Ngành đồ uống "mòn" 20%- 40% lợi nhuận vì Nghị định 100 và Covid-19

Nhật Minh Thứ bảy, ngày 21/11/2020 06:27 AM (GMT+7)
Từ đầu năm 2020, ngành đồ uống nói chung và bia rượu bị ảnh hưởng bởi tác động kép do dịch Covid-19 và Nghị định 100/2019/NĐ-CP (Nghị định 100) quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Vì thế, sản xuất, kinh doanh và lợi nhuận của doanh nghiệp bị giảm sút từ 20-40%.
Bình luận 0

Tại diễn đàn "Tháo gỡ khó khăn cho ngành công nghiệp bia, rượu, nước giải khát", ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, nhiều năm nay, song song với lĩnh vực thực phẩm - ngành sản xuất và kinh doanh đồ uống luôn là một trong những ngành kinh tế quan trọng và đầy tiềm năng phát triển ở Việt Nam.

Theo ước tính của Bộ Công Thương, mức tiêu thụ hàng năm của ngành thực phẩm và đồ uống Việt Nam luôn chiếm khoảng 15% GDP và có xu hướng tăng trong thời gian tới.

Ngành đồ uống "mòn" 20%- 40% lợi nhuận vì Nghị định 100 và Covid-19  - Ảnh 1.

Toàn cảnh diễn đàn

Hơn nữa, ông Phòng cũng cho rằng, với tốc độ tăng trưởng hàng năm được dự báo là 6%, ngành công nghiệp đồ uống là một trong những ngành hàng tiêu dùng nhanh tăng trưởng cao nhất tại Việt Nam. Nhưng ngành này lại đang chịu sự chi phối và kiểm soát của Nhà nước với các chính sách thắt chặt.

Còn theo PGS.TS. Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA), từ đầu năm 2020, ngành bị ảnh hưởng bởi tác động kép do dịch Covid-19 và Nghị định 100 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.

Vì thế, sản xuất, kinh doanh và lợi nhuận của doanh nghiệp bị giảm sút từ 20-40%, chỉ số sản xuất giảm và chỉ số tồn kho tăng lên. Ngoài ra, doanh nghiệp ngành này còn đang phải chịu sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước, thậm chí phải cạnh tranh với cả các cơ sở kinh doanh lậu, hàng giả, hàng nhái…

"Chúng ta đưa ra chính sách đúng khi quy định người điều khiển phương tiện giao thông không uống rượu bia. Tuy nhiên, nên có quy định các mức độ khác nhau, phù hợp với điều kiện cộng với cơ sở hạ tầng cơ sở đủ thì chính sách mới đi vào cuộc sống. Nhất là khi năm 2020 các doanh nghiệp tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề vì đại dịch COVID-19", vị chủ tịch Hiệp hội nói.

Đề cập sâu hơn về tác động của Nghị định 100 đối với ngành này, chuyên gia kinh tế, PGS – TS Ngô Trí Long cho biết, Nghị định 100 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có hiệu lực từ đầu năm 2020 đặt ra các quy định chặt chẽ hơn đối với tiếp thị và quảng cáo bia, cũng như áp dụng các hình phạt nặng hơn khi điều khiển phương tiện giao thông dưới ảnh hưởng của bia, rượu với bất kỳ nồng độ cồn nào trong máu và hơi thở.

Có thể nói đây là bài toán nan giải đòi hỏi nhiều thay đổi trong chiến lược sản phẩm, quảng cáo, và tái lập thói quen tiêu thụ của người dùng. Quan sát tác động của Nghị định 100, cho thấy lưu lượng khách đến các quán ăn giảm rõ rệt và người dân có xu hướng chuyển sang các loại nước uống khác như nước suối, nước có ga...

Ngành đồ uống "mòn" 20%- 40% lợi nhuận vì Nghị định 100 và Covid-19  - Ảnh 3.

Tác động kép Covid-19 và Nghị định 100, ngành đồ uống giảm 20%-40% lợi nhuận

Đồng quan điểm, Luật sư Nguyễn Danh Huế – Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Hừng Đông bổ sung, tại Nghị định 100 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, cơ quan chức năng đưa ra xử phạt cao để không uống rượu bia nữa bởi đó là nguyên nhân gây tai nạn giao thông.

Theo ông, Nghị định này mục tiêu đưa ra là tốt, có nhiều điểm tiến bộ. Tuy nhiên, có một số điều khoản chưa hợp lý. Ví dụ như cứ có nồng độ cồn trong máu là xử phạt là khiên cưỡng, vội vàng, ảnh hưởng tiêu cực tới xã hội, tới doanh nghiệp.

Vì vậy, ông đề nghị cần sửa Nghị định 100 ngay để cứu ngành bia rượu. Hiện nay chưa có báo cáo hay điều tra xã hội học nào đánh giá tác động của Nghị định từ khi đi vào thực tế. Tai nạn giao thông ở Việt Nam tăng cao bởi phương tiện cá nhân nhiều, cơ sở hạ tầng chưa đảm bảo.

Ông cho rằng, khi đưa chính sách cấm bia rượu cần tính toán tới phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, năng lực vận tải công cộng để người dân có thể uống bia mà vẫn có thể có phương tiện trở về nhà.

Nói về giải pháp, theo ông Huế, cần triển khai đồng bộ. Thứ nhất, cảnh sát giao thông xử thật nghiêm các hành vi vi phạm giao thông. Thứ hai, bản thân ý thức chấp hành luật giao thông tự phải nâng lên. Nếu vi phạm phải xử thật nặng. Thứ ba, cần giải pháp tổng thể nâng cao năng lực giao thông công cộng, đa dạng hóa các hình phạt. Thứ tư, pháp luật nghiêm thì thực thi pháp luật cũng phải nghiêm. Thứ năm, tác động tiêu cực đã rõ nhưng các doanh nghiệp cũng cần mạnh dạn nêu các thực trạng khó khăn, đóng góp ý kiến, thì khó khăn mới được tháo gỡ.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem