Quyết định được đưa ra sau khi NHNN có cuộc họp với sự tham dự của nhiều cục, vụ chức năng bàn và xem xét thông qua đề xuất của các ngân hàng về phương án tái cơ cấu nợ cho Bầu Đức.
NHNN đã đồng ý cho hơn 10 ngân hàng là chủ nợ của Bầu Đức và HAGL được phép cơ cấu lại, giữ nguyên nhóm nợ một số khoản vay để doanh nghiệp này đủ điều kiện vay tiếp, có dòng tiền hoạt động để có cơ hội trả nợ cho các ngân hàng. Điều đó cũng đồng nghĩa, thời gian tới HAGL sẽ được cứu.
Trước đó, các ngân hàng chủ nợ của HAGL đã “nhóm họp” tại Hà Nội với sự chủ trì của BIDV và thống nhất trình NHNN xin tái cơ cấu một số khoản nợ. Các ngân hàng thương mại (NHTM) đã xin cho HAGL được giữ nguyên nhóm nợ; miễn giảm lãi một số khoản nợ. Điều này đã được một số ngân hàng chủ động làm trước đó.
Theo nhận định của các ngân hàng, khó khăn của HAGL do nhiều yếu tố biến động của thị trường, tài sản đảm bảo vẫn còn nên các ngân hàng đã đồng thuận kéo dài thời gian trả lãi và gốc cho phù hợp hơn với công ty.
Tại thời điểm 31.3.2016, nợ phải trả của HAGL đã lên tới 34.099 tỷ đồng, tăng 1.137 tỷ đồng so với thời điểm cuối năm 2015. Trong đó, nợ ngắn hạn là 14.563 tỷ đồng, tăng 1.350 tỷ đồng.
Thuyết minh báo cáo tài chính HAGL cho thấy, đến cuối quý I, các khoản vay ngắn hạn và dài hạn của Bầu Đức ở mức 28.107 tỷ đồng, tăng 1.008 tỷ đồng so với 3 tháng trước đó. Trong đó, vay ngắn hạn và vay dài hạn đến hạn trả là 9.621 tỷ đồng, tăng hơn 1.300 tỷ đồng.
Chủ nợ lớn nhất của Bầu Đức là BIDV với khoản nợ 10.664 tỷ đồng, HDBank là 2.236 tỷ đồng, Eximbank là 3.955 tỷ đồng, VPBank là 2.800 tỷ đồng, Ngân hàng liên doanh Việt Lào là 2.253 tỷ đồng, Sacombank là 1.658 tỷ đồng…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.