Ngày Hòa bình của má

Nguyễn Thế Thanh Thứ ba, ngày 30/04/2024 14:30 PM (GMT+7)
Ngày 30/4/1975 đến với một góa phụ chiến tranh như má tôi không đơn giản là một ngày chiến thắng. Bà sang chia vui với những nhà hàng xóm có người trở về trong bộ quân phục vương mùi chiến trận và rơi nước mắt đau đớn cùng những người phụ nữ đồng cảnh ngộ với bà 7 năm trước.
Bình luận 0

Với má tôi thì có lẽ năm 1962 - năm ba má tôi chia tay nhau ở Hà Nội để ông đi vào chiến trường rồi không bao giờ về nữa - mới là năm đáng nhớ nhất trong đời bà. Năm ấy bắt đầu cho một cuộc chờ đợi mà âu lo, phập phồng luôn lấn át niềm hi vọng trong trái tim người thiếu phụ 3 con, mới 29 tuổi.

Chiến tranh, như ai đó đã nói, đâu phải trò đùa. Cuộc chờ đợi ấy ngỡ như đã dừng lại 6 năm sau đó khi tờ giấy báo tử đến cùng với một nghi thức do Bộ Quốc phòng tổ chức lặng lẽ tại nhà. Không một sẻ chia nào loang ra trong mấy ngày đêm tang tóc đó.

Chiến tranh chưa kết thúc. Nỗi âu lo cần phải được chìm xuống vì trong mỗi căn nhà hàng xóm của bà trong khu tập thể quân đội 3B Ông Ích Khiêm đều có một người đàn ông là chồng, là cha đang còn ở ngoài mặt trận và hậu phương của họ không nên bị khuấy động thêm vào thời khắc này.

Cả ba đứa con đều sơ tán tận Quế Lâm xa xôi. Nước mắt bà một mình chảy xuống trong căn nhà vỏn vẹn 28 mét vuông, thương mình thì ít, thương con thì nhiều.

Nhưng bà đã không bỏ buổi học nào và đợt thi nào ở giảng đường Đại học Y Dược. Tấm bằng Dược sĩ bà nhận cùng với lời biểu dương nhỏ nhẹ của Giáo sư - Hiệu trưởng Huỳnh Quang Đại: "Chị rất dũng cảm" không biết đã chứa đầy trong đó bao nhiêu nỗi đau mất chồng và nỗi nhớ thương con trong những ngày tháng khó khăn ngất trời ấy.

Ngày Hòa bình của má- Ảnh 1.

Vợ chồng Liệt sĩ Nguyễn Thế Truyện chụp với con gái đầu và con trai thứ hai tại Hà Nội năm 1960. Một năm sau ông bà có thêm đứa con gái thứ ba, cũng là đứa út vì khi nó mới 11 tháng tuổi thì ông đi chiến trường miền Nam và không bao giờ về nữa. Ảnh: NVCC

Ngày 30/4/1975 đến với một góa phụ chiến tranh như má tôi không đơn giản là một ngày chiến thắng, thậm chí "ngày toàn thắng". Bà sang chia vui với những nhà hàng xóm có người trở về trong bộ quân phục vương mùi chiến trận, và rơi nước mắt đau đớn cùng những người phụ nữ đồng cảnh ngộ với bà 7 năm trước.

Bà hình dung ra cuộc trùng phùng trĩu nặng yêu thương với gia đình ở quê hương Nam Bộ nơi bà có những đứa em cô cậu ruột mang quân phục khác chiến tuyến với chồng bà. Và, bà mong ngóng ngày đó biết bao dù đã có lúc bà từng tự hỏi "Không biết các em có thương, có chấp nhận chị Ba không?".

Nhưng rồi chẳng có gì lớn hơn tình gia đình và một cuộc sống từ nay không còn bom đạn. Phức tạp mấy, nan giải mấy cũng còn có hòa bình đó để mà tháo gỡ. 

Lâu hay mau, đau nhiều hay ít cũng là do những người còn sống qua chiến tranh tính với nhau, ở bên này hay bên kia mà thôi. Chứ những người đã chết trên những chiến hào khác nhau trong chiến tranh, mạng sống của họ là một phần đặt cược cho hòa bình rồi.

Má tôi đã gặp lại cậu ruột và các em của mình. Chỉ một chút xíu bỡ ngỡ vì chị em mấy chục năm mới gặp lại, thậm chí mới gặp lần đầu vì khi má tôi chia tay gia đình đi kháng chiến có những cậu dì chưa được sanh ra. Rồi từ đó tình thân gia đình cứ vậy mà nối lại và bồi đắp suốt mấy chục năm sau hòa bình.

Gia đình chúng tôi mỗi khi gặp nhau, có lúc nào trùng dịp 30/4 thì chẳng ai gọi đó là ngày toàn thắng, ngày đại thắng. Không còn chiến tranh nữa nhưng rất nhiều năm sau họ hàng nhà tôi vẫn bị gọi là, xem là "nhà có ngụy quân, ngụy quyền".

Thi thoảng có ai đó lỡ lời "bên thắng, bên thua" là tất cả đều giật thót như vừa chạm vào vết dao cứa chưa liền da. Tận đáy lòng ai nấy chôn giữ bao nhiêu là nỗi niềm khó nói hết. Kết thúc một cuộc chiến tranh lâu dài đến thế, ác liệt đến thế bằng những tổn thất đến thế thì sao lại không thể vui mừng gọi đó là thắng lợi, thậm chí là thắng lợi to lớn.

Nhưng, vì cuộc chiến tranh ấy không chỉ kết thúc trong thắng lợi mà còn trong cả sự nghiệt ngã, khi lằn ranh chiến tuyến nằm ngay trong từng gia đình, thế nên mới cần phải thận trọng tìm kiếm cách đặt tên một cột mốc lịch sử sao cho phù hợp nhất cho lòng người!

Năm tháng trôi qua đã quá lâu. Những đổi thay đã quá nhiều. Sao không thể cho nhau thêm một cơ hội xích lại gần hơn bằng một định danh và cách tưởng nhớ lịch sử gắn kết dân tộc hơn nữa?

Ở đâu không biết chứ dưới mỗi mái nhà họ hàng thân thuộc của chúng tôi, nơi có đủ "bên thắng cuộc" và "bên thua cuộc", ai nấy đều thừa nhận giá trị lớn nhất của ngày 30/4 là ngày kết thúc chiến tranh, thống nhất đất nước nhưng ít ai gọi đó là ngày đại thắng. 

Và, má tôi cũng không ngoại lệ.

Ngày Hòa bình của má- Ảnh 2.

Tác giả Nguyễn Thế Thanh - nguyên TBT báo Phụ nữ TPHCM, con gái anh hùng liệt sỹ Nguyễn Thế Truyện - Tư lệnh mặt trận SG-Gia Định trong chiến dịch Mậu Thân 1968. Ảnh: DV

Từ ngày còn là những đứa trẻ đến giờ, ngay cả sau khi ba tôi ngã xuống ở chiến trường, chị em tôi chưa bao giờ được bà dạy về lòng thù hận và về sự trả thù. Bà chỉ luôn nhắc chúng tôi niềm tự hào về sự đóng góp cho đất nước khi cần, như ba tôi và rất nhiều người khác.

Điều cho đến nay khiến tôi lạ nhất về má tôi không chỉ là sức chịu đựng có thể nói là phi thường ở bà. Một mình nuôi 3 đứa con khi mới 29 tuổi. Một mình chiến tranh, một mình hòa bình. Một mình trẻ trung, một mình già úa. Một mình ngọt ngào, một mình cay đắng.

Với người bình thường như tôi thì thế là phi thường rồi. Điều lạ nhất nữa mà tôi ngấm ngầm phát hiện bấy lâu ở má tôi là bà chưa bao giờ ngừng chờ đợi ba tôi. Thỉnh thoảng bà kể cho tôi nghe, với giọng vui vẻ, về những cuộc gặp gỡ ba tôi trong giấc mơ, khi dài khi ngắn.

Những cuộc gặp gỡ như thật, có đùa cợt, hờn dỗi vợ chồng, có cả dặn dò nghiêm túc kiểu "đồng chí, đồng đội". Bà chỉ kể về những giấc mơ nhưng tôi biết là bà vẫn chưa thôi chờ đợi ông - người mà bà đoan chắc kiếp sau vẫn muốn chọn làm chồng và luôn khéo léo cho hai ông con rể thấy đó là một "hình mẫu" để liệu mà ít nhiều noi theo !

Có lần tôi cả gan thăm dò bà xem cái điều tôi đoán định đúng tới đâu: "Má, hòa bình mấy chục năm rồi, ai ở ngóc ngách nào thì cũng đã tìm được đường về nhà, ai không về nghĩa là không thể về nữa, hén?". 

Và bà đã trả lời tôi tỉnh queo, như chỉ chờ được hỏi: "Vậy chớ sao. Nhưng mà, những ai không thể về thì cũng đâu có nghĩa là không thể gặp. Nhưng để gặp lại, ở đâu cũng vậy, thì phải biết chờ. Nhờ có hòa bình mà nhiều người còn sống để chờ thay vì phập phồng trong bom đạn".

Ôi, má tôi, góa phụ chiến tranh của tôi. Thì ra bà đã nghĩ thấu đáo đến thế về sự chờ đợi của một người dành cho người mình yêu ngay cả khi người ấy không còn nữa. Có chờ thì có gặp.

Bây giờ thì tôi hiểu vì sao cả một bài thơ "Đợi anh về" của Simonov bà chỉ thích và chỉ nhớ để nhắc đi nhắc lại cho riêng mình mấy câu này:

Mưa có rơi dầm dề

Ngày có dài lê thê

Thì em, em cứ đợi…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem