Nghệ An lên "kịch bản" chủ động ngăn bệnh dịch tả lợn châu Phi

Cảnh Thắng Thứ năm, ngày 28/02/2019 10:38 AM (GMT+7)
Sau khi nhận được thông tin địa phương giáp ranh Nghệ An là tỉnh Thanh Hóa phát hiện ổ dịch tả lợn Châu Phi, mới đây UBND tỉnh Nghệ An và người chăn nuôi đã lên phương án, triển khai các giải pháp cấp bách phòng chống và ngăn chặn mầm nhiễm bệnh dịch tả lợn Châu Phi vào địa bàn.
Bình luận 0

Trước diễn biến phức tạp của bệnh dịch tả lợn châu Phi, ngày 26.2 UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Chỉ thị s0s 07/CT-UBND, UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu UBND các thành phố, huyện, thị xã chỉ đạo Phòng NN&PTNT phối hợp với Trạm Chăn nuôi và thú y, các phòng ban, đơn vị liên quan tham mưu xây dựng và tổ chức, chỉ đạo thực hiện kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn; xây dựng giải pháp xử lý triệt để lợn bệnh, sản phẩm lợn bệnh, nghi mắc bệnh nhằm tránh lây lan dịch bệnh.

img

Người chăn nuôi cố gắng áp dụng các biện pháp phòng chống nhằm ngăn chặn lây nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi vào địa bàn Nghệ An. Ảnh minh hoạ

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Đặng Văn Minh - Chi Cục phó Chi cục Chăn nuôi - Thú y Nghệ An cho hay: “Trước diễn biến phức tạp của bệnh dịch tả lợn châu Phi, chúng tôi đã tham mưu cho UBND tỉnh lên phương án phòng chống, ngăn chặn dịch trên địa bàn. Chỉ đạo UBND cấp xã, Trạm Chăn nuôi và Thú y chủ động giám sát, lấy mẫu khi có nghi ngờ dịch bệnh gửi Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh; báo cáo kịp thời, đầy đủ thông tin, số liệu dịch bệnh động vật, tổ chức triển khai có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật...”.

“Đặc biệt tổ chức giám sát chặt chẽ những nơi buôn bán, giết mổ, trung chuyển lợn; thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc sau mỗi buổi họp chợ, ca giết mổ; xây dựng phương án đóng cửa chợ, cơ sở giết mổ, nơi buôn bán lợn, sản phẩm của lợn và có biện pháp xử lý kịp thời khi phát hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi" - ông Minh thông tin thêm. 

Cũng theo ông Minh, các địa phương phải tổ chức giám sát chặt chẽ tại cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới đối với người và phương tiện vận chuyển xuất phát từ các nước nhập cảnh vào địa bàn tỉnh.

"Tuyên truyền để người dân không tham gia vào hoạt động buôn bán, vận chuyển trái phép lợn, sản phẩm lợn qua biên giới; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm; lấy mẫu xét nghiệm và tiêu hủy lợn, sản phẩm lợn nhập lậu; kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán lợn, sản phẩm lợn trên địa bàn theo quy định…”, ông Đặng Văn Minh nhấn mạnh. 

Ông Đặng Anh Tuấn, chủ trang trại nuôi lợn ở xã Xuân Sơn, huyện Đô Lương (Nghệ An) cho hay: “Trước tết gia đình tôi mới xuất chuồng đàn lợn nên mới tái đàn được hơn tháng. Thời gian này, thấy bệnh dịch tả châu Phi diễn biến phức tạp, tôi và gia đình hàng ngày tôi thu dọn vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, đồng thời phun thuốc khử trùng trong khu vực chuồng trại. Không cho người ngoài vào chuồng trại, thường xuyên theo dõi tình hình sức khỏe của đàn lợn. Trước mắt, gia đình giữ nguyên đàn lợn trong chuồng, không nhập thêm lợn giống để tăng đàn...”.

"Hiện nay, do thông tin dịch tả lợn châu Phi, giá lợn ở địa phương xuống rất thấp, chỉ còn 44.000  - 45.000 đồng/kg. Không những giá bán giảm mà lợn cũng khó tiêu thụ hơn vì hầu hết thương lái không mặn mà mua lợn dịp này", anh Toàn, một thương lái thu mua lợn cho hay.

“Ngay lúc này, chúng tôi đã và đang chỉ đạo các Trạm thú y, các huyện thành phân công cán bộ xuống cơ sở nắm bắt tình hình dịch bệnh trên đàn lợn; đồng thời giám sát sự vận chuyển lợn ra vào địa bàn, tránh tình trạng lợn giống không rõ nguồn gốc vào địa bàn”.

Ông Đặng Văn Minh - Chi Cục phó Chi cục Chăn nuôi - Thú y Nghệ An.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem