Những cột mốc bằng vàng
Năm 1986, sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 11 năm, tập phim đầu tiên của loạt phim “Biệt động Sài Gòn” ra mắt khán giả và ngay lập tức đã trở thành một hiện tượng của điện ảnh cả nước lúc bấy giờ. Thời bao cấp khó khăn vẫn còn để lại dư âm, nhưng không vì thế mà khán giả tiếc tiền rồng rắn xếp hàng mua vé vào rạp để cùng khóc, cùng cười với những chiến sĩ biệt động gan dạ, tài trí và dũng cảm.
Những nhân vật huyền thoại như Tư Chung, Huyền Trang, Ngọc Mai, Sáu Tâm, Ngọc Lan... đã thực sự là những hình tượng điện ảnh đẹp đẽ trong tâm trí nhiều thế hệ khán giả. Theo ước tính của ông Vũ Văn Nha (chủ nhiệm phim này), đã có khoảng 10 triệu lượt khán giả xem phim trên màn ảnh rộng, chưa kể DVD, trực tuyến.
Poster phim Những đứa con biệt động Sài Gòn.
Đạo diễn Long Vân – đạo diễn của phim nhớ lại: “Tôi đã nghe nhiều chiến công lừng lẫy của các chiến sĩ biệt động Sài Gòn, nên đến lúc được biết Hãng phim truyện Việt Nam có dự án làm phim về các chiến sĩ biệt động, tôi xin được tham gia ngay. Khi ấy, do chưa hiểu biết nhiều lắm về các anh nên đã đề nghị cho mời các chiến sĩ biệt động lẫy lừng như ông Tư Chu, Bảy Bê... để tôi được gặp mặt”.
Cho đến bây giờ, gần 30 năm sau khi bộ phim ra đời, theo đánh giá của các nhà phê bình điện ảnh, vẫn chưa có có bộ phim nào vượt qua được thành công của “Biệt động Sài Gòn” về cả hai phương diện nghệ thuật và thương mại. Hiếm có bộ phim nào về đề tài chiến tranh mà lại được mọi giới, mọi lứa tuổi, mọi vùng miền trên khắp đất nước yêu thích như vậy.
Hơn 1o năm sau, lại cũng chính đạo diễn Long Vân tiếp tục bắt tay vào một dự án phim điện ảnh đồ sộ không kém, đó là bộ phim “Giải phóng Sài Gòn”. Phim được Hãng phim Sài Gòn Giải Phóng sản xuất nhằm kỷ niệm 30 năm sự kiện 30.4.1975. Phim sản xuất dựa trên tác phẩm “Sài Gòn - Bản hùng ca” của nhà văn Hoàng Hà nhưng có lược bớt một số đoạn.
Phim được đầu tư 12,5 tỷ đồng Việt Nam và sản xuất trong thời gian dài kỷ lục là 13 năm, ghi lại một số sự kiện lịch sử chính trong tiến trình đoàn quân giải phóng tiến vào thành phố Sài Gòn. Bắt đầu từ trận tấn công giải phóng Buôn Ma Thuột, khiến Việt Nam Cộng hòa phải cầu viện quân sự của Mỹ, đồng thời tìm cách cố giữ Huế và Đà Nẵng, đến trận đánh chiếm ngã ba Dầu Giây nhằm chiếm Xuân Lộc, mở cánh cửa phía đông cho để tiến vào Sài Gòn, rồi những trận pháo làm tê liệt sân bay quân sự Biên Hòa và Tân Sơn Nhất, là việc Mỹ buộc Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu từ chức để lập nội các mới do Dương Văn Minh đứng đầu, là sự kiện quân đội Mỹ sơ tán khỏi Sài Gòn bằng trực thăng.
Bao trùm lên tất cả những sự kiện này là kế hoạch của Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh: Tiến vào Sài Gòn bằng 5 mũi, chiếm 5 vị trí trọng yếu nhất, phối hợp với lực lượng nổi dậy tại chỗ, tiến thẳng vào dinh lũy cuối cùng của Việt Nam Cộng hòa, buộc Tổng thống Dương Văn Minh phải đầu hàng vô điều kiện mà Sài Gòn vẫn nguyên vẹn.
Phim “Giải phóng Sài Gòn” khác với “Biệt động Sài Gòn” trước đây bởi tính chính luận và lịch sử rõ ràng hơn. Những nhân vật trong phim không phải là những chiến sĩ biệt động mà là các nhân vật lịch sử đã từng đóng một vai trò quan trọng trong cuộc tổng tiến công mùa xuân 1975. NSƯT Hà Văn Trọng vào vai Tổng Bí thư Lê Duẩn, nghệ sĩ Khương Đức Thuận vai Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nghệ sĩ Thành Hội vai Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, Hoàng Trí Phúc vai Tổng thống Dương Văn Minh.
NSƯT Hà Văn Trọng hồi tưởng: “Đã từng được chọn thể hiện vai lãnh tụ và nhiều vai tướng tá, nhưng lúc đạo diễn Long Vân ngỏ lời mời tôi thử sức với vai Tổng Bí thư Lê Duẩn thì tôi đã từ chối 6 lần. Một vai diễn hết sức khó, và phải thể hiện nhân vật đang ở thời điểm cao trào, đỉnh điểm cuộc chiến. Đạo diễn Long Vân nhiều lần động viên và chính anh là người chuốt cho tôi từng chi tiết trong phim”.
Mảng đề tài phong phú
Không chỉ là đề tài cho các bộ phim nhựa được đầu tư hoành tráng, ngày 30.4 còn là nguồn cảm hứng bất tận cho các bộ phim truyền hình, phim tài liệu và cũng rất được khán giả yêu thích.
Có thể kể đến 120 tập phim “Những đứa con của biệt động Sài Gòn” được xem như phần “nối dài” câu chuyện về cuộc đời các chiến sĩ trong phim “Biệt động Sài Gòn”. Bộ phim dù không thực sự liên quan nhiều đến các nhân vật đã từng được khán giả yêu thích trước đây nhưng cũng đã được bình chọn là bộ phim truyền hình được khán giả VTV yêu thích nhất năm 2014.
Về mảng phim tài liệu làm về ngày 30.4, khán giả yêu điện ảnh sẽ không thể không nhắc đến bộ phim “Ngày cuối cùng của chiến tranh” do đạo diễn Nguyễn Thước dàn dựng. Êkíp làm phim “Ngày cuối cùng của chiến tranh” gồm kịch bản và lời bình: NSƯT Đào Thanh Tùng, đạo diễn NSƯT Nguyễn Thước, quay phim Hoàng Dũng đã làm được một điều khác biệt, đó là kể lại câu chuyện về ngày cuối cùng của cuộc chiến tranh bằng một góc nhìn đa diện, không khô cứng.
Cờ, hoa, nước mắt, nụ cười- rất nhiều nụ cười của những người dân hân hoan với hai từ “Giải phóng”, chưa biết gì đến cả một núi lo toan, bất hạnh, trăn trở... đương chờ cái thành phố vĩ đại và cả nước ta sau một bước ngoặt số phận.
“Ngày cuối cùng của chiến tranh” cũng là ngày đầu tiên của hoà bình, bộ phim hoàn toàn là câu chuyện của ngày hôm nay, bắt đầu bằng những người trẻ sinh ra trong ngày 30.4.1975, tại Bệnh viện Từ Dũ, Sài Gòn. Ở tuyến nhân vật thứ hai là phi công phản chiến Nguyễn Thành Trung, Trung tướng xe tăng Phạm Xuân Thệ, đại tá - Chính ủy Bùi Tùng, đại tá - nhà văn Chu Lai, cựu chiến binh- nhà văn Nguyễn Văn Thọ, cố Phó Tổng thống “Việt Nam cộng hòa” Nguyễn Cao Kỳ, cựu Trung tướng quân lực Sài Gòn Nguyễn Hữu Có... Tất cả họ đã đem đến những mảng ký ức không thể quên trong một ngày đặc biệt của lịch sử dân tộc.
Điểm thành công nhất của phim “Biệt động Sài Gòn” có lẽ là đã phản ánh được chân thực nhất không khí của đời sống nội thành Sài Gòn giai đoạn trước 1975 khi đoàn phim đã tái hiện được gần như nguyên vẹn đời sống đô thị của thành phố xa hoa bậc nhất đất nước. Khắc họa được sự gan dạ, dũng cảm, mưu trí của các chiến sĩ biệt động và quan trọng hơn là xây dựng được thành công nhất những bức chân dung đầy đặn, sống động về họ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.