Vừa bán xong 1 lứa cau quả được giá, vợ chồng ông Nguyễn Bá Giáp (66 tuổi) ở xóm Nho Phong, xã Thanh Nho (huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An) đang tích cực chăm bón cho cây. Ông Giáp cho biết, trong vườn nhà ông hiện có hơn 300 cây cau tuổi đời hàng chục năm.
Đây là giống cau liên phòng với ưu điểm chịu gió bão tốt, cây khỏe, ít sâu bệnh; buồng sai quả được bố ông đưa về từ Huế vào những năm 60 của thế kỷ trước. Hàng năm, bên cạnh số cau cũ, ông còn trồng mới, trồng xen để tạo thành 1 vườn cau đẹp có tiếng trong vùng.
“Cách đây mấy ngày tôi bán 1,5 tạ cau, giá 76.000 đồng/kg, nay giá đã lên 80.000/kg, vườn nhà tôi phải chờ thêm một thời gian nữa mới có bán” – ông Giáp cho biết.
Theo ông Giáp, vườn cau nhà ông cho thu hoạch gần như quanh năm, nửa đầu năm bán cau Tết, cau Rằm. Có lúc 1 buồng cau đã bán được 1,5 triệu đồng. Từ tháng 8 trở đi bán cau chính vụ. Mỗi buồng cau trung bình cho 4 kg quả (khoảng 50 quả/kg), buồng “siêu sai” đạt 6kg. Mỗi mùa cau thu hoạch nhiều lứa. Năm nay cau được giá, mỗi lứa cau, gia đình ông kiếm không dưới 10 triệu đồng.
Ngoài bán cau quả, ông còn ươm cau cây, nhân giống cho bà con trong vùng và bán ra cho bà con nông dân trong và ngoài huyện. Hiện nay, cau giống có giá 35.000 – 50.000 đồng/cây tùy vào độ lớn của cây. Năm 2020, ông đã xuất 1.000 cây cau giống. Năm nay ông ươm khoảng 600 cây, đã bán được số lượng khá vì người mua đông, nhiều người đặt hàng từ trước.
Ông Giáp cho biết, tính cả tiền bán cau quả và cau giống, mỗi năm, cây cau cũng đem lại cho gia đình ông nguồn thu từ 80 – 100 triệu đồng.
Cạnh nhà ông Giáp, nhà ông Bùi Văn Sơn (63 tuổi) cũng trồng cau nhiều. Trong vườn nhà ông hiện có hàng trăm cây cau đã cho thu hoạch, ngoài ra còn có nhiều lứa cau trẻ. “Hiện vườn nhà tôi có khoảng 600 cây cau cả lớn lẫn nhỏ. Tôi ươm liên tục, để cung cấp giống cho người dân trong vùng”.
Theo ông Sơn, trồng cau không tốn kém gì nhiều, không mất công chăm bón, tiết kiệm được đất đai, không phải dùng hóa chất bảo vệ thực vật, thu hoạch được lâu năm, nhiều lứa cau 40 – 50 năm vẫn còn cho quả đẹp. Những năm qua, cau được giá, mỗi vụ cau cũng đem lại cho gia đình ông hàng chục triệu đồng.
Xóm Nho Phong là xóm có nhiều cau nhất ở xã Thanh Nho. Từ đầu xóm đến cuối xóm đi đâu cũng thấy cau, những vườn cau trải dài khá đẹp mắt. Theo ông Trần Văn Định, Xóm trưởng xóm Nho Phong, cả xóm có 248 hộ, trong đó 80% hộ dân trồng cau, nhà ít thì vài chục cây (khoảng 150 hộ), nhà nhiều thì hàng trăm cây (khoảng 15 hộ). Những gia đình trồng cau nhiều (200 - 300 cây trở lên) có thể kể tên như hộ ông Nguyễn Bá Giáp, Võ Văn Ngõ, Nguyễn Thế Dũng, Bùi Văn Sơn, Nguyễn Thế Hải, Nguyễn Bảo Mẫu…
Phong trào trồng cau ở Nho Sơn đã có từ lâu và hoàn toàn tự phát. Những năm qua, khi giá cau tăng cao, nhiều hộ dân ở đây đã mở rộng diện tích trồng cau, cải tạo vườn tạp để trồng cau...
Anh Trần Văn Bảy (51 tuổi) – một người dân trong xóm cho biết, vườn nhà anh hiện có 50 cây cau đã cho thu hoạch 3 tạ/mùa và 200 cây cau 1 – 2 năm tuổi. Sắp tới anh dự định sẽ trồng thêm 100 cây nữa. “Trồng cau 5 năm là có thu hoạch, được giá thì có tiền tiêu, còn mất giá cũng không thiệt hại gì lắm” – anh Bảy chia sẻ.
Tại Thanh Chương, các xã Thanh Nho, Thanh Mỹ, Thanh Hòa, Phong Thịnh, Thanh Liên, Thanh Tiên… là những xã có nhiều cau. Bà con trồng cau theo hình thức chuyên canh hoặc xen canh cùng bưởi, chè, hồ tiêu… trong vườn nhà, vườn đồi. Với giá thu mua cao, mùa cau này đã đem lại cho bà con trồng cau “xứ nhút” một nguồn thu nhập khá.
Giá cau ngất ngưởng, dân trồng cau “cháy hàng”
Anh Trần Văn Mão ở xã Thanh Nho (Thanh Chương) cho biết, anh làm nghề buôn cau đã nhiều năm, nhưng chưa khi nào thấy cau "kịch" giá như hiện nay.
Năm 2020, lúc cao điểm giá cau quả chỉ đạt mức 42.000 đồng/kg. Đầu mùa cau năm 2021, tầm tháng 7, dân buôn cau trên cây mới chỉ mua 25.000 – 30.000/kg thậm chí rẻ hơn, đến tháng 8 đã mua lên 50.000 – 55.000 đồng/kg. Từ nửa cuối tháng 9 cho đến đầu tháng 10, giá cau tăng vụt lên 70.000 – 80.000 đồng/kg.
Giá cau cao đem lại thu nhập cho người trồng cau, hoạt động thu mua, buôn bán cau cũng trở nên tấp nấp, nhộn nhịp hơn.
Nhiều người dân ở các huyện Thanh Chương, Đô Lương, Nam Đàn, Anh Sơn, Tân Kỳ, Quỳ Hợp… đổ xô đi buôn cau, hái cau. Có những xóm có hàng chục lao động làm nghề buôn cau. Không ít người trong họ đã chuyển từ buôn trám, trèo trám sang trèo cau.
Là “vựa cau” của Thanh Chương, riêng địa bàn xã Thanh Nho có khoảng 10 điểm thu mua cau, hàng ngày mua vào hàng chục tấn cau quả. Dịp này, đến các cơ sở thu mua, thấy cơ sở nào, cau cũng để ngổn ngang.
Dân buôn cau tỏa ra khắp nơi trong và ngoài huyện, các địa phương có nhiều cau, thậm chí sang cả Hương Sơn, Đức Thọ (Hà Tĩnh) để mua cau. Cách thức thu mua là mua “quạ” cả vườn, đặt tiền trước hoặc hái xuống, cân lên, tính tiền.
Dịp này, các cơ sở sấy cau ở Thanh Chương, Anh Sơn, Quỳ Hợp… cũng hoạt động tấp nập. Tùy vào điều kiện, mỗi cơ sở có khả năng thu mua, xử lý hàng trăm đến hàng nghìn tấn cau/vụ, dung nạp nhiều lao động địa phương theo nghề.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.