Ngành mía đường thế giới bế tắc, bức tranh tương lai "tệ hại" nhất

Thứ năm, ngày 30/08/2018 20:02 PM (GMT+7)
Sự thay đổi trong khẩu vị của người tiêu dùng có thể khiến nhu cầu tiêu thụ đường giảm trong dài hạn, đặc biệt là khi các quốc gia sản xuất lớn cũng ghi nhận sản lượng đường đạt kỷ lục cho niên vụ hiện tại.
Bình luận 0

Giá đường đang ở sát đáy ba năm. Nguyên nhân là các công ty thực phẩm trên toàn thế giới giảm tỷ lệ sử dụng đường và chuyển sang các chất làm ngọt thay thế trước lo ngại về rủi ro mắc bệnh tiểu đường, béo phì và bệnh tim. Giá một số nông sản khác, như ngô và lúa mì, cũng giảm theo dù nguồn cung dự báo giảm tại cả châu Âu và châu Á.

Đường hiện là mặt hàng có sự thể hiện tệ nhất kể từ đầu năm 2018 đến nay. Giới đầu cơ dự báo giá tiếp tục giảm sâu, Wall Street Journal cho biết.

Tuy nhiên, đà giảm của đường lại khác nhau tùy theo thị trường.

img

Nhu cầu giảm, nguồn cung tăng đã khiến thị trường đường toàn cầu dư thừa kỷ lục 19 triệu tấn. 

Tại châu Âu, giá đường có xu hướng “chạy” theo giá thế giới. Tại một số thị trường ở Trung Đông và Canada, đường nhập khẩu về cũng theo giá thế giới. Ngược lại tại Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc, giá đường thế giới lại không ảnh hưởng tới thị trường trong nước do chính phủ có các chương trình hỗ trợ ngành sản xuất nội địa.

Người tiêu dùng ngày càng dùng ít đường

Vấn đề chính của thị trường đường là sự thay đổi trong khẩu vị của người tiêu dùng, dẫn tới nhu cầu tiêu thụ giảm. Người tiêu dùng đang dần rời bỏ thức uống có đường và quay sang các loại trà đá không chứa chất làm ngọt, nước khoáng có ga.

Công ty tài chính Susquehanna cho biết doanh số bán nước ngọt tại Mỹ đã giảm 1,2 tỷ USD trong vòng 5 năm qua. Trong khi đó, theo số liệu của Công ty nghiên cứu thị trường IRI, doanh số bán nước khoáng có ga tăng 1,4 tỷ USD trong cùng kỳ.

Để tăng doanh số bán hàng, hãng đồ uống Coca-Cola buộc phải phát triển một thức uống mới với tên gọi là Diet Coke. Theo kết quả kinh doanh quý mới nhất, Coca-Cola ghi nhận mức tăng trưởng hai con số đối với sản phẩm Coca-Cola Zero Sugar, trong khi doanh số bán Diet Coke tăng 3%.

Tại Tây Ban Nha, PepsiCo cho biết lượng đường trong các sản phẩm đã giảm 29% so với năm 2006. Ngoài ra, công ty đặt mục tiêu 2/3 sản phẩm nước ngọt sẽ chứa chưa tới 100 kcal.

Tháng 7, hãng sản xuất đường lớn nhất châu Âu, Südzucker, hợp tác với Công ty công nghệ thực phẩm DouxMatok phát triển và thương mại hóa một loại thực phẩm giúp tăng độ ngọt của đường. Với sản phẩm mới, lượng đường trong nhiều loại thực phẩm sẽ được giảm tới 40% mà không tạo sự khác biệt trong khẩu vị của người tiêu dùng, công ty này cho biết.

img

Người tiêu dùng đang dần rời bỏ thức uống có đường và quay sang các loại trà đá không chứa chất làm ngọt, nước khoáng có ga. Ảnh: I.T

Cung lớn, lượng dư thừa tăng kỷ lục

Một nghịch lý là nhu cầu giảm nhưng nguồn cung tại các quốc gia sản xuất vẫn tăng, thậm chí đạt kỷ lục trong năm nay.

Trong báo cáo tháng 7/2018, Tổ chức Đường quốc tế dự đoán thặng dư đường sẽ đạt kỷ lục trong năm nay và năm 2019. Cùng quan điểm, công ty tư vấn Green Pool dự đoán thị trường đường dư thừa kỷ lục 19 triệu tấn trong năm nay.

Trước những cảnh báo như vậy, các quốc gia sản xuất vẫn không chịu giảm sản lượng. Nông dân trồng mía tại Ấn Độ thậm chí đang mở rộng diện tích trồng mía sau khi chính phủ duyệt gói chính sách nhằm thúc đẩy xuất khẩu đường. Thặng dư đường trong niên vụ hiện tại của Ấn Độ hiện là 6,5 triệu tấn.

Thiệt hại lớn nhất vẫn là những nước sản xuất mía đường như Ấn Độ hay Brazil. Các doanh nghiệp tại đây đang phải bán đường ở mức giá thấp hơn cả chi phí sản xuất, theo giới phân tích.

Thu Hải (Vinanet)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem