Kết thúc phiên giao dịch ngày 24.5, đồng loạt các mã cổ phiếu “vua” trên sàn chứng khoán đã tăng điểm, góp phần mang lại sắc xanh cho toàn thị trường.
Cổ phiếu “vua” sẽ trở lại... sàn diễn
Cụ thể, đáng chú ý nhất trên toàn thị trường là mã cổ phiếu BID của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). Hiện BID đã có 5 phiên tăng liên tiếp (gồm 1 phiên tăng trần), từ mức giá 16.700 đồng/CP lên tới 19.250 đồng/CP. Nguyên nhân khiến cổ phiếu BID tăng mạnh thời gian gần đây có thể đến từ việc ngân hàng này dự kiến tăng vốn điều lệ năm 2017 lên 38.632 tỷ đồng, cùng với kết quả kinh doanh khá ấn tượng trong quý 1.2017 khi BIDV ghi nhận 2.277 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 9,6% so với cùng kỳ. Sau thuế, lợi nhuận của BIDV còn 1.848 tỷ đồng.
Cổ phiếu "vua" sẽ trở lại? (Ảnh: Quốc Hải)
Ngoài ra, vài phiên gần đây cổ phiếu BID cũng được khối ngoại mua ròng khá nhiều. Kết thúc phiên giao dịch ngày 24.4, BID là mã được khối ngoại mua nhiều thứ 3 trên thị trường với 18,71 tỷ đồng, chỉ sau HBC (34,34 tỷ đồng) và VNM (23,62 tỷ đồng).
Cũng chú ý không kém là mã CTG của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank). Trong 5 phiên liên tiếp gần đây, cổ phiếu CTG chỉ có 1 phiên giảm giá, còn lại đều tăng khá mạnh. Từ mức giá 17.750 đồng/CP lên mức 19.250 đồng/CP. Đây cũng là nhà băng ghi nhận kết quả kinh doanh ấn tượng khi kết thúc quý I.2017, đạt 2.544 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 5,8% so với cùng kỳ. Sau thuế, lợi nhuận CTG còn 2.039 tỷ đồng.
Hàng loạt các mã cổ phiếu “vua” khác cũng tăng mạnh. Chẳng hạn, cổ phiếu ACB của Ngân hàng TMCP Á Châu trong 7 phiên liên tiếp gần đây thì có tới 6 phiên tăng giá. Từ mức giá dao động quanh vùng 23.000 đồng/CP, thời điểm hiện tại cổ phiếu ACB đã tăng tới 25.200 đồng/CP.
Cổ phiếu VCB của Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) trong 6 phiên liên tiếp gần đây cũng có tới 5 phiên tăng giá, từ mức giá 36.050 đồng/CP lên mức giá 37.750 đồng/CP thời điểm hiện tại.
Các mã cổ phiếu “vua” còn lại cũng tăng nhẹ. Chẳng hạn, mã EIB của Eximbank tăng từ vùng giá 11.000 đồng/CP lên 11.450 đồng/CP; hoặc mã STB của Sacombank cũng tăng từ 12.200 đồng/CP lên 12.550 đồng/CP...
“Mở lối” cho cổ phiếu vua?
Đánh giá về sự "hưng phấn" trở lại của hàng loạt các mã cổ phiếu “vua” trong thời gian gần đây, theo các chuyên gia kinh tế và chứng khoán thì ngoài việc các ngân hàng đều có kết quả kinh doanh trong quý 1 khá ấn tượng, tỷ lệ nợ xấu giảm mạnh so với thời điểm 2016... thì nguyên nhân chính vẫn là các ngân hàng đang chủ động thu hút tăng vốn điều lệ để đáp ứng chuẩn Basel II đã gần kề.
Cụ thể, với việc tăng vốn điều lệ, VCB đang là ngân hàng dẫn đều hệ thống các tổ chức tín dụng với kế hoạch tăng vốn lên tới 39.576 tỷ đồng. Kế đến là BIDV với kế hoạch tăng vốn lên 38.632 tỷ đồng và Vietinbank xếp thứ 3 với 37.234 tỷ đồng. Hàng loạt các ngân hàng khác cũng dự kiến tăng vốn điều lệ trong năm 2017 như: Sacombank là 18.580 tỷ đồng; MB là 18.127 tỷ đồng; ACB 10.363 tỷ đồng; Techcombank 14.059 tỷ đồng; VIB 8.185 tỷ đồng; OCB 5.000 tỷ đồng...
Đặc biệt, những chính sách mới để giải quyết xử lý nợ xấu, đấu giá nợ xấu đang được Quốc hội khóa XIV - kỳ họp thứ 3, thảo luận mới chính là những thông tin hỗ trợ thị trường tích cực nhất.
Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán TP.HCM, phần lớn nợ xấu trong suốt giai đoạn trước đây (2013-2016) của hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) được xử lý bằng phương pháp kỹ thuật (bán nợ cho VAMC) và sau đó là các ngân hàng trích lập Dự phòng rủi ro cho khoản trái phiếu đặc biệt này với thời gian tối đa 5 năm ( hoặc tối đa 7-10 năm đối với TCTD yếu kém, gặp khó khăn khi tham gia quá trình tái cơ cấu nợ xấu). Tỷ lệ thu hồi nợ của VAMC trong khi đó lại ở mức rất thấp (khoảng 15% vào cuối năm 2016), mà nguyên nhân quan trọng là do các vướng mắc hành lang pháp lý cho việc xử lý tài sản đảm bảo cũng như thiếu thị trường mua bán nợ.
“Nghị định 61/2017/NĐ-CP, trong đó quy định chi tiết việc thẩm định giá khởi điểm của khoản nợ xấu, tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu và việc thành lập hội đồng đấu giá nợ xấu, tài sản đặc biệt của khoản nợ xấu và khoản nợ xấu có giá trị lớn; cùng với dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu sẽ góp phần quan trọng trong việc tháo gỡ các vướng mắc mà các TCTD, kể cả VAMC gặp phải thời gian qua sẽ là nút thắt quan trọng giúp khơi thông các ‘cục máu đông’ nợ xấu không dễ giải quyết hiện nay tại các ngân hàng”, đại diện công ty này bình luận.
“Cơ chế mới đang thảo luận cho phép các TCTD phân bổ lãi dự thu đã ghi nhận của các khoản nợ xấu và tài sản tồn đọng chưa thoái theo quy định, với thời hạn tối đa là 10 năm. Cơ chế này chủ yếu hỗ trợ cho các ngân hàng yếu kém, nhóm ngân hàng sáp nhập với ngân hàng yếu kém gây phát sinh khoản lãi dự thu lớn mà việc thoái lãi một lần có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả kinh doanh trong năm của các ngân hàng này...”, đại diện Công ty Chứng khoán Rồng Việt, bình luận.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.