Vỗ béo trâu chờ “xuất ngoại”
Những ngày đầu tháng 9, trên những cánh đồng thuộc các xã Đại Sơn, Trù Sơn, huyện Đô Lương (Nghệ An), xuất hiện hàng trăm con trâu đang gặm cỏ. Đi cùng chúng có 5 người phụ nữ đã lớn tuổi cầm roi tre canh chừng. Hỏi ra mới biết, đây là những nông dân địa phương, họ tranh thủ những lúc nông nhàn đi “chăn” trâu thuê cho các thương lái trong vùng, kiếm tiền mưu sinh.
Nghề vỗ béo trâu ở chợ Ú, xã Đại Sơn, huyện Đô Lương (Nghệ An), một nghề ăn theo nhưng là kế mưu sinh cho nhiều người dân. Ảnh: Cảnh Thắng
Trao đổi với Dân Việt, chị Nguyễn Thị Thanh, xóm 6, xã Đại Sơn- người đi vỗ béo trâu thuê cho các "đại gia" chia sẻ: “Hàng ngày, khi các thương lái địa phương đi mua trâu ở các tỉnh phía Nam về tập trung ở chợ Ú. Trên đường vận chuyển, trâu bò bị bỏ đói nên khi về đến đây, sau nuôi nhốt mấy tiếng cho trâu lấy lại sức các chủ trâu bắt đầu thuê người dân trong vùng đi chăn trâu,vỗ béo chờ đến phiên chợ trâu, bò bán được giá hoặc tự vận chuyển trâu ra các tỉnh phía Bắc rồi bán thẳng cho thương lái Trung Quốc.”
“Mỗi con trâu giá trung bình từ 30-40 triệu đồng tuy từng con to khỏe. Nhưng khi mua được nhưng con trâu mộng khỏe thì giá có thể lên đến 100 triệu đồng/con. Nhưng loại trâu này giờ hiếm lắm, ít gặp. Thỉnh thoảng một số chủ trâu địa phương đi lùng sục khắp các huyện miền núi Nghệ An hay ở trong tận trong Tây Ninh mới có thể tìm gặp được những chú trâu này thôi. Giá cả đắt đỏ nên loại trâu mộng trăm triệu này cũng rất ít người dám mua về bán.” chị Thanh cho biết thêm.
Trâu sau khi được vỗ béo, đến phiên chợ Ú được đưa ra định giá để thương lái lựa chọn quyết định mua hay không. Ảnh: Cảnh Thắng
Trao đổi với bà Phạm Thị Nhi, trú tại xóm 3, xã Đại Sơn cùng làm nghề vỗ béo trâu thuê cho hay: “Tôi cùng một số người dân trong xã tranh thủ thời gian rảnh rỗi được các chủ trâu thuê đi chăn trâu, vỗ béo chúng để chuẩn bị bán cho phiên chợ sắp tới. Nghề này tuy đi rất nhiều, băng qua nhiều cánh đồng, do phải theo đàn trâu, canh chừng chúng nó không cho đi lạc đàn. Khi đã ổn định được bầy trên một cánh đồng nhất định, thì chúng tôi tìm bóng mát nghỉ ngơi. Khi trâu ăn no là chúng tôi lùa đàn về nghỉ thôi. Nhìn vất vả thế nhưng cái nghề này cũng rất dễ, thu nhập cũng khá.”
“Vỗ béo đàn trâu, đưa trâu đi chăn, mỗi ngày chúng tôi được trả công từ 200 đến 250.000 tùy theo từng đàn ít hay nhiều. Đàn 50 con trở lên thì cần tới 3 người, giá thuê chăn, vỗ béo lại cao hơn. Mỗi ngày, trâu bò được mua về tập trung ở chợ Ú rất đông, nhưng cứ đến phiên chợ lại bị bán hết. Cứ xoay vòng vậy, cuộc sống của chúng tôi mưu sinh được cũng nhờ cái chợ Ú này. ” bà Nhi cho biết thêm.
“Ai về chợ Ú Đại Sơn/ Mua con trâu mộng lập nên đại điền”
Đây là câu ca lưu truyền trong dân gian nói về chợ Ú, xã Đại Sơn, huyện Đô Lương (Nghệ An). Ngay từ xa xưa, chợ Ú là nơi mua bán gia súc lớn nhất xứ Nghệ và dần dần được mở rộng quy mô, biến làng quê nghèo Đại Sơn trở nên tập nập hơn bao giờ hết.
Là chợ trâu bò thuộc diện lớn nhất cả nước, chợ Ú họp một tháng 6 phiên vào các ngày 1,6,11,16,21,26 âm lịch, thu hút thương lái và người mua bán từ khắp các địa phương trong cả nước. Và có cả nhiều thương lái đến từ các tỉnh phía Nam, phía Bắc thậm chí có cả thương lái người Trung Quốc, Lào...
Trâu sau khi được vỗ béo, được đưa đi các phiên chợ bán cho các thương lái, hoặc đưa ra các tỉnh phía Bắc bán cho người Trung Quốc. Ảnh: Cảnh Thắng
Trao đổi với NTNN/Dân Việt, ông Nguyễn Văn Thành, trú tại xóm 6, xã Đại Sơn-một trong nhưng thương lái mua bán trâu bò cho hay: “Mỗi tháng chợ hợp 6 phiên, phiên nào cũng có hàng trăm hàng con trâu bò được mua bán trao đổi. Do tính chất công việc, nên suốt ngày tôi phải đi lùng sục trâu bò khắp các huyện miền Tây xứ Nghệ thậm chí khi thiếu hàng, tôi phải vào các tỉnh phía Nam chọn và thu mua trâu bò...”.
“Khi trâu được chở về chợ Ú, lùa vào trại tôi. Tôi cho chúng nghỉ sức khoảng 2, 3 tiếng sau đó thuê người đưa trâu gặm cỏ, hay nói cách khác vỗ béo cho trâu. Mỗi ngay công tôi trả từ 200-250 ngàn/người/ngày, tùy vào số lượng đàn trâu tôi đưa về. Công việc tùy vào trời nắng hay mưa, nhưng trời nắng thì người chăn trâu vất vả hơn, chúng tôi cũng trả công cho họ xứng đáng mà. Ở cái chợ Ú này, có hàng trăm thương lái, hàng trăm con trâu, bò. Nhưng khi đưa ra chợ con nào con đó đều khỏe, đẹp...Nên cứ đến phiên chợ là chúng tôi bán hết hàng, phải đi tuyển thêm hàng mới. Nhiều lúc có trâu mọng đẹp tôi lại tuyển chon đưa đi các tỉnh phía Bắc bán cho thương lái Trung Quốc.”. ông Thành cho biết thêm.
Trâu do các đại gia thu gom ở các tỉnh, thành mang về chợ Ú và thuê người người dân xã Đại Sơn đưa đi ăn chờ phiên chợ sắp tới.
Trao đổi với ông Đặng Văn Toàn - Chủ tịch UBND xã Đại Sơn, huyện Đô Lương cho hay: “Từ khi chợ Ú được mở rộng, tình hình buôn bán trao đổi gia súc càng trở nên nhộn nhịp hơn. Có nhiều thương lái chở cả xe ô tô trâu ra đến các tỉnh phía Bắc bán cho thương lái Trung Quốc. Chính vì nhờ chợ Ú mà bà con trong xã có thêm nhiều nghề mưu sinh. Từ nghề lái trâu, hay bán hàng quán đến nghề vỗ béo trâu, bò được coi trọng. Người dân tranh thủ tận dụng thời gian rảnh rỗi, nông nhàn để chăn trâu vỗ béo cho thương lái thôi, bà con cũng kiếm được từ 200-250 ngàn/ngày. Tôi thấy nghề này cũng gắn với cuộc sống của người dân trong vùng, vì ở đây nhà nào cũng có trâu bò, đưa trâu nhà đi ăn và vỗ béo trâu cho thương lái vừa kiếm được tiền vừa làm được việc nhà.”
Vui lòng nhập nội dung bình luận.