Ngày Tết, uống bia không cồn tham gia giao thông có bị xử phạt?
Ngày Tết, uống bia không cồn tham gia giao thông có bị xử phạt?
Thành Trung
Thứ ba, ngày 30/01/2024 06:36 AM (GMT+7)
Theo quy định của pháp luật, uống rượu bia và có nồng độ cồn khi tham gia giao thông sẽ bị xử phạt, vậy tôi muốn hỏi nếu như uống bia không cồn có bị phạt không?
Câu hỏi về quy định xử phạt nồng độ cồn khi tham gia giao thông là do bạn đọc Nguyễn Văn Cường (Nam Từ Liêm, Hà Nội) gửi về Báo Dân Việt.
Uống bia không cồn tham gia giao thông có bị xử phạt?
Trao đổi với Báo Dân Việt về câu hỏi "Ngày Tết, uống bia không cồn tham gia giao thông có bị xử phạt?", luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật đã giải đáp như sau:
Bia không cồn hay bia chay, bia không độ là loại đồ uống giống bia có độ cồn cực thấp (không quá 0,5%). Do đó, nếu uống nhiều bia không cồn thì trong hơi thở của người uống vẫn có thể có lượng cồn nhất định.
Theo khoản 6 điều 5 Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia năm 2019 và khoản 8 điều 8 Luật Giao thông đường bộ hợp nhất năm 2019 có quy định cấm người điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc trong hơi thở có nồng độ cồn. Vì vậy, người uống bia không cồn mà bị công an kiểm tra có nồng độ cồn trong người khi điều khiển phương tiên giao thông thì vẫn có thể bị phạt.
Mức phạt vi phạm về nồng độ cồn
Mức phạt khi vi phạm nồng độ cồn trong quá trình tham gia giao thông được quy định rõ tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP sửa đổi tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP.
Đối với ô tô
Theo đó, khi người điều khiển xe ô tô vi phạm vềt nồng độ cồn có thể phải chịu mức phạt như sau:
Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở. Hình phạt bổ sung là tước giấy phép lái xe từ 10 tháng đến 12 tháng.
Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở. Hình phạt bổ sung là tước giấy phép lái xe từ 16 tháng đến 18 tháng.
Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở. Hình phạt bổ sung là bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng.
Đối với xe máy
Chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở sẽ bị phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng và tước giấy phép lái xe từ 10 tháng đến 12 tháng.
Vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở sẽ bị phạt tiền từ 4 triệu đồng đến 5 triệu đồng. Hình phạt bổ sung là tước giấy phép lái xe từ 16 tháng đến 18 tháng.
Vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở sẽ bị phạt tiền từ 6 triệu đồng đến 8 triệu đồng và tước giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng.
Đối với xe đạp
Về xử phạt người điều khiển xe đạp, xe đạp máy (kể cả xe đạp điện), người điều khiển xe thô sơ khác vi phạm quy tắc giao thông đường bộ quy định:
Vi phạm nồng độ cồn chưa vượt quá 50 miligam/100 ml máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở, bị phạt từ 80.000 - 100.000 đồng.
Vi phạm nồng độ cồn vượt quá 50 - 80 miligam/100 ml máu hoặc vượt quá 0,25 - 0,4 miligam/1 lít khí thở, bị phạt từ 300.000 - 400.000 đồng.
Vi phạm nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở, bị phạt 400.000 - 600.000 đồng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.