Ngành trồng trọt cấp bách khôi phục sản xuất sau mưa lũ lịch sử

Minh Long Thứ bảy, ngày 21/10/2017 13:05 PM (GMT+7)
Thiệt hại về sản xuất nông nghiệp do mưa lụt lịch sử ở các địa phương miền Bắc và Bắc Trung Bộ vẫn đang tiếp tục tăng lên. Hàng trăm nghìn ha lúa và hoa màu vụ đông có nguy cơ mất trắng. Việc khẩn trương thống kê thiệt hại và hỗ trợ nông dân ở các vùng thiên tai khôi phục sản xuất đang cấp bách hơn bao giờ hết. Phóng viên đã trao đổi với ông Trần Xuân Định - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT).
Bình luận 0

img

Ông Trần Xuân Định - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT). 

Ông có thể cho biết sơ bộ về những thiệt hại mà mưa lũ gây ra đối với sản xuất lúa và hoa màu của các địa phương?

- Theo báo cáo mới nhất, tỉnh Nam Định có diện tích lúa bị ngập xấp xỉ 15.000ha; Hà Nam khoảng 10.000ha, trong đó khoảng 7.000ha lúa, còn lại là rau màu. Tại Thái Bình diện tích ngập úng thời điểm cao nhất lên đến 40.000ha. Địa phương đã huy động tổng lực các lực lượng hỗ trợ nông dân, nhưng tính nay vẫn còn khoảng 10.000ha đất nông nghiệp bị ngập úng, trong đó có cả lúa và hoa màu.

Với tỉnh Ninh Bình, diện tích bị ngập trắng cây vụ đông cơ bản đã bị thiệt hại khoảng 7.500 – 7.800ha, và địa phương vẫn còn 6.500ha đang ngập đến cổ bông. Các địa phương đang tích cực bơm nước “cưỡng bức” để ứng cứu những diện tích lúa bị ngập.

Phía Cục Trồng trọt có đề xuất gì hỗ trợ người dân để bà con sớm ổn định sản xuất, thưa ông?

- Chính phủ đã ban hành Nghị định 02 về chính sách hỗ trợ thiệt hại sau thiên tai, dịch bệnh. Do đó, các địa phương cần khẩn trương thống kê đầy đủ, chi tiết và đảm bảo tính xác thực và trình hỗ trợ theo tinh thần của Nghị định 02. Cùng với việc đề xuất hỗ trợ, các địa phương cũng chủ động trích từ nguồn ngân sách của địa phương sớm hỗ trợ nông dân, giúp nông dân giảm bớt thiệt hại, khôi phục sản xuất nhanh và đảm bảo cung - cầu sản phẩm rau, củ quả trên thị trường.

img

Công an Thái Bình giúp nông dân gặt lúa bị ngập nước, tại xã Vũ Đồng, TP.Thái Bình.  Ảnh: P.N.N

Để nhanh chóng khôi phục lại sản xuất sau mưa lũ, Cục Trồng trọt đề nghị Sở NNPTNT các địa phương bị thiệt hại cần khẩn trương rà soát diện tích lúa, hoa màu, cây công nghiệp, cây ăn quả bị thiệt hại, đề xuất chính sách hỗ trợ cho người dân vùng bị thiệt hại khôi phục sản xuất. Tham mưu đề xuất hỗ trợ hạt giống từ nguồn dự trữ quốc gia để kịp thời có giống cho nông dân gieo trồng đảm bảo kế hoạch sản xuất.  

Diện tích cây vụ đông của các địa phương cũng chịu thiệt hại nặng nề. Trong thời điểm hiện nay có nên tiếp tục trồng lại cây vụ đông để bù đắp những thiệt hại?

- Theo đặc tính của nhóm cây vụ đông, đến nay thời vụ gieo trồng những cây ưa ấm như nhóm: Dưa, bí, khoai lang, ngô, về mặt thời vụ đã kết thúc. Tuy nhiên, tùy vào mục tiêu gieo trồng của một số địa phương, ví dụ như trồng ngô không lấy hạt mà chủ yếu lấy thân, lá làm thức ăn xanh phục vụ cho chăn nuôi đại gia súc... thì có thể tiếp tục.

Còn những loại cây trồng như dưa, bầu, bí cần hết sức lưu ý, nếu trồng để lấy quả, hạt thì thời vụ nhóm cây này đã hết. Cần tiêu úng càng nhanh càng tốt, làm sao không để bị ngập nước lên đến trên mặt luống, và rút cạn kiệt nước ở rãnh. Khi thời tiết có nắng, cần tích cực “xới, sáo, phá, váng” tạo điều kiện cho rễ cây đã gieo trồng phục hồi nhanh.

Cùng với các giải pháp đó có thể dặm, trồng bổ sung cây còn lại trong bầu hoặc bảo quản trên các khu vực cao. Trên ruộng, mỗi hộ nên đào 1 hố lót nylon có phân chuồng hoai mục và có thể ủ cùng phân NPK và và lân supe. Bà con nên sử dụng nước ở hố đã được ngâm và hòa loãng tưới sát gần gốc rau, màu đã gieo trồng.

Nếu kết hợp song song với việc tưới “nhử”, tưới thúc liên tục thì các cây thiệt hại sẽ phục hồi rất nhanh và sẽ đảm bảo quá trình sinh trưởng, ra hoa kết trái kịp thời vụ.

Theo thống kê, diện tích rau màu bị thiệt hại do mưa lũ vừa qua là rất lớn, vậy chúng ta cần tổ chức lại sản xuất như thế nào để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng hiện nay, nhất là đảm bảo nguồn cung dịp Tết nguyên đán sắp tới?

- Ngay sau khi bị mưa ngập, nguồn cung rau trên thị trường phía Bắc đã có biểu hiện cung vượt cầu và rau xanh từ các tỉnh biên giới đang tràn về. Để có nguồn rau cung ứng cho thị trường, bà con tận dụng những chân ruộng đã thoát được nước tranh thủ làm đất và gieo hạt sớm, cùng với đó cũng cần tính toán với nhu cầu thị trường, đặc biệt là rau xanh phục vụ cho Tết Nguyên đán. Đây là thời điểm tiêu thụ sản lượng lớn rau, là điều kiện cho nông dân mở rộng diện tích rau, mở rộng tiêu thụ ở thị trường trong nước.

Các địa phương cũng chủ động khuyến cáo bà con về dự báo thị trường, sử dụng các giống rau, củ như su hào, cải bắp giống lai F1 do đây là những giống cây trồng năng suất rất cao, chất lượng ngon, thời gian sinh trưởng ngắn. Đối với su hào, cải bắp, nông dân hoàn toàn có thể tận dụng ngay từ bây giờ khi chân ruộng chưa thoát được nước, nhưng có thể gieo hạt bằng bầu, gieo trong vườn ươm. Khi nước rút là có thể làm đất, lên luống cao và trồng ngay ra ruộng. Với cách làm như vậy, sẽ giúp rút ngắn thời vụ, góp phần cân bằng cung cầu rau xanh trên thị trường.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem