Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2: Ký ức "blouse trắng" trong những tháng ngày khốc liệt

Bạch Dương Thứ bảy, ngày 26/02/2022 16:59 PM (GMT+7)
Ngày 26/2, Thành ủy, HĐND, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM đã tổ chức Lễ đón nhận các hình thức khen thưởng cấp nhà nước và họp mặt kỷ niệm 67 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2.
Bình luận 0
Bí thư TP.HCM Nguyễn Văn Nên: Lịch sử thành phố mãi khắc ghi những hy sinh của y tế tuyến đầu - Ảnh 1.

Bí thư TP.HCM Nguyễn Văn Nên tại buổi lễ. Ảnh: Việt Dũng

Ký ức "blouse trắng" trong những tháng ngày khốc liệt

Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Văn Nên chia sẻ, trước bối cảnh sức khỏe và tính mạng của người dân bị đe dọa vô cùng nguy cấp, toàn ngành y tế trở thành lực lượng chủ yếu, dũng cảm xông pha nơi tuyến đầu chống dịch.

"Nhiều người đã gửi lại người thân yêu của mình để xung phong vào tâm dịch. Bất chấp mọi rủi ro, nguy cơ nhiễm. Có người không thể về chịu tang cha mẹ mình, gác lại ngày đám cưới… Nhiều người bị nhiễm bệnh, sau khi qua khỏi không nỡ rời bỏ bệnh nhân đã xin ở lại cùng anh em tiếp tục chiến đấu. Họ đã làm việc rất tận tụy hết lòng. Lịch sử TP.HCM sẽ mãi mãi khắc ghi, tưởng nhớ", ông Nên xúc động.

Khi nhận nhiệm vụ về Bệnh viện dã chiến số 1, bệnh viện dã chiến đầu tiên của TP, BS.CKII Nguyễn Thanh Trường, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, Giám đốc Bệnh viện dã chiến số 1 cùng các anh em đồng nghiệp chỉ có 36 giờ để tổ chức, vận hành, tiếp nhận người bệnh.

"Khi bệnh viện bắt đầu tiếp nhận bệnh, ngay lập tức đã có rất nhiều đoàn xe cấp cứu chuyển bệnh nhân tới. Tất cả chúng tôi đều làm việc từ 17 giờ chiều đến 5 giờ sáng để tiếp nhận thu dung các bệnh nhân. Nhìn sự lăn xả của các đồng nghiệp mà tôi nghẹn lòng, nhiều khi muốn bật khóc nhưng tôi cố kìm nén cảm xúc của mình để động viên anh em", bác sĩ Trường xúc động kể.

Nhớ lại thời điểm quận 8 trở thành điểm nóng trong đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, bác sĩ Hoàng Văn Cường, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Y tế quận 8 không thể quên những ngày tháng khốc liệt đó.

Ngày 10/7, bác sĩ Cường vác trên vai ba lô nhận lệnh về quận 8 để cùng với lực lượng tại chỗ chiến đấu với đại dịch Covid-19. Thời điểm này, lực lượng y bác sĩ của Trung tâm Y tế quận 8 rất mỏng với 117 người, phụ trách cả các khu cách ly và 16 trạm y tế.

"Lúc đó, mỗi ngày, điện thoại chúng tôi nhận từ 100-200 cuộc gọi cấp cứu, cao điểm nhất là vào lúc rạng sáng. Lúc đó, tôi không nghe các cuộc gọi người quen mà chỉ nghe các cuộc gọi số lạ, bởi đó là những cuộc gọi từ người dân rất cần giúp đỡ", bác sĩ Cường nói.

Bí thư TP.HCM Nguyễn Văn Nên: Lịch sử thành phố mãi khắc ghi những hy sinh của y tế tuyến đầu - Ảnh 3.

