Ngành thủy sản sơ kết 6 tháng đầu năm: Nổi cộm an toàn vệ sinh thực phẩm

Thanh Xuân Thứ ba, ngày 01/07/2014 15:36 PM (GMT+7)
Ngày 30.6, tại cuộc họp sơ kết 6 tháng ngành thuỷ sản, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Vũ Văn Tám đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tập trung  tháo gỡ khó khăn cho nuôi trồng và xuất khẩu thuỷ sản.
Bình luận 0

Nhiều “lỗ hổng” trong nuôi trồng

Ông Trần Đình Luân - Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thuỷ sản cho biết, từ tháng 4 đến nay, giá tiêu thụ các mặt hàng thuỷ sản tăng giảm khá thất thường, trong khi đó, dịch bệnh trên thủy sản nuôi đang xảy ra ở nhiều địa phương, nghiêm trọng nhất là ở Sóc Trăng, Bạc Liêu. Lo ngại nhất vẫn là bệnh đốm trắng trên tôm thẻ chân trắng.

“Ngoài vấn đề dịch bệnh, có thời điểm giá tôm thẻ chân trắng tăng cao, dẫn tới tại nhiều địa phương người dân ồ ạt nuôi tôm thẻ chân trắng ở cả vùng nước ngọt, làm phá vỡ quy hoạch và tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh” – ông Luân nói.

Trong lĩnh vực khai thác, ông Phạm Ngọc Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản cho biết, trước đây sản phẩm cá cơm thường được thương lái Trung Quốc thu mua mạnh với giá cá cơm sấy khô cao gấp 3 - 4 lần hiện nay.

Song từ tháng 5 trở lại đây, thương lái Trung Quốc không thu mua sản phẩm này nên đã làm ảnh hưởng tới nghề đánh bắt cá cơm của ngư dân ven biển. Ngoài ra, mặt hàng mực khô cũng giảm giá đáng kể, có thời điểm giảm sâu từ 400.000 đồng/kg xuống còn 200.000 đồng/kg. Chỉ có mặt hàng cá ngừ là “điểm sáng” khi giá bán tăng cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái.

Còn theo Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản thuỷ sản, “nổi cộm” nhất vẫn là vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, khi trong 6 tháng đầu năm, nhiều mặt hàng liên tiếp bị nước nhập khẩu cảnh báo. Cụ thể, Nhật Bản cảnh báo 12 lô hàng; châu Âu 57 lô, trong đó có 21 lô kháng sinh, 11 lô nhiễm chất kháng sinh OTC, cảnh báo hơn 20 lô chưa xử lý nhiệt triệt để và vùng nuôi nhuyễn thể bị nhiễm samollena.

“Đề nghị các địa phương phải kiểm tra lại, xử lý nghiêm đối với cơ sở vật tư nông nghiệp loại C để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho các mặt hàng thuỷ sản. Ngoài ra, Bộ NNPTNT cần đề nghị các địa phương chỉ đạo nâng cấp cơ sở hạ tầng cảng cá, cơ sở sản xuất nước đá, đây cũng là 2 điểm yếu nhất của chúng ta” - bà Trần Thị Bích Nga – Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản thuỷ sản nhấn mạnh.

Không lo ngại về thị trường Trung Quốc

Liên quan tới những vướng mắc để mở rộng thị trường xuất khẩu các mặt hàng thuỷ sản, ông Nguyễn Huy Điền – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ sản cho biết, hiện Tổng cục đang đẩy mạnh công tác kiểm tra, đánh giá phân loại các cơ sở sản xuất kinh doanh.

Đối với tôm, vấn đề cần triển khai gấp là quản lý dư lượng kháng sinh OTC (kháng sinh bị các thị trường nhập khẩu cảnh báo) và Tổng cục Thủy sản đã có cuộc làm việc với tất cả các chi cục của các địa phương vùng duyên hải Nam Bộ, từ Bến Tre đến Kiên Giang để yêu cầu nông dân dừng sử dụng OTC 4 tuần trước khi thu hoạch, đồng thời nghiêm cấm dùng OTC nguyên liệu trực tiếp xuống ao.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Vũ Văn Tám cho biết, nhìn lại 6 tháng qua, tuy còn nhiều khó khăn, song lĩnh vực thuỷ sản vẫn đảm bảo tốc độ duy trì phát triển sản xuất bình thường, kể cả khai thác và nuôi trồng, cụ thể là tăng 4,4% cùng kỳ. “Theo tôi, giả thiết nếu tình hình Biển Đông nóng nữa mà Trung Quốc có động thái liên quan đến đóng cửa biên giới thì xuất nhập khẩu đối với ngành thuỷ sản cũng không ảnh hưởng nhiều, bởi thực tế Trung Quốc không phải là thị trường lớn đối với mặt hàng thuỷ sản” - ông Tám nói.

"Dự kiến nhanh thì trong tuần này, chậm nhất là tuần sau Chính phủ sẽ ban hành Nghị định phát triển thuỷ sản, trong đó có chính sách hỗ trợ ngư dân đóng tàu vỏ sắt. Do đó, cần có phương án chuẩn bị hoàn thiện các thông tư hướng dẫn, chuẩn bị thiết kế mẫu tàu để ngư dân lựa chọn”.
Thứ trưởng Bộ NNTPNT Vũ Văn Tám

Thứ trưởng Vũ Văn Tám cũng chỉ đạo các đơn vị trong thời gian tới cần tập trung phối hợp với Cục Thú y tiếp tục theo dõi, giám sát tình hình dịch bệnh; kiểm soát tình trạng phát triển quá nóng và phá vỡ quy hoạch của tôm thẻ chân trắng; xử lý vấn đề sử dụng kháng sinh OTC và các chất kháng sinh cấm khác; tập trung kiểm soát chất lượng vật tư đầu vào, trong đó có thức ăn, giống, các loại vật tư đầu vào khác theo quy định, văn bản hướng dẫn về Luật An toàn thực phẩm… Đặc biệt, các đơn vị cần sẵn sàng chuẩn bị cho các phương án để triển khai Nghị định 36 và Nghị định phát triển thuỷ sản...

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem