Ngày 26.12, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai Nghị định 116/2018/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và các giải pháp của ngành ngân hàng góp phần hạn chế tín dụng đen.
7.624 vụ phạm tội liên quan đến tín dụng đen
Báo cáo tại Hội nghị cho thấy, trong 4 năm gần đây (giai đoạn 2013 – 2017), cả nước có khoảng 7.624 vụ phạm tội liên quan đến tín dụng đen, với 56 vụ giết người, 398 vụ cố ý gây thương tích, 629 vụ cướp tài sản, 1.809 vụ lừa đảo…
Ông Phạm Huyền Anh, Phó Chánh thanh tra, Cơ quan Thanh tra giám sát NHNN nhìn nhận, chưa có khái niệm chính thống về tín dụng đen cũng như quy định của pháp luật. Tín dụng đen được hiểu là các tổ chức, cá nhân có hoạt động cho vay không được cấp phép của NHNN với lãi suất rất cao so với quy định, hay là cho vay nặng lãi.
Đối tượng vay nặng lãi mà các tổ chức, cá nhân nhắm tới là những người cần tiền để chữa bệnh, giải quyết nhu cầu cuộc sống, người có thu nhập không ổn định, người dân sống ở vùng sâu vùng xa không có hiểu biết, đối tượng cờ bạc cá độ bóng đá...
"Tín dụng đen ngày càng biến tướng, tiếp cận người dân bằng cách treo tờ rơi, áp phích nơi công cộng, sử dụng mạng xã hội, núp bóng dưới các cửa hàng cầm đồ, công ty cho vay tài chính, núp dưới danh nghĩa "kết nối NH và khách hàng"... Các đối tượng cho vay nặng lãi thường không quy định lãi suất cụ thể mà thường tính lãi suất theo ngày; thu nợ với nhiều hình thức trái pháp luật, thuê xã hội đen", ông Phạm Huyền Anh dẫn chứng.
Toàn cảnh Hội nghị
Cũng theo ông Phạm Huyền Anh, tín dụng đen chưa ảnh hưởng đến ngành NH, nhưng nếu quản lý không chặt chẽ sẽ dẫn đến vốn vay được sử dụng để cấp cho các đối tượng cho vay nặng lãi, từ đó nguy cơ rủi ro, nợ xấu, ảnh hưởng đến hoạt động của NH.
Dưới góc độ cơ quan công an, Đại tá Phạm Văn Tám, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an nhận định, tình trạng cho vay nặng lãi, tín dụng đen đã xảy ra từ nhiều năm nay và ngành công an cũng áp dụng nhiều giải pháp tuy nhiên đến nay tín dụng đen vẫn đang có chiều hướng gia tăng phức tạp và tinh vi hơn
Ông Tám nói, “Tín dụng đen như những tên cướp ngày, các cơn bão tín dụng càn quét nhất ở các vùng nông thôn, vùng tây nguyên, vùng xâu vùng xa. Tuy nhiên, tín dụng đen không không chỉ có ở nông thôn, vùng sâu vùng xa, mà các khu công nghiệp, khu chế xuất hay các thành phố lớn hay các đặc khu kinh tế như Phú Quốc,
Theo vị đại tá này, các đối tượng cho vay nặng lãi cho vay rất nhanh gọn, nhưng lại gắn nhiều thủ đoạn đòi nợ, nếu không trả nợ thì chỉ bỏ nhà đi trốn nhưng trốn cũng không xong vì bị xã hội đen tìm đến người thân, bố mẹ anh chị em ruột, cơ quan...
Tín dụng đen len lỏi khắp cả nước
Các đối tượng hoạt động tín dụng đen thường núp bóng cầm đồ, kinh doanh đòi nợ thuê, các công ty tài chính cấp phép hoặc không được cấp phép, các tổ chức biến tướng huy động vốn với lãi suất rất cao, hoạt động dưới hình thức kinh doanh đa cấp, góp hội, họ, phường, dưới hình thức cho vay trực tuyến, cho vay online...
"Trong khi người đi vay không chỉ hộ nghèo, sinh viên mà cả cán bộ công chức, đối tượng chơi cờ bạc, lô đề hoặc đầu tư vào hoạt động bất hợp pháp. Lãi suất cao "cắt cổ" tính theo ngày, tuần ở mức rất cao khiến nhiều người chỉ vay vài chục triệu đồng nhưng vài tháng sau đã phải viết giấy nợ vài trăm triệu đồng, vài tỷ" – ông Phạm Văn Tám nói.
Riêng năm 2018, ông Tám cho biết, cả nước đã có 84 vụ giết người, 855 vụ cố tình gây thương tích, 105 vụ cướp tài sản và trên 1309 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến tụng đen. Đây là 1 con số đáng báo động cho diễn biến tín dụng đen hiện nay.
Ngân hàng tiếp tay cho tín dụng đen?
Lý giải nguyên nhân khiến cho tình trạng tín dụng đen ngày càng phổ biến, theo đại tá Phạm Văn Tám, các gói tín dụng vay và các thủ tục để được người dân tiếp cận hệ thống ngân hàng chưa phổ biến nhiều nên người dân tìm đến tín dụng đen.
Ông Tám nói “Nhu cầu vay vốn trong dân cư, doanh nghiệp rất lớn để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh và các nhu cầu cá nhân trong lúc khó khăn trong khi đó, các sản phẩm tài chính của các TCTD còn chưa rộng khắp, và chưa thuận tiện để tiếp cận.
Trong khi đó, các đối tượng cho vay theo hình thức tín dụng đen đã biết tận dụng lợi thế cho vay nhanh, không cần thẩm định, thủ tục đơn giản để đánh vào tâm lý của người dân”
Đại tá Phạm Văn Tám
Cũng phải nói thêm rằng, sự tha hóa về đạo đức hay những tiêu cực khi cho vay của cán bộ ngân hàng cũng là cơ hội để tín dụng đen phát triển.
“Chúng tôi là cơ quan công an khi muốn tìm hiểu thông tin của khách hàng mà ngân hàng đang quản lý rất khó khăn nếu như chúng tôi khi chưa khởi tố vụ án.
Nhưng qua triệt phá 1 số băng nhóm hoạt động tín dụng đen thì gói Data của chúng tôi cho thấy, có dấu hiệu của các ngân hàng đưa ra bên ngoài hàng dữ liệu của hàng trăm nghìn khách hàng. Như vụ công ty tài chính Nam Long, họ có dữ liệu của hàng trăm nghìn khách hàng. Theo chúng tôi, nguồn dữ liệu này cũng từ ngân hàng mà ra”, ông Tám nhấn mạnh.
Ông Tám nêu khuyến nghị, ngành ngân hàng cần nâng cao hơn nữa việc giáo dục chính trị tư tưởng, phẩm chất đạo đức đối với mỗi cán bộ nhân viên ngân hàng.
Ngoài ra, để đẩy lùi tín dụng đen, cơ quan công an cũng đề nghị ngành NH cần đơn giản thủ tục, hồ sơ vay vốn và cung cấp nhiều gói tín dụng phù hợp đối với người dân ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa và nhiều đối tượng có nhu cầu vốn phù hợp.
Liên quan đến vấn đề này, ông Phạm Toàn Vượng, phó Tổng Giám đốc Agribank nhấn mạnh, Agribank sẵn sàng đáp ứng các nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, tiêu dùng được pháp luật cho phép, nói không với tín dụng đen.
Đặc biệt, Agribank kiên quyết xử lý đối với những cán bộ trực tiếp hoặc gián tiếp, các cá nhân, bộ phận buông lỏng quản lý, không kiểm tra giám sát để tín dụng đen ảnh hưởng đến hoạt động cấp tín dụng truyền thống của Ngân hàng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.