Ngành dâu tằm tơ Việt Nam-ngành triệu đô, nhưng "đau đầu" nhất là chuyện này

Văn Long Thứ năm, ngày 07/12/2023 15:14 PM (GMT+7)
Mặc dù đang phát triển rất mạnh, xuất khẩu đạt tốp 5 thế giới nhưng ngành dâu tằm tơ Việt Nam vẫn đang có một tồn tại, khó khăn "đau đầu" rất lớn, đó là vấn đề con giống.
Bình luận 0

Xuất khẩu tơ tằm thuộc tốp 5 thế giới

Nghề trồng dâu nuôi tằm tại Việt Nam đã có từ lâu đời và trở thành nghề truyền thống tại nước ta. Trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ là nghề đã gắn bó với bao thế hệ nông dân và trở thành một nét văn hóa trong đời sống người dân Việt Nam. Sau nhiều thời gian thăng trầm, sản lượng tơ tằm của Việt Nam vẫn đứng trong top 5 thế giới, chỉ sau Trung Quốc, Ấn Độ, Uzbekistan và Thái Lan.

Con giống - nỗi “đau đầu” của ngành dâu tằm tơ  - Ảnh 1.

Nông dân TP.Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) trao đổi kinh nghiệm về nuôi tằm, ươm tơ... Ảnh: V.L

"Việc nhập khẩu trứng giống tằm từ Trung Quốc vào theo đường chính ngạch vẫn chưa thể thực hiện được vì trình tự thủ tục kiểm dịch thông quan trứng giống tằm theo quy trình chung, giống với các loại sản phẩm động vật khác nên thời gian làm thủ tục kéo dài".

Bà Nguyễn Thị Phương Lan – Giám đốc Công ty TNHH Minh Quang Lâm (Lâm Đồng)

Tại hội nghị "Phát triển bền vững ngành dâu tằm tơ Việt Nam" do Bộ NNPTNT phối hợp UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức mới đây, ông Tống Xuân Chinh – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, hiện nay cả nước có 32 tỉnh có nghề trồng dâu nuôi tằm với diện tích khoảng 13.200ha dâu, riêng vùng Tây Nguyên chiếm đến 77%. Trong đó, diện tích dâu tằm năm 2022 tăng 58,22% so với năm 2018; giai đoạn 2019 - 2022 diện tích trồng dâu nuôi tằm đều tăng qua các năm. Tăng trưởng bình quân giai đoạn 2018-2022 là 12,15%.

Theo Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng, năm 2023, diện tích trồng dâu tằm của tỉnh này đạt khoảng 9.800ha, sản lượng lá dâu ước đạt 247.000 tấn, sản lượng kén đạt khoảng 16.000 tấn. Toàn tỉnh Lâm Đồng hiện có khoảng 16.000 hộ nông dân trồng dâu, nuôi tằm, có 5 làng nghề trồng dâu nuôi tằm và 45 tổ hợp tác, 12 HTX trồng dâu, nuôi tằm.

Với nhu cầu trứng tằm lưỡng hệ khoảng 350.000 - 400.000 hộp/năm (giá trị khoảng 100 tỷ đồng), toàn bộ được nhập khẩu từ Trung Quốc bằng con đường tiểu ngạch, không qua kiểm dịch, chất lượng trứng giống tằm không ổn định (phần lớn nhập từ tỉnh Quảng Tây và một số ít nhập từ tỉnh Quảng Đông).

Con giống - nỗi “đau đầu” của ngành dâu tằm tơ  - Ảnh 3.

Một cơ sở nuôi tằm ở huyện Lâm Hà, Lâm Đồng. Ảnh: V.L

Toàn tỉnh hiện có khoảng 4 tổ chức, cá nhân nhập khẩu trứng giống tằm từ Trung Quốc và khoảng 200 cơ sở nuôi tằm con tập trung (chủ yếu trên địa bàn huyện Lâm Hà và TP.Bảo Lộc của tỉnh Lâm Đồng) thực hiện cung ứng giống tằm con cho người chăn nuôi.

Lãnh đạo ngành nông nghiệp Lâm Đồng cũng cho biết, toàn tỉnh hiện có khoảng 32 cơ sở ươm tơ, công nghệ sản xuất chế biến tơ lụa đã được đầu tư cơ bản, dây chuyền sản xuất hiện đại, công suất cao với trên 100 dãy ươm tơ tự động, 400 mối/dãy, chất lượng tơ đã được nâng lên đáp ứng yêu cầu chất lượng thị trường nội tỉnh và xuất khẩu.

Tuy nhiên, công nghiệp dệt sản xuất trên 5 triệu mét lụa mộc/năm, công nghiệp may từ lụa tơ tằm mới được đầu tư quy mô còn nhỏ, máy móc chưa đồng bộ, có năng lực may khoảng 200.000 sản phẩm/năm. Ngành công nghiệp chế biến sản phẩm tơ, lụa hàng năm giải quyết việc làm cho khoảng trên 2.000 lao động (bình quân 60-80 lao động/cơ sở).

Con giống - nỗi “đau đầu” của ngành dâu tằm tơ  - Ảnh 4.

Thu hái lá dâu nuôi tằm tại xã Diễn Kim (huyện Diễn Châu, Nghệ An). Ảnh: Xuân Hoàng

Giải quyết vấn đề con giống

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NNPTNT - Phùng Đức Tiến nhận định, ngành dâu tằm tơ của Việt Nam đang có tồn tại lớn nhất là vấn đề con giống. Vấn đề này đã đưa ra bàn bạc nhiều năm qua và cần được tháo gỡ. Chính vì vậy, các đơn vị thuộc bộ, các địa phương cần xây dựng đề án chiến lược phát triển ngành dâu tằm tơ, đồng thời nghiên cứu, phát triển giống.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng yêu cầu các đơn vị trong ngành dâu tằm tơ phải tăng cường công tác quản lý khoa học công nghệ, quá trình sản xuất phải đảm bảo yếu tố chất lượng cũng như giá thành.

Nói về vấn đề con giống tằm, bà Nguyễn Thị Phương Lan – Giám đốc Công ty TNHH Minh Quang Lâm (TP.Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng) cho biết, từ năm 2017, lãnh đạo công ty này đã cùng Hiệp hội Dâu tằm tơ Việt Nam và Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng sang tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) khảo sát, tham quan trực tiếp các cơ sở sản xuất trứng giống tằm. Đến năm 2018, họ cử 2 đoàn đến Lâm Đồng để kiểm tra, đánh giá và xem xét trứng giống tằm của họ có phù hợp với điều kiện của Lâm Đồng hay không và có thể tiến tới hợp đồng sản xuất cung ứng trứng tằm lưỡng hệ cho Lâm Đồng.

Bà Lan cho hay, đến nay, việc nhập khẩu trứng giống tằm từ Trung Quốc vào theo đường chính ngạch vẫn chưa thể thực hiện được vì trình tự thủ tục kiểm dịch thông quan trứng giống tằm theo quy trình chung, giống với các loại sản phẩm động vật khác nên thời gian làm thủ tục kéo dài. Trong khi đó, quy trình kỹ thuật bảo quản trứng giống tằm chỉ cho phép thời gian từ khi trứng bắt đầu xuất khỏi kho lạnh ở bên Trung Quốc về đến các tỉnh của Việt Nam trong vòng 5-7 ngày là nở nên ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng tằm con.

"Đặc biệt, trong thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 thì việc nhập khẩu trứng giống tằm qua con đường tiểu ngạch lại gặp nhiều khó khăn hơn, nhiều đợt trứng nhập về trứng không nở, gây thiệt hại cho các công ty cung ứng trứng giống tằm mà không được nhà nước hỗ trợ. Nhưng thiệt hại lớn nhất là gần 35.000 hộ trồng dâu nuôi tằm trên toàn quốc bị ảnh hưởng" - bà Nguyễn Thị Phương Lan cho biết.

Hiện nay, về giống tằm, nước ta có hai loại chính là tằm dâu và tằm thầu dầu lá sắn. Giống tằm dâu được sử dụng chủ yếu trên diện rộng, gồm giống đa hệ kén vàng và giống lưỡng hệ kén trắng. Tuy nhiên, trứng tằm lưỡng hệ kén trắng Việt Nam mới đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu, 90% trứng tằm lưỡng hệ (kén trắng) đang nhập từ Trung Quốc qua đường tiểu ngạch.

Ông Lê Hồng Vân – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu dâu tằm tơ Trung ương cho biết, từ 2019 đến nay, Chương trình Nông nghiệp quốc tế Hàn Quốc (KOPIA) đã hỗ trợ Việt Nam nâng cấp chất lượng giống tằm và đã chọn tạo được cặp lai tứ nguyên Việt Hàn VH2020 có chất lượng tơ kén tương đương giống Trung Quốc. Cặp lai tằm lưỡng hệ tứ nguyên VH2020 kết hợp giữa sức sống tằm tốt và chất lượng tơ kén cao của các giống nguyên có nguồn gốc từ Việt Nam, Trung Quốc và Hàn Quốc.

Sự kết hợp của cặp lai nhị nguyên kén eo và cặp lai nhị nguyên kén bầu cho ưu thế lai cao. Cặp lai VH2020 đã được khảo nghiệm sản xuất với số lượng hơn 4.000 vòng trứng tại huyện Văn Chấn (tỉnh Yên Bái), huyện Kỳ Anh (tỉnh Hà Tĩnh) và TP.Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng). Năng suất bình quân 12,53 kg/vòng trứng, tỷ lệ lên tơ đạt 85,66- 94,34 %, tiêu hao nguyên liệu 6,08-6,94 kg kén tươi/kg tơ nõn. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem