Trong bối cảnh nhu cầu dịch vụ giáo dục, đào tạo của xã hội ngày càng tăng cả về số lượng và chất lượng, ngân sách Nhà nước không thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu đầu tư cơ sở vật chất, trang bị thiết bị, đồ dùng phục vụ dạy và học; thiết bị phục vụ nghiên cứu khoa học... nên rất cần sự chung tay góp sức của cả xã hội.
Tuy nhiên, trong hoạt động khuyến khích tài trợ cho các cơ sở giáo dục, bản thân còn nhiều hạn chế, cơ sở giáo dục chưa có kế hoạch vận động tài trợ, xây dựng quy trình tiếp nhận, quản lý, sử dụng tài trợ một cách công khai minh bạch.
Hiện tại cũng chưa có cơ chế kiểm soát cụ thể dẫn đến một số đơn vị còn tình trạng lạm dụng hoạt động tài trợ để thu tiền của phụ huynh dưới dạng áp đặt, cào bằng, không công khai minh bạch gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) ban hành Thông tư số 16/2018/TT-BGDĐT thay thế Thông tư số 29/2018/TT-BGDĐT để khắc phục những bất cập trên nhằm hoạt động tài trợ đảm bảo đúng mục tiêu, ý nghĩa và việc quản lý, sử dụng nguồn lực tài trợ có hiệu quả.
Nhiều khoản thu - chi không minh bạch gây hoang mang cho phụ huynh. (Ảnh minh họa: IT)
Trong đó, đáng lưu ý là việc các cơ sở giáo dục phải xây dựng kế hoạch vận động tài trợ trình Sở GDĐT hoặc Phòng GDĐT phê duyệt trước khi thực hiện. Nếu phát hiện kế hoạch tài trợ không đúng quy định, phải yêu cầu dừng ngay việc vận động tài trợ.
Theo thông tư mới, Ban đại diện cha mẹ học sinh chỉ đóng vai trò phối hợp, giám sát việc quản lý và sử dụng tài trợ của cơ sở giáo dục. Ban đại diện cha mẹ không trực tiếp đứng ra tiếp nhận, quản lý và sử dụng các khoản tài trợ.
Theo ông Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội khóa XIV, Hiệu phó Trường Đại học Kinh tế quốc dân, việc quy định chặt chẽ thu - chi về tài trợ trong cơ sở giáo dục sẽ tránh được lạm thu.
"Theo tôi đánh giá, thông tư 16 nếu triển khai tốt sẽ đưa hoạt động tài trợ trong các cơ sở giáo dục vào khuôn khổ, nề nếp, qua đó góp phần hạn chế, ngăn chặn lạm thu. Việc đưa ra các quy định chặt chẽ như vậy sẽ dễ dàng quy trách nhiệm nếu phát hiện có sai phạm. Một trong những điểm theo tôi là sẽ tránh được khó xử cho các cô giáo khi Thông tư quy định: việc tiếp nhận tài trợ thực hiện thông qua Tổ tiếp nhận. Tổ này gồm một số đại diện của các tổ chức, cá nhân ngoài nhà trường để đảm bảo tính công khai, minh bạch trong hoạt động tài chính.
Các tổ chức, cá nhân khác như Ban đại diện cha mẹ học sinh, Hội học sinh, sinh viên… không được quản lý và sử dụng các khoản tài trợ cho cơ sở giáo dục. Như vậy sẽ tránh được tình trạng Ban đại diện phụ huynh thông đồng với nhà trường lạm thu của các phụ huynh khác và chi sai mục đích", ông Cường chia sẻ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.