Trong số các ngân hàng “nông thôn” ngày xưa, nay chỉ có 3 ngân hàng là ABBank, SHB, KienLongBank vẫn hoạt động theo định hướng, hình thức pháp lý ban đầu, số còn lại đều phải tái cơ cấu mạnh mẽ hoặc biến mất khỏi thị trường.
Ngân hàng "nông thôn" - ai còn ai mất? (Ảnh: IT)
“Thay áo mới” và cuộc “đại phẫu” các nhà băng
Trong số các ngân hàng đầu tiên rũ bỏ chiếc áo “nhà quê”, phải kể đến Ngân hàng Nông thôn Hải Hưng (Hải Dương), được cấp giấy phép thành lập ngày 30.12.1993 với vốn điều lệ là 17,2 tỷ đồng. Đây cũng là nhà băng đầu tiên chuyển đổi tên gọi từ Ngân hàng Nông thôn Hải Hưng sang tên mới là Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank). Tiếp sau đó, những ngân hàng “nông thôn” khác cũng nối tiếp bỏ cái tên “quê mùa” để gắn mác "đô thị".
Chẳng hạn, Ngân hàng TMCP Nông thôn Đồng Tháp Mười đổi tên thành Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank); Ngân hàng TMCP Nông thôn Ninh Bình đổi thành Ngân hàng TMCP Toàn Cầu (GPBank); Ngân hàng TMCP nông thôn Rạch Kiến chuyển thành Ngân hàng TMCP Đại Tín (TrustBank); Ngân hàng TMCP Nông thôn Nhơn Ái chuyển tên thành Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB), Ngân hàng TMCP Nông thôn Sông Kiên đổi thành Ngân hàng TMCP Nam Việt (Navibank), Ngân hàng Cờ Đỏ đổi tên thành Ngân hàng Cổ phần Miền Tây (Western Bank)...
Tuy nhiên, sau khi đổi tên và cũng có khoảng thời gian “huy hoàng”, đến thời điểm hiện tại chỉ còn ABBank, SHB và KienLongBank hoạt động theo hình thức pháp lý ban đầu. Đa số các ngân hàng đều phải cơ cấu, sát nhập lại với nhau. Trong đó, các ngân hàng như PGBank, MekongBank, WesternBank... phải hợp nhất, sáp nhập với ngân hàng khác để tồn tại. Navibank đã được tái cơ cấu và đổi chủ thành Ngân hàng Quốc dân (NCB). Riêng 3 ngân hàng OceanBank, GPBank, VNCB (được đổi tên từ TrustBank sau khi Tập đoàn Thiên Thanh mua lại) bị NHNN mua lại toàn bộ cổ phần với giá... 0 đồng.
Nhìn chung, sau cuộc “đại phẫu”, nhiều cái tên đã biến mất, song cũng còn nhiều ngân hàng đang trong giai đoạn khó khăn, chật vật hoặc đang phải chờ tiếp tục được tái cơ cấu như trường hợp của WesternBank. Theo ghi nhận, sau khi sáp nhập với Tổng Công ty Tài chính cổ phần Dầu khí Việt Nam (PVFC), ngân hàng này tiếp tục được đổi tên thành PVcomBank với tổng tài sản đạt gần 100 nghìn tỷ đồng, vốn điều lệ 9 nghìn tỷ đồng, cổ đông lớn là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN, chiếm 52%) và cổ đông chiến lược Morgan Stanley (6,7%).
Song mới đây, PVcomBank lại tiếp tục thực hiện tái cơ cấu giai đoạn 2016 - 2020 sau khi được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp nhận đại diện chủ sở hữu phần vốn của PVN tại PVcomBank sau khi hoàn thành Đề án tái cơ cấu PVcomBank.
KienlongBank mới lên sàn cuối tháng 6.2017 nhưng giá cổ phiếu khá... chật vật (Ảnh: IT)
“Chật vật” lên... sàn
Thực tế, các ngân hàng “nông thôn” ngày ấy, cho đến bây giờ dù đã thoát khỏi khó khăn, nhưng theo yêu cầu bắt buộc là phải lần lượt niêm yết trên sàn chứng khoán để công khai, minh bạch thông tin cũng như thu hút dòng vốn để phát triển. Tuy nhiên, việc để được niêm yết trên sàn chứng khoán, dù là UPCoM cũng khiến nhiều nhà băng có gốc gác “nông thôn” phải... chật vật.
Theo ghi nhận, thời điểm hiện tại chỉ có SHB là có “tuổi đời” khá lớn được niêm yết trên sàn chứng khoán. Tuy vậy,hiện tại cổ phiếu SHB vẫn đang... chật vật ở mức dưới... mệnh giá. Kết thúc phiên giao dịch chiều 27.7, cổ phiếu SHB có giá trị 8.000 đồng/CP.
Ngoài SHB, mới đây KienlongBank (mã KLB) cũng chính thức chào sàn UPCoM với giá tham chiếu 10.000 đồng/CP. Tuy nhiên, ở phiên giao dịch thứ 2, KLB đã tăng lên mức giá 12.000 đồng/CP rồi nhanh chóng giảm giá. Thời điểm hiện tại sau gần 1 tháng lên sàn thì KLB đã quay về mức giá 10.200 đồng/CP.
Riêng với Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB, mã: NVB), tiền thân là Ngân hàng TMCP Nam Việt (Navibank) thì lại là cả một câu chuyện dài. Năm 2010, 100 triệu cổ phiếu Navibank chính thức niêm yết trên HNX với giá 11.900 đồng/CP. Tuy nhiên, giá cổ phiếu liên tục xuống thấp. Sau quá trình vật lộn tái cơ cấu, cổ phiếu NVB vẫn không thoát khỏi cảnh giá rẻ và mỗi năm thiết lập một... đáy mới.
Cụ thể, năm 2016, mức giá 5.200 đồng/CP được coi là thấp nhất kể từ khi Navibank niêm yết. Bước sang 5 tháng đầu năm 2017, thị giá cổ phiếu NVB lại chạm đáy về mức chỉ hơn 4.000 đồng/CP, sau đó có giai đoạn nhích nhẹ nhưng vẫn lình xình dưới mốc 5.000 đồng/CP. Cho đến đầu tháng 6.2017, giá NVB tăng dần lên mốc 7.000/CP rồi vượt mốc 10.000 đồng/CP vào phiên giao dịch 19.6. Tuy nhiên, sau đó NVB nhanh chóng đảo chiều đi xuống và chỉ còn 8.000 đồng/CP tính theo chốt phiên ngày 27.7.
Được biết trong những năm qua, NCB vẫn đang nỗ lực tự tái cơ cấu, song kết quả vẫn còn ở mức khiêm tốn. Năm 2016, NCB đạt 13 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, 10,8 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Bước sang năm 2017, NCB đặt kế hoạch đạt 42 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế...
Một loạt ngân hàng có gốc “nông thôn” còn lại như ABBank, OceanBank... thì kế hoạch lên sàn vẫn còn khá mờ mịt.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.