Các y bác sĩ chia sẻ những ký ức ngày tháng không quên. Ảnh: Việt Dũng

TS.BS Phan Minh Hoàng, Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ TP.HCM, Giám đốc Bệnh viện Phục hồi chức năng và điều trị bệnh nghề nghiệp TP.HCM chia sẻ: "Nói về ký ức "blouse trắng" trong đại dịch thì không có một câu từ nào để diễn tả, nói hết được. Rất nhiều gian khổ, những nỗi niềm khó diễn ra bằng lời, cả những hy sinh, mất mát. Đội ngũ thầy thuốc trẻ TP.HCM sẽ không ngừng kế thừa, phát huy các giá trị cao đẹp mà thế hệ thầy thuốc đi trước để lại".

Tập trung lo cho lực lượng tuyến đầu, y tế cơ sở

Theo Bí thư Thành ủy TP.HCM, sự nghiệp bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân luôn được Đảng, Nhà nước đặt ra là nhiệm vụ trọng yếu trong các chính sách kinh tế - xã hội. Song, chính đại dịch Covid-19 bùng phát đã làm bộc lộ một số khiếm khuyết, bất cập mà TP.HCM cần ra sức khắc phục trong thời gian sớm nhất.

Một bài học sâu sắc trong phòng chống dịch là tổ chức lại hệ thống y tế theo hướng gần dân hơn, thông minh hơn, vừa phổ cập vừa chuyên sâu. Nâng cao khả năng nghiên cứu, dự báo về dịch bệnh đi đôi với cung cấp dịch vụ y tế từ sớm, từ xa cho người dân. Đồng thời, chăm lo phát triển hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở hiệu quả nhất.

Vì vậy, ngay khi dịch bệnh được kiểm soát, TP.HCM đã khẩn trương triển khai kế hoạch tổng thể phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó xác định chiến lược về y tế là trụ cột, bao trùm, xuyên suốt, làm nền tảng cho các chiến lược, kế hoạch khác.

Bí thư TP.HCM Nguyễn Văn Nên: Lịch sử thành phố mãi khắc ghi những hy sinh của y tế tuyến đầu - Ảnh 4.

Lịch sử TP.HCM mãi khắc ghi những đóng góp, hy sinh của lực lượng y tế tuyến đầu. Ảnh: BVCC

Ông Nên khẳng định, tư duy "chiến dịch" trong cuộc chiến phòng chống dịch Covid-19 đã được chuyển thành tư duy "chiến lược". Từ đó, đòi hỏi TP.HCM phải quan tâm đầu tư toàn diện, chất lượng và hiệu quả hơn. Trong đó, khẳng định ý nghĩa to lớn của công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu hướng đến mục tiêu giảm tỷ lệ mắc bệnh, tăng tuổi thọ, cải thiện chất lượng sống của người dân.

"Trước mắt, TP.HCM tập trung chăm lo cho lực lượng tuyến đầu, y tế cơ sở vốn đã thiếu nhưng những ngày qua chưa kịp phục hồi sức khỏe tinh thần sau đại dịch", ông Nên nhấn mạnh.

Tiếp thu những khuyến cáo, ý kiến đóng góp của nhiều chuyên gia, thầy cô giáo tiêu biểu trong ngành y đối với công tác đào tạo nhân lực y tế, Bí thư Thành ủy TP.HCM nhấn mạnh, TP.HCM đổi mới tư duy tổ chức đào tạo nguồn nhân lực theo hướng đa dạng hóa, phối hợp chặt chẽ giữa đào tạo và nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực hợp lý. 

Đồng thời, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực y tế không chỉ đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân TP.HCM mà phải tính toán cho cả vùng, cả khu vực phía Nam về số lượng và chất lượng với đầy đủ các loại hình.

Dịp này, Chủ tịch nước đã tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba cho 9 tập thể, 6 cá nhân; Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ thi đua Chính phủ cho 2 tập thể và tặng bằng khen cho 21 tập thể và 108 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác liên tục nhiều năm trong ngành y tế và thành tích xuất sắc trong công tác phòng chống dịch Covid-19.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem