2013 06:06 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Sau động thái hạ lãi suất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), ngày 27.6 vừa qua, các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước đều ghi nhận đây là động thái tích cực trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn.
Bình luận 0

Ngân hàng đang dồi dào thanh khoản

TS Đinh Tuấn Minh-Trưởng bộ phận phân tích kinh tế tại Ngân hàng Quân đội (MB Bank) cho rằng, với các ngân hàng thì thông tin này phản ánh chính xác những gì mà họ mong đợi. “Chúng tôi có thể coi đây là thông tin tốt với các nhà băng”- ông Minh cho biết. Lãi suất huy động giảm giúp các ngân hàng giảm chi phí vốn để có thể hạ lãi suất cho vay hơn nữa.

img
Hạ lãi suất là tín hiệu tích cực của Ngân hàng Nhà nước.

Nhận định về quyết định hạ lãi suất và nâng tỷ giá của NHNN, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho rằng: Việc hạ lãi suất là hợp lý trong bối cảnh lạm phát đã được kiểm soát tốt. Hạ lãi suất sẽ giúp kéo mặt bằng lãi suất cho vay đi xuống, giúp các ngân hàng có cơ hội tốt hơn để giải quyết đầu ra khi nguồn vốn đang dư thừa rất nhiều như hiện nay.

Trong khi đó, một số công ty chứng khoán đưa ra nhận định: Thời gian điều chỉnh tỷ giá diễn ra sát thời hạn chót cho việc tất toán trạng thái vàng của các ngân hàng (30.6) sẽ giúp ổn định thị trường ngoại hối, ít nhất là trước mắt. Đồng thời, động thái giảm lãi suất có lẽ là dấu mốc chấm dứt chu kỳ (giảm) lãi suất hiện tại. Nhiều ngân hàng dồi dào thanh khoản nên nhu cầu huy động đã và đang giảm trong thời gian qua.

Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Thị Mùi cũng đồng tình với nhận định trên khi cho rằng: “Trần lãi suất tiền gửi tiết kiệm còn 7%/năm là tín hiệu tích cực. Thực ra, nỗ lực của NHNN là muốn hỗ trợ tăng trưởng từ việc kéo giá vốn đi xuống”. Lạm phát trong tháng 6 đã được công bố là nhích rất nhẹ 0,05%. Một số chỉ số kinh tế vĩ mô cũng đã đi dần vào ổn định thì việc NHNN hạ lãi suất là cần thiết.

Người dân thiệt, doanh nghiệp chưa được lợi ngay

Mục tiêu của NHNN là hạ lãi suất tiền gửi để tiến tới hạ lãi suất cho vay, kích thích dòng vốn ra thị trường. Tuy nhiên, những mong muốn này có được hay không lại là câu chuyện khác. Đến thời điểm này, thực tế đã chứng minh việc cắt giảm lãi suất không đủ vực dậy nền kinh tế cho tới khi giải quyết được vấn đề khơi thông dòng vốn, nợ xấu.

Không đủ vàng cho người mua

Giá vàng trong nước đang rơi tự do theo vàng thế giới và tìm về mức thấp nhất chưa từng thấy kể từ tháng 11.2010. Tuy nhiên sau khi xuống rất thấp vào phiên buổi sáng chỉ hơn 35 triệu đồng/lượng thì đến thời điểm cuối giờ chiều hôm qua, giá vàng SJC vọt lên mức 36,2 – 36,9 triệu đồng/lượng, tăng 1,1 triệu đồng so với buổi sáng. Giá vàng giảm sâu đã thu hút lượng người đến mua vàng nườm nượp. Một số công ty kinh doanh vàng lớn tại Hà Nội đã không đủ vàng giao cho người dân đã phải viết giấy hẹn.

Theo chuyên gia Nguyễn Thị Mùi, mấu chốt của nền kinh tế là cầu và khả năng thanh toán. Tổng cầu hiện nay đang quá thấp. Còn doanh nghiệp thì đang bùng nhùng trong khả năng thanh toán. Hạ lãi suất, lãi suất rẻ nữa thì vì nợ xấu, ngân hàng cũng không cho doanh nghiệp vay vốn. Ngân hàng hiện nay đang rất sợ nợ xấu, nếu cho vay lúc này sẽ lại sợ nợ xấu xuất hiện trong tương lai.

Trong khi đó, hầu hết các doanh nghiệp đều đang rơi vào tâm lý hàng tồn kho lớn, niềm tin kinh doanh không có, cho nên không vay vốn. Đi vay để rồi lại nợ thì không vay để làm gì dù lãi suất hạ đến cùng. Rõ ràng “câu chuyện nợ đang làm mất đi tiềm năng của doanh nghiệp lẫn ngân hàng”-bà Mùi nhận định.

Trong khi đó không thể phủ nhận một thực tế “nhãn tiền” là việc hạ lãi suất tiền gửi thì người dân chịu thiệt. Trong khi doanh nghiệp chưa hẳn đã được hưởng ngay vốn giá rẻ. “Hạ lãi suất là tín hiệu tích cực, điều này cho thấy xu hướng giá vốn đang được kéo xuống. Song nếu thẳng thắn nhìn nhận, dòng vốn giá rẻ sẽ khó được hút vào sản xuất kinh doanh.

Câu chuyện độ trễ chính sách chắc chắn vẫn còn. Ngân hàng giảm lãi suất tiền gửi ngay, nhưng không thể giảm lãi suất cho vay ngay được. Ngân hàng đâu có phải huy động buổi sáng và dùng tiền đó cho vay ngay vào buổi chiều. Ngân hàng cũng phải tồn vốn chứ. Do vậy, phải sau 3 - 4 tháng, sau khi trần lãi suất huy động giảm thì lãi suất cho vay mới được hạ nhiệt như ngân hàng mong muốn”- TS Nguyễn Thị Mùi cho biết. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem