Ngành điều dưỡng "mở cửa" với người học

Thứ sáu, ngày 30/08/2024 08:20 AM (GMT+7)
Ngành điều dưỡng đã và đang chứng tỏ vai trò quan trọng trong các cơ sở y tế hiện nay. Tại các quốc gia phát triển như Mỹ, Đức, Nhật…
Bình luận 0
img

Mức lương của điều dưỡng viên ngay từ khi thực tập đã vô cùng hấp dẫn.

Tại các quốc gia phát triển như Mỹ, Đức, Nhật… và một số nước đang phát triển như Thái Lan, điều dưỡng viên là nhân lực đang được chính phủ các nước này chú trọng về công tác đào tạo, tuyển dụng. Chính vì vậy, đây là ngành được nhiều bạn trẻ trong nước lựa chọn để đi du học nghề.

Thiếu hụt nhân lực ngành điều dưỡng

Điều dưỡng là một nhánh quan trọng trong nhóm ngành y tế - sức khỏe nói chung và là thành phần thiết yếu trong hệ thống y tế cộng đồng. Trong bối cảnh thị trường lao động ngày càng cạnh tranh, kết hợp sự bùng nổ cách mạng 4.0 khiến nhiều ngành nghề gặp khó khăn, nhiều người rơi vào tình cảnh thất nghiệp.

Song bởi đặc thù liên quan đến sức khỏe và tính mạng con người, lĩnh vực điều dưỡng luôn “khát” nhân sự có tay nghề với tỉ lệ đào thải vô cùng thấp. Tuy nhiên, tại Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung, nguồn nhân lực điều dưỡng còn tương đối hạn chế.

Theo số liệu thống kê, Việt Nam cần thêm gấp 2 - 3 lần số lượng điều dưỡng viên hiện có (tương đương 320.000 nhân sự) nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc y tế của người dân. Hội Điều dưỡng Việt Nam đặt mục tiêu nâng cấp cả về số lượng lẫn chất lượng nhân sự trong ngành điều dưỡng, hướng đến chỉ tiêu 25 điều dưỡng/10.000 dân vào năm 2025; tăng tốc đào tạo, đáp ứng số lượng nhân sự lên tới 40 - 50 nghìn nhân lực điều dưỡng, hộ sinh phục vụ xã hội trong năm 2030.

Khi dân số chính thức bước vào giai đoạn già hóa với tuổi thọ tăng liên tục trong các thập kỷ qua và nhu cầu đảm bảo an ninh sức khỏe, chăm sóc sức khỏe ngày càng lớn thì việc đào tạo nguồn nhân lực điều dưỡng để bù đắp những thiếu hụt ấy là cực kỳ quan trọng, cấp bách.

Không chỉ Việt Nam mà ở các nước như Mỹ, Đức, Úc, Nhật, Canada, New Zealand, Philippines… cũng đang chung tình trạng thiếu thốn nguồn nhân lực điều dưỡng trầm trọng. Hội đồng Y tế Thế giới cho biết, toàn cầu cần thêm 9 triệu điều dưỡng và hộ sinh nếu muốn đạt chỉ tiêu về độ bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn cầu năm 2030.

img

Ảnh minh họa ITN.

Nhiều tiềm năng, cơ hội phát triển

Theo thống kê, Cộng hòa Liên bang Đức là một trong những nước có dân số già đứng đầu thế giới, chiếm 23% dân số thuộc nhóm lớn hơn 65 tuổi. Hiện nay, có đến 3,4 triệu người dân Đức sống lệ thuộc vào chăm sóc y tế.

Báo cáo năm 2022 được công bố bởi Viện Y tế quốc gia cho biết, Đức không thể tuyển dụng đến hơn 520.000 vị trí điều dưỡng toàn thời gian. Trước tình trạng thiếu hụt nhân lực ngành điều dưỡng tại một số quốc gia như hiện nay, nhiều bạn trẻ đã lựa chọn ngành điều dưỡng để đi du học, du học nghề.

Em Hoàng Ngọc Phương (18 tuổi, quê Quảng Ngãi) đang trong thời gian học tiếng Đức để chuẩn bị cho việc du học nghề với chương trình đào tạo 3,5 năm (trong đó có 8 tháng học tiếng tại Việt Nam) của một đơn vị tư vấn du học tư nhân.

Ngọc Phương cho biết lí do mình chọn ngành điều dưỡng thay vì các ngành nghề khác là vì cơ hội việc làm của ngành này rộng mở với mức lương cao, nhiều tiềm năng phát triển lâu dài. Được biết, với chương trình du học nghề tại quốc gia này, học sinh vừa được đào tạo tại trường, đồng thời cũng được thực tập và nhận lương hàng tháng ngay tại đó.

“Làm điều dưỡng chỉ cần chăm chỉ, chịu khó nâng cao năng lực chuyên môn thì em nghĩ sẽ không bao giờ sợ thất nghiệp vì nhu cầu nhân lực rất cao. Đồng thời theo em tìm hiểu, mức lương điều dưỡng ngay từ khi thực tập đã vô cùng hấp dẫn.

Lương của điều dưỡng tại Úc khoảng 80 triệu đồng/tháng, Nhật Bản khoảng 30 - 35 triệu đồng/tháng, còn Đức trung bình khoảng 80 - 90 triệu đồng/tháng. Nhìn chung mức lương ngành này ở các nước phát triển cao là do nhu cầu xã hội và mức sống cũng như thu nhập bình quân của họ cao. Mức lương đó là những con số mà em chưa từng dám mơ tới”, Ngọc Phương tâm sự.

Bên cạnh đó, cơ hội nhập quốc tịch của ngành điều dưỡng tại một số quốc gia cũng vô cùng rộng mở. Đơn cử, Đức là quốc gia đang cố gắng thu hút lao động nước ngoài để giải quyết tình trạng khan hiếm nhân công. Đặc biệt, nguồn nhân lực châu Á rất được chào đón trong lĩnh vực chăm sóc y tế.

Vì vậy theo luật mới nhất năm 2024, người nhập cư hợp pháp vào Đức sẽ được quyền xin quốc tịch sau 5 năm cư trú tại nước này, thay vì phải đợi 8 năm như trước đây. Tại Đức, ngành điều dưỡng đang dẫn đầu các ngành nghề có tỷ lệ xin định cư thành công với 35.000 vị trí tuyển dụng.

Tuy nhiên hiện nay, có khá nhiều đơn vị hoạt động trong lĩnh vực du học nghề tại các quốc gia nên không tránh khỏi tình trạng “thượng vàng, hạ cám”. Nhiều tổ chức, doanh nghiệp khi tư vấn cho học viên họ sẽ vẽ ra những viễn cảnh “màu hồng” khiến cho các bạn trẻ quan tâm cảm thấy rất thích thú và quyết tâm theo đuổi ước mơ du học. Tuy nhiên khi đến học tập và làm việc tại nơi đất khách quê người, nhiều người trẻ không khỏi “vỡ mộng” bởi những hứa hẹn về mức lương khủng, những viễn cảnh quá tươi đẹp mà họ “vẽ” ra.

Vì vậy, phụ huynh và những người có nhu cầu du học cần cân nhắc kỹ, xem xét toàn diện cả điều kiện thuận lợi, cả những khó khăn, áp lực mà bản thân sẽ phải đối mặt. Đồng thời, để tránh tiền mất tật mang, nên tìm các đơn vị tư vấn có tư cách pháp lý rõ ràng để “chọn mặt gửi vàng”.

Theo Hà Trang (giaoducthoidai.vn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem