Ngành chức năng “chẻ mình”để kiểm tra sản phẩm nhiễm DEHP

Thứ sáu, ngày 24/06/2011 08:13 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Gần 40 loại thực phẩm có chất DEHP bị thu hồi trong 1 tháng vừa qua khiến nhiều người dân lo lắng về nguy cơ an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP). Nhưng theo ông Nguyễn Công Khẩn- Cục trưởng Cục VSATTP, hiểu nguy cơ nhưng không nên “đổ thêm dầu vào lửa”.
Bình luận 0

Đối với các sản phẩm nhiễm chất tạo đục DEHP, sau khi yêu cầu các công ty thu hồi, sẽ được xử lý như thế nào?

img

Việc phát hiện sản phẩm nhiễm độc ở Việt Nam còn rất nhiều khó khăn (Ảnh minh họa).

- Cục làm đúng chức năng quản lý nhà nước, thực hiện trách nhiệm tương tác với các doanh nghiệp. Vì thế, chúng tôi không “ôm” việc xử lý các sản phẩm nhiễm DEHP mà yêu cầu các công ty, sau khi thu hồi phải báo cáo với Sở Y tế, Sở Tài nguyên Môi trường về các phương thức tiêu huỷ sản phẩm, sao cho an toàn và thân thiện với môi trường. Nếu công ty nào làm việc chưa nghiêm thì chúng tôi sẽ tiếp tục có những kiến nghị với các cơ quan chức năng để giải quyết tiếp.

img Báo chí nên hiểu được về “truyền thông nguy cơ” trước những tai nạn, dịch bệnh hay vấn đề mất VSATTP nào. Nếu trước những thông tin về sản phẩm cần thu hồi chỉ vì sản phẩm đó có chất “vượt quá tiêu chuẩn cho phép” mà đã “thồi bùng” lên thành bệnh tật, chết chóc, nguy hiểm thì sẽ gây hoang mang trong dư luận. img

Sau hàng loạt vụ việc về sữa nhiễm Melamin, nước ngọt, thạch có chất tạo đục, ông đánh giá như thế nào khi Việt Nam luôn bị động “chạy theo” thông tin của nước bạn?

- Việt Nam ngày càng hội nhập kinh tế sâu với thế giới và khu vực. Hội nhập WTO đặt ra tất yếu các giao lưu thương mại, trong đó có thực phẩm. Khi nhập khẩu các sản phẩm tốt thì chúng ta cũng không thể tránh được những sản phẩm độc hại.

Chúng ta vẫn thiếu “công cụ” để xác định sản phẩm nào có hại, hàm lượng chất nào bao nhiêu thì không nguy hiểm, nên đối với các sản phẩm nhập khẩu, vẫn chỉ có thể “chạy theo” cảnh báo của bạn. Cục đang xây dựng một Đề án cảnh báo nhanh để trình Bộ Y tế nhằm xây dựng một “bộ công cụ” về tiêu chuẩn ATVSTP.

Nhưng để hoàn thiện, chúng ta có thể mất 10 năm, hoặc lâu hơn khi phải xây dựng một bộ số liệu từ dưới lên, vô cùng tỉ mỉ và phức tạp. Tuy nhiên, đó cũng không phải là “cây đũa thần” để “hô biến” tất cả các sản phẩm mất VSATTP nhưng sẽ giúp chúng ta chủ động hơn, hạn chế sản phẩm độc hại hơn.

Những sản phẩm nhiễm DEHP có phải là lời cảnh báo về nguy cơ mất VSATTP?

- Chúng ta nên hiểu đúng vấn đề để truyền thông chính xác. Các vụ việc nhiễm DEHP chỉ là những hạt bụi nhỏ trong hàng trăm ngàn các vấn đề mất VSATTP như hiện nay. Bước ra ngoài, người tiêu dùng có thể gặp vô số các thực phẩm bẩn, mất vệ sinh, thiếu an toàn, thậm chí gây ngộ độc, gây tử vong ngay lập tức. Cục VSATTP đang gồng mình, đang “chẻ mình” ra để kiểm tra và cảnh báo. Nhưng nếu người dân vẫn giữ thói quen ăn bẩn, sản xuất gian lận, mất VSATTP thì Cục có như Phật bà nghìn tay nghìn mắt cũng không kiểm soát hết được. Nói thế không phải đá quả bóng trách nhiệm đi loanh quanh mà tôi chỉ mong mọi người cùng chung sức, nâng cao ý thức để bảo vệ mình, người thân của mình và cộng đồng.

Người dân cần làm gì để bảo vệ mình trước nhiều thông tin mất VSATTP?

- Chúng ta vừa là người tiêu dùng, đồng thời cũng là người sản xuất trực tiếp hoặc gián tiếp. Khi làm người tiêu dùng thì hạn chế ăn uống mất vệ sinh, tuỳ tiện. Khi là người sản xuất thì tránh nói điêu, làm dối, làm bẩn bằng các thực phẩm đầu vào ôi thiu, độc hại. Người tiêu dùng cũng phải hiểu biết về hàng hoá, mua sản phẩm có nhãn mác, lắng nghe các khuyến cáo của nhà chức trách về các đe doạ ATVSTP, có kỹ năng để phân biệt, đâu là tin vịt, đâu là tin thổi phồng, đâu là tin xác thực. Xã hội càng phát triển, càng hội nhập thì các cảnh báo sẽ ngày càng nhiều và khó lường.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem