|
Năm 2010, hàng mây tre đan Việt Nam xuất khẩu được dự kiến sẽ mang về khoảng 300 triệu USD. |
Nguy cơ cạn kiệt nguyên liệu
Cục Chế biến thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NN&PTNT) cho biết, trong tổng số 2.017 làng nghề của Việt Nam, thì nghề mây tre đan chiếm số lượng lớn nhất với 723 làng nghề, thu hút lực lượng lao động lên đến 342 nghìn người.
Tổng kim ngạch xuất khẩu mây tre đan trong những năm gần đây liên tục tăng: Năm 2007 đạt 219 triệu USD, năm 2008 đạt 224,7 triệu USD, năm 2010 dự kiến đạt 300 triệu USD. Mặt hàng này đã xuất khẩu tới 120 thị trường trên thế giới. Sản phẩm song mây xuất khẩu của Việt Nam cũng đứng vào hàng thứ hai trên thế giới (chiếm khoảng 20% thị phần).
Theo xu hướng phát triển, nếu mỗi năm ngành mây tre tăng trưởng từ 10-15%/năm thì đến năm 2020, dự kiến nhu cầu mây nguyên liệu sẽ cần khoảng 100.000 tấn song mây trở lên. Hiện Việt Nam vẫn phải nhập khẩu khoảng 33.000 tấn mây từ nước ngoài, tuy nhiên những năm tới việc nhập khẩu nguyên liệu song mây sẽ ngày một khó khăn hơn.
Tuy nhiên, để phát triển bền vững, ngành hàng này đang gặp nhiều khó khăn, chủ yếu là vùng nguyên liệu. Theo đánh giá của ông Nguyễn Ngọc Bình - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, trong nhiều thập kỷ qua, do tình hình khai thác và xuất khẩu nguyên liệu thô một cách ồ ạt, thiếu quy hoạch và quản lý nên nguồn nguyên liệu song mây, tre nứa tự nhiên của Việt Nam đã cạn kiệt.
Việc thiếu nguyên liệu này đã được báo động gần chục năm nay, ngay cả những vùng được cho là đầu mối, có nhiều nguyên liệu mây, tre tự nhiên như Phú Thọ, Thái Nguyên, Yên Bái… cũng đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt. Điều đáng nói, cho tới nay vẫn chưa có một chương trình hay kế hoạch khả quan nào để giải quyết khó khăn đó.
Về song mây, theo nhu cầu ước tính, hiện nay mỗi năm chúng ta cần khoảng 80.000 tấn. Theo xu hướng phát triển, nếu mỗi năm ngành mây tre tăng trưởng từ 10-15%/năm thì đến năm 2020, dự kiến nhu cầu mây nguyên liệu sẽ cần khoảng 100.000 tấn song mây trở lên.
Hiện Việt Nam vẫn phải nhập khẩu khoảng 33.000 tấn mây từ nước ngoài, tuy nhiên những năm tới việc nhập khẩu nguyên liệu song mây sẽ ngày một khó khăn hơn. Vì vậy, bên cạnh việc bảo tồn và phát triển song mây, tre nứa trong rừng tự nhiên hiện có, từ nay đến năm 2020 Việt Nam cần phải gây trồng mới thêm khoảng trên 60.000ha tre luồng và ít nhất 15.000ha song mây để đáp ứng nhu cầu sản xuất.
Nhà nước sẽ hỗ trợ trồng nguyên liệu?
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Hùng chia sẻ: Nhằm thúc đẩy nông dân trồng mây tre, nứa, phát triển vùng nguyên liệu, Bộ NN&PTNT đang xây dựng chính sách khuyến khích phát triển ngành mây tre để trình Chính phủ phê duyệt và ban hành vào năm 2011. Theo đó nhà nước sẽ hỗ trợ giống cây trồng, hỗ trợ đầu tư trồng, bảo vệ rừng tre, nứa, song mây và người chủ rừng được hưởng 100% sản phẩm khai thác sau khi trừ các khoản nộp theo quy định của nhà nước.
Cũng theo dự kiến chính sách của Bộ NN&PTNT, các doanh nghiệp, cá nhân sản xuất kinh doanh ngành hàng mây tre, nếu có dự án đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, sẽ được hỗ trợ 50% kinh phí thực hiện đề tài nghiên cứu giống, tạo ra công nghệ mới, hỗ trợ 30% kinh phí sản xuất. Cùng với đó, cũng sẽ có hàng loạt những cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển ngành nghề sản xuất hàng mây tre đan về nhiều vấn đề: Đất đai, đào tạo nguồn nhân lực, phát triển khoa học công nghệ, phát triển thị trường, thuế, tín dụng…
Đình Thắng
Vui lòng nhập nội dung bình luận.