Ngày đầu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo: Dấu hiệu lạc quan

Thứ sáu, ngày 16/03/2012 11:54 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Ngày 15.3, các doanh nghiệp thành viên của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) bắt đầu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo. Đến hết ngày, 60.000 tấn lúa, gạo của nông dân đã được doanh nghiệp tiêu thụ.
Bình luận 0

Giá lúa tăng nhẹ

Ghi nhận của NTNN, tại các tiểu vùng trọng điểm lúa, như khu vực tam giác Ninh Quới (Bạc Liêu), không khí mua bán lúa gạo trở nên náo nhiệt. Ông Nguyễn Thành Trung - Quản đốc Kho Trung tâm Ninh Quới có sức chứa 12.000 tấn (Công ty Lương thực Bạc Liêu), cho biết: Từ 6 giờ sáng 15.3, ông đã chỉ đạo cho mở rộng các cửa để phương tiện chuyển lúa vào. Dưới bến sông, hơn 10 ghe lúa của hàng xáo đậu chờ tới phiên mình.

img
Hàng xáo mua lúa mới thu hoạch, phơi khô tại chỗ. Ảnh chụp sáng 15.3 tại Châu Thới, Vĩnh Lợi (Bạc Liêu).

Sáng 15.3, chợ huyện Ngã Năm (Sóc Trăng) cũng tấp nập ghe lúa. Ttrên bờ, hàng chục xe cập kho chính để nhập gạo. Trong khi tận Cà Mau, lãnh đạo Công ty Xuất nhập khẩu Thủy sản (đơn vị được giao mua lúa gạo tạm trữ) đã xuống tận các doanh nghiệp mua lúa để giám sát.

Cũng trong ngày này, ngay trên tuyến Quốc lộ 1A, 2 xe tải chở gạo hơn 16 tấn/xe, đang cho xe vào cửa nhà kho cửa hàng Lương thực xuất khẩu Bạc Liêu (phường 8, TP.Bạc Liêu) để nhập gạo. Giá mua lúa gạo ngay thời điểm này cũng nhích một chút. Lúa khô được 2 kho của Công ty Lương thực Bạc Liêu mua với giá từ 5.000-5.200 đồng/kg. Trong khi gạo trắng 5% tấm, được Công ty Lương thực Sóc Trăng, Hậu Giang mua vào giá từ 7.300-7.900 đồng/kg. Còn lúa tươi mới gặt xong được hàng xáo mua 4.500 đồng/kg (cao hơn những ngày trước khoảng 200 đồng/kg).

Điều đáng nói, là tất cả các khách hàng sau khi giao lúa được thanh toán ngay 100% bằng tiền mặt. “Lãnh đạo các công ty chỉ đạo phải thanh toán dứt điểm tiền lúa cho khách hàng ngay sau khi giao hàng và sẵn sàng đủ tiền mặt mua 15.000 tấn theo chỉ tiêu VFA giao cho Bạc Liêu” - ông Trần Văn Tâm - Trưởng phòng Kinh doanh, Công ty Lương thực Bạc Liêu, cho biết.

60.000 tấn được tiêu thụ

Ngoài các tuyến chính thuận lợi giao thông, tại các xã vùng nông thôn, sức mua yếu hơn. Nhiều điểm thu mua ở Phó Sinh, Giá Rai (Bạc Liêu); Vĩnh Thuận, Gò Quao (Kiên Giang); Mỹ Tú, Long Phú (Sóc Trăng), Thới Bình (Cà Mau), chỉ có lác đác 2 - 3 ghe nhỏ chở lúa tới bán.

Hỗ trợ 100% lãi suất cho vay thu mua tạm trữ lúa gạo

Ngày 15.3, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình có văn bản yêu cầu một số ngân hàng thương mại cân đối nguồn vốn để cho vay mua tạm trữ thóc, gạo vụ đông xuân năm 2011 – 2012. Đối tượng áp dụng là các thương nhân được VFA phân giao chỉ tiêu mua thóc, gạo tạm trữ tối đa 1 triệu tấn quy gạo vụ đông xuân 2011 - 2012. Các NHTM cho vay thu mua tạm trữ thóc, gạo với mức lãi suất cho vay tối đa 14%/năm. Ngân sách Nhà nước hỗ trợ 100% lãi suất tiền vay trong thời gian thu mua, tạm trữ.

Ông Nguyễn Văn Thuận - ấp Mỹ Tường, xã Mỹ Quới, Thạnh Trị (Sóc Trăng), cho biết: Kênh cạn khó chuyên chở. Phương tiện thuê lại cao giá nên phần đông nông dân bán hết lúa cho xáo từ nhiều ngày trước. Có nơi bán lúa tươi, giá từ 4.100-4.300 đồng/kg. Điều đó cũng chứng minh cho thấy, các điểm mua bán lúa gạo tấp nập hơn thường là nhóm hàng xáo hay chủ nhà máy mang tới.

Chuyên gia Phạm Giang Nam (Đại học Bạc Liêu), đánh giá: Do nhiều yếu tố khó khăn, như vận chuyển, giá nhân công cao, cần mua vật tư trước, tiêu dùng, không ít nhà nông đã “cần tiền bán gấp” nên hơn 30% lúa đông xuân bán trước với giá thấp hơn. Theo ông Nam, diện lúa đông xuân đang thu hoạch mới có khả năng hưởng lợi tốt hơn đối với chính sách mua tạm trữ kỳ này, hoặc chí ít cũng không thể hạ giá xuống được.

Theo thống kê sơ bộ, đến hết ngày 15.3: Các tỉnh thành vùng ĐBSCL đã mua vào hơn 60.000 tấn lúa, gạo các loại, nhiều nhất là các tỉnh Tiền Giang, Long An (hơn 6.000 tấn) và thấp nhất là Cà Mau và Bạc Liêu, đạt từ 1.800-2.000 tấn/tỉnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem