Nghề chở đào, quất mùa "Tết Covid": "Ế lắm, đói lắm!"

Doãn Nhàn - Thùy Anh Thứ sáu, ngày 21/01/2022 09:29 AM (GMT+7)
“Mấy năm trước chở đào, quất Tết tất bật không có thời gian mà ăn cơm. Năm nay mới hơn 17 giờ chiều là hầu như không có chuyến nào nữa rồi. Kiếm được 200.000 đồng mỗi chuyến là phải kì kèo lên xuống mãi mới được. Năm nay ế lắm, đói lắm!”, bác Hường chuyên chở đào quất tâm sự.
Bình luận 0

“Ngủ gật” chờ chủ vườn gọi đi chở đào, quất Tết

8 giờ sáng, bác Lưu Văn Ba (49 tuổi, Hòa Bình) thong thả mặc chiếc áo khoác đã sờn vai, dắt xe máy cũ chạy ra vườn đào. Đã nghỉ chạy xe ôm 1 tuần nay, “vì khách ế quá, chả kiếm được bao nhiêu. Năm nay bác thử vận may chở đàoquất Tết xem Tết này có gạo ăn không!”. Tết này trông cả vào mấy ngày chở đào thuê dịp cận Tết. Như canh bạc may rủi, có nhiều người gọi chở đào thuê thì Tết này ấm, còn không, bác không dám nghĩ. 

Mùa Tết covid nên nghề chở đào, quất Tết cũng kém phần nhộn nhịp hơn những năm trước.

Mùa Tết covid nên nghề chở đào, quất Tết cũng kém phần nhộn nhịp hơn những năm trước. Ảnh: Doãn Nhàn

Bác Ba kể, mấy ngày đầu bác lân la hỏi chuyện những người có kinh nghiệm chở đào, quất Tết từ trước. Từ cách lấy mối chở hàng như thế nào; Rồi cố định cây như thế nào để khi chạy xe ngoài đường không rơi,... Chiếc xe cũ được bác “độ” thêm cái giá để chở đào, quất thuê. “Mọi năm nghe mấy bác xe ôm làm cùng bảo kiếm được tiền triệu mỗi ngày là chuyện nhỏ nên năm nay bác mới đi chở đào thuê đấy chứ. Nhưng mình xui quá, năm nay dịch chả chở được bao nhiêu”, nói rồi bác Ba thở dài chán nản. 

Vì là “lính mới”, chưa có mối quen từ trước nên bác Ba thường dạo quanh các vườn đào, hoặc dọc đường Lạc Long Quân, chợ hoa Quảng An để tìm người cần thuê. Mỗi chuyến bác được trả trung bình từ 120.000 đồng - 150.000 đồng tùy vào kích thước cây và quãng đường phải chở. Ghé vườn đào Nhật Tân một hồi lâu, cuối cùng bác Ba cũng có chuyến hàng đầu tiên, chở đào tới Yên Lãng. 

Chiếc xe cũ được bác Ba “độ” thêm cái giá để chở đào, quất thuê cho dịp Tết này

Chiếc xe cũ được bác Ba “độ” thêm cái giá để chở đào, quất thuê cho dịp Tết này. Ảnh: Doãn Nhàn

Hiện tại mặc dù đã qua rằm tháng chạp nhưng dịch vụ chở đào, quất Tết vẫn khá yên ắng. Chạy dọc con đường Lạc Long Quân, hoa đào, quất, hoa lan,... được bày bán phủ kín hai vỉa hè. Không khó để bắt gặp những màu áo vàng, áo xanh của các anh xe ôm công nghệ đứng chờ ở các sạp bán đào, quất hai bên đường. Trên chiếc ghế nhựa màu đỏ, anh Đỗ Văn Tùng (37 tuổi, Lào Cai) gật gà gật gù vì ngồi cả chiều không có người gọi đi chở đào thuê. 

“Ế lắm em ơi, cả ngày may ra được 3-4 chuyến chở đào thuê. Anh ngồi đây cả chiều mới được 1 chuyến, chạy về được hơn 2 tiếng rồi, bây giờ vẫn đang chờ dài cả cổ đây này!”, anh Tùng nói, hai tay vẫn đút vào túi áo vì lạnh. Đây cũng là tình trạng chung của nhiều người chở đào, quất Tết năm nay. “Cả năm trông chờ và vụ Tết, nhưng năm nay nhìn chừng đói lắm”, anh Tùng chán nản. 

Nghề bán sức lao động

Nghề chở đào, quất Tết mang tính thời vụ, và cũng đầy cạnh tranh như mọi nghề khác. Bác Nguyễn Văn Hường (54 tuổi, Thái Bình) đã có 5, 6 năm kinh nghiệm chở đào, quất Tết kể: “Nghề này cũng cạnh tranh chả khác gì chạy xe ôm. Muốn có mối nhiều thì phải quen nhiều chủ bán cây”. Vì chạy quen nhiều năm, bác Hường vẫn duy trì được ngày chở 5-6 chuyến, mặc dù nhiều đồng nghiệp khác phải chật vật để kiếm mối. 

Nghề chở đào, quất thuê cũng có nhiều cạnh tranh như mọi nghề khác

Nghề chở đào, quất thuê cũng có nhiều cạnh tranh như mọi nghề khác. Ảnh: Doãn Nhàn

“Muốn chủ vườn có cây cần chở là gọi mình thì mình phải làm tốt, tính tình xởi lởi thân thiện, giao hàng đúng địa điểm đúng hẹn. Nhiều khi rảnh rỗi, không có cây để chở thì bác giúp chủ bán cây chào mời khách mua hàng. Người ta mua cây bác lại làm được thêm chuyến chở đào rồi”, bác Hường nhiệt tình chia sẻ. 

Nụ cười giòn tan, lạc quan của người đàn ông đã ngoài 50 tuổi làm không khí xung quanh rộn ràng hơn hẳn. Bác Hường xòe đôi bàn tay đầy chi chít vết chai sạm của mình rồi tâm sự về cái vất vả nặng nhọc của nghề chở đào, quất thuê. 

“Nghề này ai không có sức khỏe thì khó làm lắm. Bác đây làm nhiều năm rồi nhiều khi còn mệt lả, hai tay bác nhiều hôm còn trầy xước cả vì lúc vận chuyển mình không để ý làm bị thương. Nhiều hôm đi chở đào đang vội mà gặp lúc đường tắc là nóng hết cả ruột, đi nhanh thì sợ tai nạn”. 

Mặc dù có kinh nghiệm chở đào thuê nhiều năm nhưng chuyện lạc đường với bác Hường vẫn “như cơm bữa”. “Bọn thanh niên thì chúng biết dùng điện thoại thông minh, bác đây có con cục gạch đen trắng tra thế nào được”, nói rồi bác cười khì khì. Theo bác Hường, năm nay đào quất bán chậm hơn mọi năm, nên bác cũng chở được ít hơn. 

Chiếc xe cũ còn chòng chành đào quất nặng trĩu là Tết này còn có thêm “đồng ra đồng vào”

Chiếc xe cũ còn chòng chành đào quất nặng trĩu là Tết này còn có thêm “đồng ra đồng vào”. Ảnh: Doãn Nhàn

“Mấy năm trước chở đào, quất Tết tất bật không có thời gian mà ăn cơm, 9 giờ, 10 giờ đêm vẫn chạy ngoài đường là bình thường. Năm nay mới hơn 5 giờ chiều là hầu như không có chuyến nào nữa rồi. Kiếm được 200.000 đồng mỗi chuyến là phải kì kèo lên xuống mãi mới được. Năm nay ế lắm, đói lắm”.

Ban ngày bác Hường chở đào, quất thuê. Tối đến bác làm thêm nghề bốc vác ở chợ để trang trải cho ngày Tết. “Nghề chân tay thì phải vất vả thế chứ biết sao được cháu, còn sức lao động thì mình cứ làm thôi. Năm nay dịch bệnh, có việc làm là may lắm rồi!”, bác Hường lạc quan tâm sự. 

Đào quất Tết vẫn tươi thắm, phủ sắc đỏ vàng cả góc phố. Cận Tết, nhà nhà người người vẫn tất bật mưu sinh, mong có cái Tết ấm no hơn. Hà Nội những ngày mưa phùn gió bấc, người chở đào quất thuê vẫn phải dầm mình ngoài đường. Nhưng họ vui nhiều hơn tủi, vì còn được chạy xe ngoài đường nghĩa là còn có đồng ra đồng vào, trang trải cho ngày Tết Nguyên đán đang cận kề. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem