KIDO Foods đang dẫn đầu thị trường ngành kem Việt Nam với thị phần lên tới hơn 40% (Ảnh: IT)
“Nóng” từ sàn OTC
Còn nhớ, vào hồi tháng 4. 2017, Công ty mẹ của KIDO Foods là Công ty CP Tập đoàn Kido - đã chào bán 20% cổ phần KDF ra công chúng với mục tiêu đại chúng hóa và đưa doanh nghiệp này lên sàn. KDF khi đó đã gây chú ý với giới đầu tư khi tổng số lượng đăng ký mua hơn 40 triệu cổ phiếu, cao gấp 3,5 lần lượng chào bán. Sau khi 11,2 triệu cổ phiếu KDF được phân phối hết với giá bán 52.000 đồng/CP, trên thị trường tự do, cổ phiếu KDF tiếp tục được giao dịch sôi động với giá chào bán có lúc vượt 65.000 đồng/CP.
Đến giữa tháng 7 vừa qua, khi KIDO Foods thực hiện chốt danh sách cổ đông để đăng ký giao dịch 56 triệu cổ phiếu trên sàn UPCoM, đà tăng giá của mã cổ phiếu này trên thị trường tự do tiếp tục tăng mạnh khi nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội tăng giá sau khi KDF chính thức lên sàn.
Tại phiên chào sàn ngày 28.9, cổ phiếu KDF có giá tham chiếu là 60.000 đồng/CP và đối diện lực bán mạnh. Tuy nhiên, khối lượng giao dịch đến cuối phiên chỉ đạt hơn 1,11 triệu cổ phiếu và khối ngoại đã mua mạnh mã cổ phiếu này với tỷ lệ chiếm hơn 50% khối lượng khớp lệnh. Và đây cũng là cổ phiếu được khối ngoại mua nhiều nhất trên cả 3 sàn trong ngày 28.9.
Như vậy, kết thúc phiên giao dịch đầu tiên, KDF đứng ở mức giá 60.000 đồng/CP, tương ứng với mức vốn hóa thị trường của KDF được định giá khoảng 3.360 tỷ đồng. Vốn điều lệ của KDF là 560 tỷ đồng, tương ứng với 56 triệu cổ phiếu được niêm yết trên thị trường.
Về cơ cấu cổ đông, tính đến ngày 25.8.2017, số lượng cổ phần KDF do nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ là 3.927.000 cổ phần, chiếm 7,01% vốn điều lệ thực góp; cổ đông trong nước nắm giữ 52.073.000 cổ phần, chiếm 92,99%. Trong đó, KIDO Food có 3 cổ đông sáng lập là Tập đoàn Kido nắm giữ 36,4 triệu cổ phiếu, chiếm 65%; ông Trần Kim Thành và ông Trần Lệ Nguyên cùng nắm giữ 156.000 cổ phiếu, chiếm 0,28%.
Sức hấp dẫn của “vua kem” KDF đến từ đâu?
KIDO Foods được thành lập vào tháng 7.2003 sau khi KIDO mua lại nhà máy kem Wall’s từ Tập đoàn Unilever. Đến nay, các mảng kinh doanh chính của KIDO Foods bao gồm kem, các sản phẩm từ sữa và thực phẩm đông lạnh. Ngoài trụ sở và nhà máy đặt tại Khu Công nghiệp Tây Bắc Củ Chi, TP.HCM, công ty còn có hai chi nhánh tại TP.HCM và 5 chi nhánh tại Hà Nội, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bắc Ninh và Campuchia.
Hiện sản phẩm của KDF được chia thành ba nhãn hàng chính là Merino - kem thông thường, Celano - kem cao cấp và Welyo - sữa chua. Ngoài ra, các sản phẩm kem phân khúc bình dân cũng được KDF đầu tư mạnh.
Theo công bố của Công ty nghiên cứu thị trường toàn cầu Euromonitor, thị phần KIDO Foods nhanh chóng mở rộng và chiếm lĩnh vị trí hàng đầu thị trường kem tại Việt Nam. Cụ thể, nếu năm 2010, Kido chỉ nắm giữ 25,5% thị phần kem Việt Nam thì năm 2014 tăng lên 36,4% và đến cuối năm 2016 đạt 37,4%. Đến thời điểm hiện tại, thị phần kem của KDF đã đạt tới 40,20%, bỏ xa các nhãn hàng lớn tại Việt Nam như: Vinamilk (9,1%), Uniliver (8,4%), Fanny Việt Nam (4,8%), kem Tràng Tiền (4,5%)... Chưa kể, về triển vọng tăng trưởng của ngành này, Euromonitor cũng đưa ra dự báo, ngành kem và các món tráng miệng đông lạnh có tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) giai đoạn 2017 - 2022 là 7% nên đây sẽ là cơ hội để KDF tiếp tục tăng trưởng.
Đáng chú ý, hiện KIDO Food đã phát triển lên 70.000 điểm bán lẻ trên cả nước, đồng thời mở rộng hệ thống nhà phân phối đến tuyến huyện thay vì chỉ ở tỉnh như trước đây. Đây cũng là lợi thế để KDF phát triển mạnh danh mục kinh doanh bao gồm các sản phẩm bánh bao mới và sản phẩm từ Dabaco Foods như: xúc xích tươi, đồ hộp và thực phẩm chế biến... ngay trong quý 4.2017 theo kế hoạch mà KDF đề ra.
Được biết, doanh thu năm 2017 của KIDO Food ước đạt 1.828 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế ước đạt 200 tỷ đồng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.