Ngang nhiên vi phạm hoạt động thương mại điện tử: Đắk Lắk nộp tiền tỉ vào ngân sách

Vũ Khoa Thứ ba, ngày 25/06/2024 09:59 AM (GMT+7)
Báo cáo của Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk cho thấy trong 6 tháng có 73 vụ việc vi phạm trong hoạt động thương mại điện tử với tổng số tiền xử phạt hơn 1,8 tỷ, trong đó, thu nộp ngân sách nhà nước hơn 1,3 tỷ đồng và chủ yếu giả mạo thương hiệu, hàng hoá không rõ nguồn gốc.
Bình luận 0

Trong vòng 6 tháng đầu năm 2024, lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk đã kiểm tra, xử lý 73 vụ việc vi phạm trong hoạt động thương mại điện tử. Tổng số tiền xử phạt là hơn 1,8 tỷ, trong đó, thu nộp ngân sách nhà nước hơn 1,3 tỷ đồng và tịch thu, buộc tiêu hủy tang vật vi phạm trị giá hơn 500 triệu đồng.

Báo cáo của Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk cho thấy các hành vi vi phạm chủ yếu như giả mạo nhãn hiệu, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Không đăng ký thành lập hộ kinh doanh và không thông báo website thương mại điện tử bán hàng với cơ quan quản lý nhà nước..

Ngang nhiên vi phạm hoạt động thương mại điện tử: Đắk Lắk nộp tiền tỉ vào ngân sách- Ảnh 1.

Lực lượng Quản lý thị trường Đắk Lắk tăng cường truy vết, phát hiện vi phạm ngay tại nơi tập trung hàng hoá. Ảnh: Khương Duy.

Kết quả công tác cho thấy, hàng mỹ phẩm vẫn là một trong những nhóm có tỉ lệ vi phạm cao nhất. Trong đó, những vụ việc đáng chú ý đều được Tổng công tác Thương mại điện tử thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh, phối hợp với các Đội địa bàn triển khai, thực hiện. 

Ví dụ như tháng 5/2024, qua công tác giám sát, nắm bắt tình hình hoạt động của các cá nhân có kinh doanh trên mạng xã hội Facebook, Tổ công tác Thương mại điện tử phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 1 (cùng thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk) tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh của ông L.Đ.H tại phường Tân Lập, thành phố Buôn Ma Thuột.

Kết quả kiểm tra cho thấy cơ sở bày bán 527 sản phẩm mỹ phẩm các loại không rõ nguồn gốc xuất xứ. Không dừng lại đó, Đoàn kiểm tra còn phát hiện ông L.Đ.H hoạt động kinh doanh tại nhiều địa điểm nhưng không thông báo cho cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan thuế, cơ quan quản lý thị trường.

Cùng thời điểm, lực lượng Quản lý thị trường phát hiện cơ sở của bà H.T.T.H đang bày bán 50 cây son môi các loại với tổng trị giá 30,8 triệu đồng. Những sản phẩm này in tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam, không thể hiện nội dung về nguồn gốc xuất xứ, không hóa đơn, chứng từ nào chứng minh tính hợp pháp.

Ngang nhiên vi phạm hoạt động thương mại điện tử: Đắk Lắk nộp tiền tỉ vào ngân sách- Ảnh 2.

Đội Quản lý thị trường số 1 kiểm tra hàng hoá tại cơ sở vi phạm.

Tháng 3/2024, qua công tác giám sát, nắm bắt tình hình hoạt động của các cá nhân có kinh doanh trên nền tảng mạng xã hội Facebook, Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk tiến hành kiểm tra một cơ sở kinh doanh có địa chỉ tại phường Tân Thành, thành phố Buôn Ma Thuột.

Tại thời điểm làm việc, Đoàn công tác phát hiện tại cơ sở kinh doanh này có 9 nhân viên đang tiếp thị các mặt hàng mỹ phẩm tới khách hàng thông qua điện thoại. Kiểm tra thực tế, lực lượng chức năng xác định hàng trăm hộp mỹ phẩm loại kem bôi ngoài da chống nắng, và 500 hộp mỹ phẩm là kem dưỡng da không rõ nguồn gốc xuất xứ. Do đó, cơ sở bị xử lý vi phạm hành chính 17 triệu đồng đối với chủ cơ sở kinh doanh nêu trên đống thời buộc tiêu hủy toàn bộ số hàng hóa vi phạm theo quy định.

Hồi đầu năm, một vụ việc tương tự cũng được phát hiện tại cơ sở kinh doanh có địa chỉ tại phường Ea Tam, thành phố Buôn Ma Thuột. Tại thời điểm làm việc, Đoàn kiểm tra thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk phát hiện ông T.N.Đ đang bày bán 1.318 sản phẩm mỹ phẩm bao gồm kem trắng da, dưỡng ẩm da… trên nhãn hàng hóa không thể hiện nội dung về nguồn gốc, xuất xứ; chủ cơ sở không xuất trình được bất kỳ hoá đơn hoặc chứng từ nào chứng minh tính hợp pháp của hàng hoá, trị giá tang vật vi phạm là 27,9 triệu đồng. Ông T.N.Đ khai nhận mua hàng hóa trôi nổi trên thị trường về bán kiếm lời thông qua mạng xã hội Facebook.

Lãnh đạo Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk khẳng định, mặc dù các đối tượng vi phạm với nhiều hình thức tinh vi, áp dụng công nghệ cao nhằm che dấu hành vi. Tuy nhiên, với tinh thần chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Cục, các Đội Quản lý thị trường đã theo dõi sát sao, tiến hành truy vết, tổ chức kiểm tra, đấu tranh tới cùng với các cá nhân, tổ chức lơi dụng nền tảng điện tử để trục lợi bất chính… nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên không gian mạng.

Trong thời gian tới, thông qua công tác quản lý địa bàn và các hình thức truyền thông khác, Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về thương mại tới các cơ sở kinh doanh, đồng thời chủ động tiếp nhận, tích cực xử lý các thông tin từ người dân phản ánh, tố giác vi phạm trong hoạt động thương mại điện tử.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem