Nghề làm giàu
Theo ông Tống Xuân Chinh - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT), so với các đối tượng vật nuôi khác, chăn nuôi bò sữa đòi hỏi phải có trình độ kỹ thuật cao, nguồn vốn lớn nên đây là nghề làm giàu chứ không phải là nghề xóa đói giảm nghèo. Với nhu cầu sử dụng sản phẩm sữa của người dân ngày càng tăng cao, thị trường xuất khẩu rộng mở thì triển vọng phát triển của nghề chăn nuôi bò sữa ở Việt Nam là rất lớn.
Nghề nuôi bò sữa mang lại thu nhập cao cho nông dân Mộc Châu (Sơn La). Ảnh: Trần Quang
"Bộ NNPTNT cần xây dựng và rà soát quy hoạch vùng nuôi và vùng trồng cây thức ăn để chăn nuôi bò sữa phát triển theo chuỗi, xứng tầm với quy mô đầu tư ổn định lâu dài, có tính đến thích ứng với biến đổi khí hậu”.
Bà Hạ Thúy Hạnh
|
Thống kê của Cục Chăn nuôi cho thấy, hiện, tổng đàn bò sữa của Việt Nam là 293.380 con, tập trung chủ yếu ở khu vực Đông Nam Bộ với 98.999 con, chiếm trên 33% tổng đàn, trong đó riêng TP.Hồ Chí Minh có 81.300 con, chiếm 27,6% tổng đàn bò sữa của Việt Nam.
Chăn nuôi bò sữa hiện nay có hai phương thức, chăn nuôi hộ gia đình (55%) với 26.978 hộ tham gia nuôi và chăn nuôi trang trại quy mô lớn, áp dụng công nghệ cao (45%) với 1.717 gia trại, trang trại.
Năng suất và sản lượng sữa của đàn bò sữa Việt Nam hiện đạt 4.500 – 5.000kg/chu kỳ, tương đương hoặc cao hơn một số nước trong khu vực.
“Trong 10 năm qua, ngành chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa đã có sự tăng trưởng đột phá, riêng doanh thu ngành sữa năm 2018 đạt 5 tỷ USD. Tuy vậy, chăn nuôi bò sữa vẫn là một nghề mới ở Việt Nam, nông dân còn ít kinh nghiệm nên chăn nuôi còn nhiều khó khăn, năng suất thấp và chất lượng chưa cao. Nhất là trong chăn nuôi nông hộ còn tận dụng thức ăn nên chưa có điều kiện áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến” - ông Chinh nêu thực tế.
Cơ hội xuất khẩu rộng mở
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT), hiện Trung Quốc là thị trường tiêu thụ sữa lớn thứ 2 thế giới (chỉ sau Mỹ) với tổng giá trị khoảng 60 tỷ USD và mức tiêu thụ sản phẩm sữa bình quân đầu người liên tục tăng, năm 2018 đạt 22,5kg/người.
Trong khi đó, theo Bộ Nông nghiệp Trung Quốc, nguồn cung sữa nội địa của nước này hiện chỉ đáp ứng 75% nhu cầu tiêu thụ nội địa.
Dự báo năm 2019, Trung Quốc nhập khẩu khoảng 39,43 triệu tấn sữa và sản phẩm sữa, trong đó, lượng sữa tươi nhập khẩu khoảng 750.000 tấn và 650.000 tấn sữa bột. Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO), nhu cầu nhập khẩu sữa của Trung Quốc còn tăng mạnh và sữa nhập khẩu có thể chiếm 45% tổng nhu cầu sữa của Trung Quốc vào năm 2025.
Điều đáng kỳ vọng là, Nghị định thư về xuất khẩu sữa Việt Nam sang Trung Quốc đã được các cơ quan Nhà nước phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp xuất khẩu sữa hàng đầu của Việt Nam triển khai. Dự kiến sẽ có lô sữa xuất khẩu đầu tiên sang Trung Quốc theo Nghị định thư trong năm nay.
Khi các doanh nghiệp Việt Nam chính thức được xuất khẩu sữa sang Trung Quốc, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này được dự báo sẽ tăng lên nhanh chóng, vươn lên vị trí thứ nhất (tính tới tháng 7/2019, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm đồ uống từ sữa của Việt Nam sang Trung Quốc chỉ sau Iraq, đạt 11,59 triệu USD).
Ông Tống Xuân Chinh cho rằng, để tận dụng tốt cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do cũng như thị trường nhiều tiềm năng là Trung Quốc, cần đẩy mạnh phát triển chăn nuôi bò sữa ở những nơi phù hợp với lợi thế tự nhiên và điều kiện kinh tế xã hội; phát triển chăn nuôi bò sữa quy mô vừa, chuyển một phần đất canh tác, đất ven sông, ven bãi sang trồng cỏ và cây thức ăn. Tăng cường kiểm tra chất lượng hàng hóa, đảm bảo ghi đúng tỷ lệ sữa tươi trên bao bì sản phẩm; xây dựng hệ thống kiểm tra, kiểm soát chất lượng sữa.
Theo bà Hạ Thúy Hạnh - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia, đẩy mạnh áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào chăn nuôi bò sữa là con đường tất yếu để phát triển bền vững nghề này. Trong đó, giống là yếu tố quan trọng để chăn nuôi bò sữa cho năng suất cao. Vì vậy cần tăng cường kiểm soát chất lượng con giống, tiếp tục chọn lọc đàn bò sữa giống, xây dựng đàn bò hạt nhân để tạo ra đàn bò sữa có năng suất cao, phẩm cấp giống tốt.
Trước mắt thông qua việc tuyển chọn, loại thải những con bò sữa già, yếu, kém chất lượng và giữ lại những con có năng suất từ 17kg sữa tươi/ngày trở lên.
Giành quỹ đất trồng cỏ, chủ động tạo ra nguồn thức ăn thô xanh cho đàn bò đủ về số lượng và chất lượng, trồng các giống cỏ mới năng suất, chất lượng cao. Áp dụng công nghệ chế biến, bảo quản thức ăn thô xanh để nâng cao giá trị dinh dưỡng, khả năng tiêu hóa và hấp thu. Khuyến khích người dân tự phối trộn, tận dụng nguồn phụ phẩm trong nông nghiệp chế biến thức ăn để giảm chi phí.
Tổ chức liên kết theo chuỗi sản phẩm từ khâu sản xuất đến thị trường, trong đó các doanh nghiệp đóng vai trò làm trung tâm để liên kết với các tổ chức sản xuất như liên kết tổ hợp tác, hội, hiệp hội ngành hàng; chú trọng việc xây dựng các thương hiệu.
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến:
Đối tác công tư sẽ thu hút đầu tư vào ngành bò sữa
Trong những năm qua, chăn nuôi bò sữa của nước ta đang phát triển tốt và từng bước hình thành ngành công nghiệp chăn nuôi và chế biến sữa hiện đại so với khu vực và thế giới. Việt Nam đã vươn lên đứng thứ 6 châu Á về sản lượng sữa và đứng thứ 4 về năng suất của đàn bò vắt sữa.
Bên cạnh những thuận lợi, ngành chăn nuôi cũng như ngành sữa còn gặp phải những khó khăn và thách thức đang hạn chế tiềm năng phát triển của ngành, do đó, cần đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu ngành chăn nuôi, cần chuyển dần chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi theo quy mô trang trại, công nghiệp, phù hợp với thực tế địa phương.
Một trong những giải pháp then chốt được Chính phủ Việt Nam ưu tiên thực hiện là đẩy mạnh thu hút đầu tư theo hình thức Đối tác công tư (PPP). Tháng 4/2019, Bộ NNPTNT đã thành lập thêm Nhóm công tác PPP về chăn nuôi gồm 4 tiểu nhóm bò sữa, heo, gia cầm, thức ăn chăn nuôi. Nhóm do khối công (Cục Chăn nuôi và Trung tâm Khuyến nông Quốc gia) và khối tư (các công ty) làm đồng chủ trì với kỳ vọng thúc đẩy thu hút đầu tư vào ngành chăn nuôi.
Khánh Nguyên (ghi)
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.