Lan Ngọc: Anh là một người anh lớn
Kỳ lạ, mỗi lần tôi hát xong những ca khúc Cát Bụi, Một cõi đi về…, tôi hay bâng khuâng nhớ đến hình dáng thong dong, gầy guộc, và những kỷ niệm cùng anh lại ùa về. Tôi xem anh là một người anh lớn và anh cũng thương tôi như một người em gái.
Tôi bắt đầu hát những ca khúc Ướt mi, Bên đời hiu quạnh… của anh từ lúc còn là cô gái đôi mươi, nhưng mãi sau ngày đất nước thống nhất, anh mới có dịp ngồi trực tiếp nghe tôi hát. Sau năm 1975, anh sáng tác những ca khúc tươi vui, hoàn toàn khác những ca khúc mang tính tự sự trước kia: Mênh mông Đồng Tháp, Chiều trên quê hương tôi.
Tôi nhớ lần hát xong ca khúc Chiều trên quê hương tôi ở Hội quán Những người bạn, anh đến ôm chầm tôi, cảm xúc nói: “Em hát nhạc của anh cũng hay quá chứ!”. Biết tính anh rất ít khen ai nên tôi vui lắm.
Có lần buồn ông xã, tôi gặp anh Sơn và tâm sự. Anh nói: “Thôi, em đừng buồn nữa. Giống như anh, là đàn ông đi chơi chút mà, có gì mà lo”. Vậy mà, tôi không ngờ anh Sơn đã nhắc nhở anh Tâm- ông xã tôi. Anh Tâm nói lại cho tôi nghe lời anh Sơn: “Toa mà làm gì Lan Ngọc buồn, nó mà mách moa, moa đánh toa chết”. Và những giận hờn, lo lắng của tôi được giải tỏa.
Năm nào cũng vậy, tới ngày giỗ hay ngày sinh nhật anh, tôi đều tới nhà anh, sau đó là Hội ngộ quán Bình Quới để tưởng niệm.
Cẩm Vân: Hãy chờ qua giai đoạn 10 năm này...
Tôi không vì nhân dịp này mà mình kể chuyện về tôi và anh Sơn. Thật ra, nhiều kỷ niệm mang ý nghĩa lớn lao, đó là tình thân. Trong thời điểm “nhạy cảm” này, tôi không muốn mọi người nghĩ mình đang ăn theo cái bóng của người nhạc sĩ tài hoa.
Tên tuổi mình cũng tự tạo ra, mặc dù tôi rất yêu nhạc và thậm chí những bài hát của anh đã góp thêm phần làm cho giọng hát của tôi được lộng lẫy thêm. Tuy nhiên, hãy để tôi là chính con người của mình cho trọn vẹn!
Tôi không muốn có một lợn cợn, dù thật nhỏ. Tôi chỉ muốn làm người truyền tải âm nhạc của Trịnh theo suy nghĩ của mình. Có nhiều kỷ niệm rất ngây ngô, rất đời thường, rất dễ thương nhưng hãy cho qua giai đoạn 10 năm này rồi sẽ có dịp tôi tâm sự.
Đàm Vĩnh Hưng: Tôi không đủ tư cách để “phá cách” nhạc Trịnh
Tôi may mắn được gặp ông vài lần. Ngày đó tôi chỉ là một người đi đăng ký hát với nhau ở Quán nhạc sĩ do ông và vài người bạn của ông cùng làm chủ. Với tôi, ông là một thiên tài, một cao nhân, một nghệ sĩ hơn cả nghệ sĩ…
Có người “dèm pha” tôi hát “phá cách” nhạc Trịnh. Tôi khẳng định: Tôi không đủ tư cách để hát “phá cách” nhạc của ông đâu! Điều đó cũng chẳng mang lại vinh quang, giá trị nào cho sự nghiệp của tôi cả!
Tôi nghĩ thật ngu ngốc khi một ca sĩ nào đó có những “phá cách” không cần thiết cho nhạc ông, với mong muốn làm ca khúc hay, lạ hơn. Bởi lẽ, khi ông “sản sinh” những “đứa con tinh thần”, chúng đều là những hoàng tử, công chúa, quá hoàn mỹ rồi. Mọi “phá cách” đều trở nên phản cảm lập tức!
Quang Dũng: Âm nhạc của Trịnh là một phần đời của tôi
Âm nhạc của Trịnh Công Sơn đã là một phần đời của tôi. Hạnh phúc hơn, khi tôi được trải qua những khoảnh khắc hiếm hoi, sâu sắc lúc ông còn sống.
Những ngày này, tôi lại nhớ đến kỷ niệm: Vào một buổi trưa hè oi ả, tại căn phòng nhỏ của ông, ông gầy gò ngồi lắng nghe, chỉnh sửa và giải bày cho tôi biết tinh thần của ba ca khúc: Biển nghìn thu ở lại, Biển nhớ, Muôn trùng biển khơi.
Hát trước ông, trong tiếng dương cầm du dương của nhạc sĩ Bảo Phúc, tôi có một cảm giác hạnh phúc xen lẫn lo lắng, hồi hộp, dù mình đã hát các ca khúc này nhiều lần rồi.
Ngoài đời, tôi thường hay hát nghêu ngao nhạc của ông. Tôi thích những câu: Em ra đi nơi này vẫn thế…, Yêu em lòng chợt từ bi bất ngờ... thật nao lòng, khắc khoải, đầy triết lý và nhân văn. Đó cũng chính là thông điệp mà nhạc Trịnh muốn gửi đến cuộc đời. Vì vậy khi nghe nhạc Trịnh, ai cũng sẽ có những giây phút lắng đọng, chiêm nghiệm về mình.
Mỗi năm, ngày 1.4 lại trở thành ngày hội ngộ cho những ai yêu mến con người và âm nhạc Trịnh Công Sơn. Ngày này, các nghệ sĩ lại nhớ về ông - một tài năng, nhân cách lớn.
Lê Ngọc Dương Cầm (thực hiện)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.